Giải phóng Trường Sa bằng lực lượng đặc công

07:41, 26/05/2014

Vào những ngày tháng 4 sục sôi, Đoàn 126 (đặc công) đã nhận được nhiệm vụ giải phóng Trường Sa - một nhiệm vụ vinh quang.

Vào những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4/1975, với những đợt tấn công dồn dập của của quân giải phóng, hệ thống phòng ngự của địch ở miền Nam dần bị phá vỡ. Đây cũng chính là thời khắc Quân chủng Hải quân nhận lệnh từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Nhanh chóng tổ chức lực lượng, giải phóng các quần đảo do quân đội Sài Gòn chiếm giữa trên quần đảo Trường Sa. Và, Đoàn 126 là đơn vị được lựa chọn.

 

Chiến thuật ngụy trang của lực lượng đặc công nước rất hoàn hảo.

Theo Thiếu tướng Mai Năng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Đặc công, đây là nhiệm vụ vinh dự nhưng cũng rất khó khăn. Cái khó ở đây là bộ đội đặc công chúng ta từ trước đến giờ vẫn đánh ở dưới nước, như đánh tàu, phá cầu, cảng và kho tàng của Hải quân đối phương chứ không phải đánh căn cứ, cứ điểm, đồn bốt. Thêm vào đó, đặc công nước tuy là lực lượng Hải quân nhưng lại không phải là người đi trên biển, nên ít người chịu được sóng gió lớn. Đặc biệt, cách đánh của đặc công phải mắt thấy, tai nghe, chân đến, tay sờ thì mới chắc thắng. Nhưng với quần đảo Trường Sa, đặc công của ta không sờ được, chưa đến được và cũng chưa thấy được. Thế nên câu hỏi đặt ra khi ấy là: Chưa trinh sát mà lại đánh, vậy phải đánh bằng cách nào? Đáp án là, vừa trinh sát vừa đánh, đánh nhanh, thắng nhanh. “Chúng tôi bàn với nhau: Xa mấy cũng đi, khó mấy cũng đến, đã đến là đánh và quyết thắng ngay từ trận đầu, hoàn thành nhiệm vụ Đại tướng Tổng Tư lệnh giao,” Tướng Năng kể lại.

Ngày 10/4/1975, hơn 200 chiến sĩ của Đoàn 126 do Thượng tá Mai Năng xuống 3 chiếc tàu không số, giả dạng làm tàu đánh cá xuất phát đi tới khu vực quần đảo Trường Sa. Tới ngày 13, ba chiếc tàu này đã tới khu vực đảo Song Tử Tây, chuẩn bị quyết đấu trận đầu tiên. Tại đây, các chiến sĩ được chia làm 7 đội, nhắm mục tiêu 6 đảo và 1 đội cơ động sẵn sàng tiếp ứng.

Đêm 13, rạng sáng ngày 14/4, 20 chiến sĩ xuống biển bằng xuồng cao su, vượt khoảng 5 hải lý đến đảo Song Tử Tây. Cách đảo khoảng 2 hải lý, các chiến sĩ phải bỏ phao, bơi vào bờ. Khoảng 3 giờ 30 phút, toàn bộ lực lượng đã áp sát mục tiêu trên đảo. Khi trời mờ sáng, mục tiêu mới được nhìn rõ: Có 3 lô cốt trên đảo này.

 

Đột nhập căn cứ địch.

Đúng 4 giờ 30, những phát đạn đầu tiên đã nổ. Đa phần các chiến sỹ của ta mới “đánh trận trên cạn” lần đầu. Thế nhưng với lòng quả cảm, chiến thuật tác chiến hợp lý, lực lượng đặc công đã giành chiến thắng. 

Sau khi giải phóng đảo Song Tử Tây, lực lượng đặc công lập tức triển khai nhiệm vụ phòng thủ, chuyển thương binh, hàng binh về Đà Nẵng và nhanh chóng rút kinh nghiệm để đánh tiếp các đảo còn lại.

Tới ngày 28/4/1975, 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa được giải phóng hoàn toàn. Đến giữa tháng 5, một Trung đoàn thuộc Sư đoàn 2 (Quân khu 5) ra tiếp quản và lực lượng đặc công trở về Sài Gòn làm nhiệm vụ mới, Tướng Năng nói.

Thanh Trà (tổng hợp)