Giảm nhập siêu, điện thoại nhập khẩu vào “tầm ngắm”

00:00, 10/07/2010

Cứ nghĩ, câu chuyện nhập siêu trong mấy tháng đầu năm 2010 là của ngành hàng, mặt hàng thuộc lĩnh vực nào đó mà chả liên quan gì tới ngành viễn thông. Thế nhưng, đùng một cái, mặt hàng điện thoại di động nhập khẩu, rồi tới các thiết bị 3G đều… được Bộ Công thương xếp vào diện cần phải hạn chế nhập khẩu vì là một trong số tác nhân gây ra nhập siêu.

Vì đâu nên nỗi?
 
Thị trường thông tin di động đã bắt đầu nóng từ khi thông tin điện thoại di động (ĐTDĐ)… được Bộ Công Thương liệt vào danh sách những sản phẩm không thiết yếu, không khuyến khích nhập khẩu tại quyết định số 1899/QĐ-BCT ban hành ngày 14/4/2010.
 
Ngoài quyết định đã được ban hành này, một thông tin buồn khác cho… chiếc ĐTDĐ đó là liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) còn đang cùng xem xét đưa ra văn bản kiến nghị áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.
 
Không chỉ iPhone 3GS, ngày 25/3/2010 Bộ Công Thương có công văn gửi Bộ TT-TT đề nghị rà soát lại nhu cầu nhập khẩu thiết bị 3G và điện thoại 3G để có các biện pháp phù hợp điều tiết việc nhập khẩu, tránh việc tăng đột biến, quá mức cần thiết đối với nhóm mặt hàng này.
 
Những động thái trên đây của phía cơ quan quản lý nhà nước nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về hạn chế nhập siêu trước tình hình không mấy khả quan trong mấy tháng đầu năm vừa rồi.
 
Cụ thể, chỉ riêng hai tháng 3 và 4/2010, theo con số được công bố bởi Tổng cục thống kê, tình hình nhập siêu của Việt Nam ở tình trạng báo động. Tháng 3/2010, nhập siêu ước tính là 1,35 tỷ USD, nâng mức nhập siêu 3 tháng đầu năm năm 2010 lên 3,51 tỷ USD, bằng khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu. 
 

Sang tháng 4, tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu vẫn tiếp tục lớn. Giá trị xuất khẩu trong tháng 4 ước đạt 5,7 tỷ USD, nhập khẩu là 6,95 tỷ USD. Tính chung trong 4 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu ước đạt trên 20,1 tỷ USD trong khi chi phí dành cho nhập khẩu là 24,8 tỷ USD. 

Mặt hàng ĐTDĐ, đặc biệt là iPhone 3GS, sau khi được hai nhà phân phối chính thức của “trái táo” tại Việt Nam tung ra thị trường là VinaPhone và MobiFone bị cho là một trong những tác nhân lớn gây ra nhập siêu. Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đã nhập khẩu số lượng lớn thiết bị 3G, trong đó chủ yếu là điện thoại iPhone lên tới 1 tỷ USD…

 

Quan điểm vẫn chưa đồng nhất
 
Mặc dù đồng tình với chủ trương hạn chế nhập siêu của Chính phủ, nhưng trước việc Bộ Công Thương đưa ĐTDĐ, các thiết bị 3G vào danh sách những sản phẩm không thiết yếu, không khuyến khích nhập khẩu, Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan chủ quản lĩnh vực thông tin di động lại đưa ra quan điểm khác.
 

Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng, bản thân việc nhập khẩu ĐTDĐ và các thiết bị 3G không thể là lý do lớn nhất gây ra nhập siêu. Để giải quyết vấn đề nhập siêu hiện nay phần lớn trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước, và phải cùng Chính phủ giải quyết.

Trên thực tế, khi mặt hàng ĐTDĐ và các thiết bị 3G bị đưa vào + diện hạn chế nhập khẩu thì vô hình chung lại khiến lĩnh vực viễn thông của Việt Nam mất cơ hội phát triển.
 
Kiềm chế nhập siêu là phải tự sản xuất được. Nhưng thực tế hiện nay những thương hiệu điện thoại Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Đã vậy, còn nhiều mặt hàng điện thoại “made in” Việt vẫn còn được lắp ráp ở nước ngoài là chủ yếu, vậy nếu hạn chế nhập khẩu thì lấy đâu ra “dế” để đáp ứng nhu cầu của hơn trăm triệu người dùng?
 

Đặc biệt, hiện nay, dịch vụ công nghệ 3G đang được các doanh nghiệp triển khai ráo riết theo đúng tiến độ. Nếu thiết bị 3G bị hạn chế nhập khẩu, doanh nghiệp sẽ khó có thể cung nhập đủ các thiết bị về để hoàn thiện đồng bộ, đầy đủ hạ tầng mạng lưới, để cung cấp được dịch vụ chất lượng tốt nhất, đúng thời điểm đề ra.


Thủy Nguyên
TIN LIÊN QUAN