Hà Lan phát triển công nghệ tiêm không dùng kim, không đau

08:48, 18/10/2021

Công nghệ này sử dụng tia laser để bắn hạt nhỏ li ti xuyên qua lớp ngoài của da mà không tác động đến dây thần kinh. Quá trình này diễn ra nhanh hơn so với vết muỗi đốt và "không gây đau".

Các nhà nghiên cứu ở Hà Lan đang phát triển công nghệ laser cho phép tiêm không đau và không dùng kim tiêm. Đây là một bước đột phá giúp xoa dịu nỗi sợ tiêm của người dân.

David Fernandez Rivas, giáo sư tại Đại học Twente và chi nhánh nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts, người đã sáng lập ra ý tưởng này cho biết "Bubble Gun" sử dụng tia laser để bắn hạt nhỏ li ti xuyên qua lớp ngoài của da mà không tác động đến dây thần kinh.

Quá trình này diễn ra nhanh hơn so với vết muỗi đốt và "không gây đau" vì các đầu dây thần kinh trên da không bị tác động, ông cho biết thêm.

Công nghệ laser cho phép tiêm không đau và không dùng kim tiêm.

David Fernandez Rivas chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Trong vòng một phần nghìn giây, tia laser sẽ đốt nóng ống chứa vắc xin trong súng, trực tiếp gia tốc các giọt chất lỏng li ti, khiến chúng xuyên qua lớp biểu bì với vận tốc ít nhất là 100km/h. Điều này cho phép vắc xin nhanh chóng xuyên qua da mà không gây tổn thương hay tạo ra bất kỳ dấu tiêm nào”.

Rivas kỳ vọng phát minh này không chỉ giúp nhiều người được tiêm vaccine hơn mà còn ngăn ngừa nguy cơ bị ô nhiễm bởi kim tiêm qua sử dụng và giảm thiểu rác thải y tế.

Việc thử nghiệm trên các mẫu mô đã được thực hiện thành công với khoản tài trợ của Liên minh Châu Âu trị giá 1,5 triệu Euro (1,73 triệu USD). Rivas cho biết đang nộp đơn xin tài trợ để bắt đầu cuộc thử nghiệm trên người với các tình nguyện viên. Tuy nhiên, có thể mất 1-3 năm để phương pháp này được phổ biến rộng rãi, tùy thuộc vào tiến độ nghiên cứu.

Henk Schenk - chuyên gia nghiên cứu nỗi sợ cho biết khoảng 1/5 người Hà Lan sợ kim tiêm. "Chứng sợ kim tiêm phổ biến hơn bạn nghĩ. Mọi người xấu hổ khi phải thừa nhận điều đó".

Bệnh nhân Astrid Nijsen, một nữ diễn viên nhạc kịch 31 tuổi, người đã có 10 lần điều trị bệnh với Schenk, cho biết cô cảm thấy lo lắng về việc tiêm chủng vaccine khi có kim tiêm.

"Nỗi sợ này bắt đầu ở tuổi dậy thì. Khi tôi nhìn thấy một cây kim, hoặc phải tiêm, tôi chỉ muốn rời đi", cô nói.

 Chân Hoàn (T/h)