Hà Nội: 3 huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn dự kiến được đưa lên thành phố

09:13, 07/10/2021

TP. Hà Nội dự kiến đề xuất chủ trương và xây dựng quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố trong giai đoạn 5 năm tới.

HĐND TP. Hà Nội mới đây đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của TP. Hà Nội.

Báo cáo HĐND TP. Hà Nội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, UBND TP. Hà Nội cho biết, trong lĩnh vực quy hoạch, và quản lý quy hoạch, UBND TP. Hà Nội cho biết sẽ xây dựng, trình phê duyệt Quy hoạch TP. Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề xuất các nội dung để tích hợp vào Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch phát triển vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. 

Đáng chú ý là đề xuất chủ trương và xây dựng quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố. 

Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội cũng hoàn thành các quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, các đô thị vệ tinh; quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị các khu dân cư làng xóm hiện có, cải tạo chỉnh trang các khu vực hai bên tuyến đường giao thông. 

TP. Hà Nội dự kiến đề xuất chủ trương và xây dựng quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố trong giai đoạn 5 năm tới.

Cùng với đó, hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm (trục Tây Thăng Long, các tuyến vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, vành đai 2 đoạn Mai Động - Ngã Tư Vọng, vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - Giải Phóng, vành đai 4...)

Triển khai đầu tư xây dựng các cầu vượt sông Hồng (Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Thượng Cát, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Mễ Sở, cầu Tứ Liên). Phát triển các tuyến đường có tính kết nối với các đô thị vệ tinh và kết nối vùng nội vùng và liên vùng (cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, Quốc lộ 6,...).

Xây dựng nền tảng hạ tầng kinh tế - xã hội tại khu vực huyện dự kiến thành quận giai đoạn 2025 - 2030 và những năm tiếp theo (Thanh Oai, Mê Linh, Thường Tín).

UBND TP. Hà Nội cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khác công cộng. Đưa vào vận hành 2 - 3 tuyến đường sắt đô thị vận tải hành khách khối lượng lớn, tốc độ cao. Khởi công 1 tuyến đường sắt đô thị.

Phát triển mạng lưới giao thông tĩnh. Quy hoạch, xây dựng công trình đỗ ô tô ngầm và nổi; đẩy nhanh xây dựng các bến xe, các bãi đỗ xe ngầm trong vành đai 3 và 1 số bãi đỗ xe ngầm, nổi và cao tầng, nâng tỉ lệ quỹ đất giao thông đô thị lên 12 - 15% diện tích đất đô thị.

Đối với kế hoạch xây dựng nhà ở, Hà Nội phấn đấu diện tích nhà ở đạt 29,5 m2 sàn/người vào năm 2025. Chuẩn bị đầu tư 5 khu nhà ở xã hội (NƠXH) tập trung, 2 dự án nhà ở công nhân.

Đồng thời, sử dụng tiền thu được từ giá trị quỹ đất 20%, 25% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư xây dựng NƠXH. Phấn đấu xây dựng khoảng 1,25 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương khoảng 25 nghìn căn hộ NƠXH.

Bố trí ngân sách (cơ chế linh hoạt) để mua lại một số quỹ nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng và hoàn trả chi phí xây dựng tại một số dự án nhà ở thương mại có quỹ nhà tái định cư phải bàn giao cho thành phố giai đoạn 2021-2025; đầu tư xây mới 5 dự án nhà tái định cư, khoảng 0,565 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư, tương đương khoảng 7.117 căn hộ.

Xây dựng khoảng 19,69 triệu m2 sàn nhà ở thương mại. Triển khai đầu tư xây dựng 2-3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh (khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm; dự án Thành phố thông minh, huyện Đông Anh). Cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa hiện có; đầu tư xây dựng mới 5 công viên, vườn hoa. Trồng mới 3,5 triệu cây xanh, trong đó 500.000 cây xanh đô thị.

Nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị, quản lý và xử lý hiệu quả các vấn đề về nhà ở đô thị, quản lý đất đai, trật tự xây dựng…

Phương Mai (T/h)