Hà Nội: Đề xuất 9 nhóm chính sách trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

18:41, 02/11/2022

Việc đề xuất việc sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập của Luật Thủ đô, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp giúp Thủ đô phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lực để phát triển

Sáng 2/11, tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn trình bày báo cáo về tình hình nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Theo tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội, xuất phát từ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về xây dựng và phát triển Thủ đô, đặc biệt là các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng lớn trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và từ thực tiễn tổng kết thi hành Luật Thủ đô, TP Hà Nội đề xuất việc sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô.

Đề xuất 9 nhóm chính sách trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn.

Điều này nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp giúp Thủ đô phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lực để phát triển, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô, yêu cầu của Đảng, Nhà nước và mong muốn của Nhân dân cả nước đối với Hà Nội.

Về định hướng xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), tạo cơ chế để hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền TP theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển, quản lý Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới.

Tăng cường phân quyền, phân cấp cho TP nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của TP; Có cơ chế kiểm soát quyền lực, thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Bên cạnh đó, lựa chọn các cơ chế, chính sách mới, có tính chất đặc thù, vượt trội về mặt thể chế, phù hợp với vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, phù hợp điều kiện thực tiễn và mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh - Hiện đại” để hướng đến 4 định hướng trụ cột lớn (Chính quyền đô thị: Cơ chế tài chính ngân sách và thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển Thủ đô và Vùng Thủ đô; Phát triển đô thị - nông thôn; Phát triển văn hóa – xã hội và khoa học - công nghệ).

Tạo thể chế thuận lợi không chỉ cho Thủ đô mà cả Vùng Thủ đô và các đối tác tham gia xây dựng Thủ đô, hướng tới xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, trở thành động lực phát triển của Vùng Thủ đô và cả nước, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”.

Trên cơ sở đó, thành phố đưa ra 9 nhóm chính sách đề xuất trong Luật Thủ đô (sửa đổi), gồm:

Chính sách 1: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chính sách 2: Thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô. Chính sách 3: Nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô.

Chính sách 4: Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô.

Chính sách 5: Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Chính sách 6: Phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô.

Chính sách 7: Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Chính sách 8: Phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững.

Chính sách 9: Liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.

Trước đó cùng ngày tại hội nghị, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ rõ, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bảo Trân (T/h)