Hà Nội: tổ chức triển khai công tác PCTT và TKCN tới các xã, phường, thị trấn năm 2022

17:49, 28/04/2022

Sáng 27/4, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) TP tổ chức triển khai công tác PCTT và TKCN tới các xã, phường, thị trấn năm 2022. Hội nghị có sự tham dự của 865 đại biểu tới các xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP.

Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy Đinh Thị Lan Duyên phát biểu kết luận hội nghị.

Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy Đinh Thị Lan Duyên phát biểu kết luận hội nghị.

Tại đại hội, các đại biểu đã được nghe đại diện Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ thông tin về nhận định xu thế thời tiết, thiên tai, khí tượng thủy văn khu vực Hà Nội năm 2022; đại diện Cục phòng, chống thiên tai Hà Nội chia sẻ thông tin tổng quan về công tác PCTT và TKCN trên địa bàn TP, triển khai nhiệm vụ năm 2022; các quy định, hướng dẫn lực lượng xung kích PCTT cấp xã.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã được nghe đại diện các quận, huyện (Tây Hồ, Ba Vì, Đông Anh) chia sẻ kinh nghiệm PCTT và TKCN liên quan đến vi phạm pháp luật đê điều và xử lý vi phạm đê điều; công tác ứng phó bão lũ và đảm bảo an toàn đê điều; bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng lực lượng xung kích PCTT và quản lý đê điều Nhân dân cấp xã.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy Đinh Thị Lan Duyên yêu cầu, sau hội nghị các đại biểu khi trở về địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tiếp tục quán triệt, tham mưu triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Đê điều, Luật Thủy lợi, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai và các văn bản chỉ đạo của T.Ư, TP trong công tác PCTT và TKCN.

Ngoài ra, cập nhật, điều chỉnh bổ sung kế hoạch, phương án PCTT phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19 đặc biệt là các phương án sản xuất nông nghiệp, phương án chống úng ngập, chống hạn, phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Bên cạnh đó, phải nâng cao vai trò, năng lực quản lý Nhà nước trên cơ sở củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ T.Ư đến cơ sở. Phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Phát huy mạnh mẽ vai trò của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể Nhân dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Hệ thống truyền thanh từ huyện đến xã, phường, thị trấn liên tục tiếp sóng và phát sóng thông báo thường xuyên về tình hình lũ, bão, úng ngập, thiên tai.

Riêng đối với các hộ còn vi phạm Luật Đê điều, Ban chỉ đạo cấp xã lập danh sách và tiến hành gặp mặt vận động, thuyết phục. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật Đê điều như làm nhà kiên cố, nhà cấp 4, công trình phụ, lều quán, đào xẻ đê, làm dốc lên đê, chứa chất vật tư chất thải lên đê, hành lang bảo vệ đê điều và hành lang thoát lũ cần phải xử lý dứt điểm. lấn chiếm, sử dụng hành lang làm bãi tập kết vật liệu xây dựng. Chủ động đưa ra những giải pháp cụ thể để ứng xử, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả đối với từng dạng thiên tai xác định có thể xảy ra trên địa bàn.

Như Ý (T/h)