Hà Nội, TP. HCM dẫn đầu cả nước về số lượng người tải ứng dụng Bluezone

15:54, 28/05/2021

Hai địa phương dẫn đầu cả nước về số người tải ứng dụng Bluezone là Hà Nội (3,1 triệu người) và TP. HCM (2,83 triệu người). Điện Biên (70.500 người), Tuyên Quang (121.000 người), Yên Bái (130.000 người),... là những địa phương có lượng người tải Bluezone thấp nhất.

Trong các giải pháp chống dịch bằng công nghệ hiện nay, ứng dụng truy vết người nghi nhiễm Covid-19 - Bluezone vẫn là giải pháp hiệu quả nhất. 

Thống kê mới nhất của Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho thấy, tính đến 17h00 ngày 24/5, cả nước hiện đã có 33,06 triệu lượt tải và sử dụng ứng dụng Bluezone. Tổng lượng người cài đặt Bluezone đã tăng hơn 2,5 triệu so với thời điểm ngày 28/4, khi làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 bùng phát. 

Trong số 33 triệu lượt người sử dụng Bluezone, có hơn 20,58 triệu người đã nhập số điện thoại của mình vào phần thông tin trên ứng dụng. Lượng người cung cấp số điện thoại cho các cơ quan chức năng đã tăng gần 1 triệu người so với thời điểm ngày 28/4/2021.

Hai địa phương dẫn đầu cả nước về số người tải ứng dụng Bluezone là Hà Nội (3,1 triệu người) và TP. HCM (2,83 triệu người). Ở chiều ngược lại, các tỉnh như Điện Biên (70.500 người), Tuyên Quang (121.000 người), Yên Bái (130.000 người),... là những địa phương có lượng người tải Bluezone thấp nhất. 

Người dân có smartphone nên cài đặt ứng dụng Bluezone để cùng chung tay chống dịch Covid-19.

Nếu xét trên tỷ lệ dân số, Đà Nẵng (43,7%), Hải Dương (40%), Hà Nội (38,6%), Quảng Ninh (37%), Bắc Ninh (34%) là những địa phương có số Bluezoner nhiều nhất. 

Tuy vậy, có một thực tế là số người tải và số người thực sự sử dụng ứng dụng Bluezone hiện vẫn đang có mức chênh lệch đáng kể.

Tại Hà Nội, nơi có nhiều người tải về Bluezone nhất, lượng tài khoản Bluezone thực sự hoạt động chỉ là 1,23 triệu, chiếm 40% tổng số tài khoản. Trong khi đó, ở TP. HCM, số người dùng Bluezone thực sự (bật Bluetooth để Bluezone hoạt động) là khoảng 1,1 triệu người, chiếm 38% tổng số tài khoản. 

Điều tương tự cũng diễn ra tại Đà Nẵng (40%), Hải Dương (38%), Quảng Ninh (38%), Bắc Ninh (39%), Hải Phòng (38%), Thái Nguyên (38%) khi không tỉnh, thành phố nào có lượng người thực sự sử dụng Bluezone vượt quá 50% dân số. 

Đây rõ ràng là những điều làm đau đầu các nhà quản lý khi ứng dụng Bluezone chỉ có thể phát huy hiệu quả tối đa trong phòng, chống dịch nếu được sử dụng bởi khoảng 60% dân số Việt Nam ở trong độ tuổi trưởng thành. 

Hiện Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng,... đều đã có văn bản vận động người dân áp dụng các giải pháp công nghệ như khai báo y tế điện tử và cài đặt ứng dụng Bluezone để phòng, chống dịch. Điều này nên chăng cần sớm được nhân rộng ở tất cả các tỉnh thành, địa phương trên cả nước. 

Mới đây, Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin & Truyền thông - TT&TT) vừa ban hành công văn số 733 về việc triển khai áp dụng công nghệ để phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

Theo đó, trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, Cục Tin học hóa khuyến nghị các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT sử dụng các giải pháp công nghệ phục vụ việc khai báo y tế quản lý người ra vào trụ sở làm việc. 

Cụ thể, ngoài các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tất cả khách đến liên hệ công tác đều được yêu cầu cài và bật ứng dụng cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone trước khi vào làm việc. Quy định này chỉ loại trừ đối với những trường hợp không sử dụng điện thoại thông minh. 

Trước đó, chia sẻ tại bản tin thời sự 19h00 ngày 26/5 của Đài Truyền hình Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, đổi mới cách tiếp cận công nghệ trong phòng, chống Covid-19 là kết hợp hài hòa giữa “phòng ngự” và “tấn công”.

Về mặt công nghệ, “tấn công” là việc bắt buộc sử dụng một số ứng dụng chủ chốt để phòng chống Covid-19, thay vì chỉ khuyến nghị như trước đây. Nếu khi trước, dữ liệu được phân tán theo từng ứng dụng thì giờ đây, dữ liệu phải được quản lý tập trung. 

Bộ TT&TT đã đề xuất bắt buộc sử dụng ứng dụng Bluezone. Người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp bắt buộc thực hiện khai báo y tế. Người dân sử dụng smartphone bắt buộc phải sử dụng ứng dụng xác định tiếp xúc gần khi đến nơi công cộng, nơi tập trung đông người. 

Các địa điểm công cộng, trụ sở cơ quan phải kiểm soát người đến, người đi, người ra, người vào bằng cách quét mã QR. Biện pháp thứ 4 là dùng công nghệ hỗ trợ việc giám sát người cách ly y tế. 

Phương Mai (t/h)