Hạ tầng viễn thông: Chia sẻ hay bắt buộc?

08:08, 15/06/2009

Đa số các đại biểu Quốc hội đều đồng tình với việc phải có luật Viễn thông. Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng luật cần phải được quy định cụ thể, chi tiết hơn.

Doanh nghiệp phải bắt buộc chung hạ tầng

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, xuất phát từ những bức xúc thực tế của người dân. Theo đại biểu Dương Anh Điền (Hải Phòng), hệ thống cáp viễn thông và trạm phát sóng đều rất tùy tiện và lộn xộn. Luật cần quy định đối với những khu đô thị mới phải có đường ngầm, có quy định dùng chung hạ tầng đối với những nơi có nhiều doanh nghiệp cùng kinh doanh, không nên để tình trạng quá nhiều cột vừa tốn đất vừa mất mỹ quan như hiện nay. Đại biểu Điền cũng đưa ra quan điểm, nên chăng luật cũng xác định bao nhiêu đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông là đủ.

Đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Định) thì cho rằng, để có thể dùng chung hạ tầng viễn thông, luật cần xác định rõ vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý nhà nước đối với viễn thông. “Theo tôi, hạ tầng dùng chung phải có sự chi phối của Nhà nước và được quy định vào luật để tránh tranh chấp. Dự thảo luật chỉ nói đến việc chia sẻ là không đủ, Nhà nước cần thống nhất quản lý hạ tầng này để điều phối giữa các doanh nghiệp”, đại biểu Dũng nói.

Cũng đồng quan điểm trên, đại biểu Trần Bá Thiều (Hải Phòng) nhận định, quy hoạch về hạ tầng viễn thông và vấn đề luật cần quy định rõ ràng hơn để tránh tình trạng mỗi tập đoàn viễn thông đều xây dựng một hạ tầng riêng, gần như song song với nhau, đi đâu cũng bị người dân phản đối mà nếu không có sự can thiệp của chính quyền địa phương thì không thể làm được.

“Hiện có hai chục doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp, Internet nhưng mà đâu có ai sử dụng chung hạ tầng đâu, ai cũng làm hết nên nát bét cái thành phố ra”, đại biểu Nguyễn Việt Dũng (TPHCM) xót xa và bày tỏ: “Quan điểm của tôi viễn thông cũng là một thành phần trong hạ tầng của một đô thị như điện nước, gas… nên “Nhà nước phải thực hiện chứ để cho các đầu mối như thế này thì chắc chắn chúng ta không thể có đô thị ra đô thị được”. Đại biểu Dũng cũng cho rằng, quy định việc chia sẻ như dự thảo là rất khó vì các doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau, khó tìm được điểm hợp tác sòng phẳng, thỏa mãn hài hòa trong việc chia sẻ hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp.

Quản lý chặt hơn thuê bao trả trước

Khá bức xúc với việc thường xuyên nhận phải các tin nhắn quảng cáo, đại biểu Vũ Thị Phương Anh (Quảng Nam) đề nghị, khi cung cấp đầu số cho các doanh nghiệp, luật cũng cần quy định cả việc quản lý nội dung. “Có rất nhiều nội dung quảng cáo mê tín dị đoan mà chúng ta đang cấm ở bên ngoài lại được hoạt động đương nhiên trong lĩnh vực này là hoàn toàn không được”, đại biểu Anh nói.

Còn đại biểu Trần Bá Thiều (Hải Phòng) lại bày tỏ sự lo ngại về vấn đề an ninh khi cho rằng công tác quản lý đối với việc mua sim số trả trước còn rất “loãng”. Đại biểu Nguyễn Việt Dũng (TP HCM) đưa ra con số ước tính có tổng số khoảng 20 triệu thuê bao điện thoại di động nhưng rất nhiều thuê bao ảo hiện cũng chưa thống kê được là bao nhiêu % và khẳng định: “Lãng phí một nguồn tài nguyên quốc gia”. Cùng quan điểm, đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Định) cho rằng, luật cần quy định rõ hơn về quản lý tài nguyên viễn thông, phải có quy hoạch, kế hoạch phân bổ, cấp, thu hồi, xử lý để quản lý chặt chẽ kho số mà chúng ta đang sử dụng như đó là nguồn tài nguyên vô hạn.

Để quản lý chặt hơn, theo đại biểu Lê Thanh Bình (TPHCM), cần có sự phối hợp giữa ngành viễn thông với lực lượng công an trong việc chuyển giao thường xuyên các nội dung thông tin trên mạng. “Luật cần quy định khi thông tin như thế nào, cơ quan cỡ nào yêu cầu thì doanh nghiệp viễn thông phải cung cấp. Bởi từ một chứng cứ trên mạng phải chuyển hóa ra là một chứng cứ công khai để cơ quan có điều kiện khởi tố thì quy định cũ không phù hợp với công tác điều tra”, đại biểu Bình nhấn mạnh.

Cơ quan thanh tra viễn thông cũng là nội dung mà các ĐBQH yêu cầu làm rõ hơn trong luật hoặc trong nghị định hướng dẫn. Các ý kiến đều thống nhất thanh tra phải ở cấp Nhà nước vì đây là lĩnh vực chuyên ngành riêng nhưng lại khó phân chia địa giới hành chính. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức của các cơ quan này sẽ được tổ chức như thế nào vẫn là băn khoăn chưa có đề xuất cụ thể của các ĐBQH.
 
Theo ICTnews
TIN LIÊN QUAN