Hạ viện Mỹ đang soạn 5 dự luật chống độc quyền nhằm vào Big Tech

14:23, 10/06/2021

Các nhà lập pháp Hạ viện Mỹ đang soạn thảo 5 dự luật chống độc quyền, 4 trong số này nhằm trực tiếp vào những hãng công nghệ lớn (Big Tech). Dự luật có thể thay đổi trước khi được giới thiệu trong tuần này, hoặc cũng có khả năng bị hoãn lại.

Trong số 5 dự luật đang được cân nhắc, 2 dự luật nhằm giải quyết vấn đề của các nền tảng. Chẳng hạn, Amazon tạo ra không gian cho doanh nghiệp bán sản phẩm nhưng sau đó lại cạnh tranh với họ.

Một trong hai dự luật cấm các nền tảng ưu tiên sản phẩm của mình, nếu phạm luật sẽ bị phạt 30% doanh thu tại Mỹ. Một dự luật khác ngăn cản một nền tảng mua bán sáp nhập trừ khi chứng minh được công ty họ mua không cạnh tranh với bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào mà nền tảng đang có. Dự luật tiếp theo yêu cầu các nền tảng mở ra một cách cho người dùng chuyển dữ liệu nếu họ muốn, bao gồm chuyển sang dịch vụ đối thủ.

Hội đồng chống độc quyền của Hạ viện từng công bố một báo cáo vào tháng 10/2010, chỉ rõ các hành vi lạm dụng độc quyền của 4 hãng công nghệ lớn là Google, Amazon, Facebook và Apple. Báo cáo gợi ý nhiều thay đổi sâu rộng đối với luật chống độc quyền hiện nay của Mỹ.

 

Hạ viện Mỹ đang soạn thảo 5 dự luật chống độc quyền, 4 trong số này nhằm trực tiếp vào Big Tech.

Trước đó vào tháng 4/2021, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Josh Hawley đã đưa ra một đề xuất nhằm cấm các công ty có giá trị thị trường hơn 100 tỷ USD tiến hành mua bán và sáp nhập các công ty khác.

Thượng nghị sĩ Josh Hawley đã đẩy mạnh cuộc tấn công chống lại Big Tech sau khi các ông lớn công nghệ bị buộc tội “kiểm duyệt” tiếng nói của Đảng Cộng hòa, đang tìm cách ngăn chặn việc sáp nhập và mua lại các công ty đối với các ông lớn công nghệ. Điều này ám chỉ đến 5 công ty công nghệ lớn là Apple, Microsoft, Amazon, Google và Facebook.

Axios báo cáo, đề xuất dự luật của Thượng nghị sĩ Josh Hawley nhằm củng cố các luật chống độc quyền hiện hành với các hình phạt cao hơn đối với các công ty vi phạm. Ví dụ: thay vì các tiêu chuẩn hiện hành về tác hại đối với người tiêu dùng, việc truy tố theo luật liên bang sẽ tập trung vào “bảo vệ cạnh tranh”.

Theo luật mới, các công ty thua kiện trong vụ kiện chống độc quyền sẽ bị yêu cầu “tước bỏ tất cả lợi nhuận của họ do hành vi độc quyền”, trong khi Ủy ban Thương mại Liên bang sẽ nhận được quyền lực mới để điều chỉnh “các công ty kỹ thuật số thống trị”.

Phương Mai (t/h)