Hành trình cải cách hành chính hướng tới “Ngân hàng không khoảng cách”

15:08, 05/12/2020

Nhìn lại 10 năm cải cách hành chính (CCHC) (giai đoạn 2010 – 2020), NHNN đã có một bước tiến dài với nhiều thành quả. Do thủ tục hành chính (TTHC) đã cắt giảm được hơn 80%, đạt gần như đã tới hạn, đặt ra thách thức đòi hỏi hệ thống ngân hàng cần có những đột phá mới, đẩy mạnh cải cách theo chiều sâu, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, nhưng vẫn phải phòng ngừa rủi ro chặt chẽ.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú. Ảnh:VGP.

Đây là trao đổi của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, thành viên Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ với Báo điện tử Chính phủ trước thềm Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020 của NHNN với sự tham dự, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hoà Bình.

Là một trong những đơn vị tích cực triển khai chủ trương cải cách hành chính, vừa qua, NHNN đã có chương trình kiểm tra CCHC một số các TCTD, xin Phó Thống đốc phân tích thêm về những nét riêng của ngành ngân hàng trong bức tranh cải cách là gì? 

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Chúng tôi xác định bản chất của CCHC đó chính là sự thúc đẩy cả quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất xã hội cùng phát triển đồng nhịp, làm sáng rõ con đường phát triển kinh tế thị trường định hương XHCN. Chính cải cách thúc đẩy sự phát triển của thị trường tiền tệ cũng kéo theo sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp (DN) và người dân theo quan hệ nhân quả về lợi ích.

Chúng tôi xác định CCHC không đơn thuần là một lĩnh vực cụ thể, tách rời mà là “xương sống” của hoạt động quản lý, điều hành và nhiệm vụ chính trị của ngành, xác định rõ hướng đi, kiểm tra giám sát hợp lý các TCTD. Mặc dù TCTD bản chất cũng là 1 DN nhưng làm dịch vụ chủ chốt và nhạy cảm trong nền kinh tế có quan hệ trực tiếp với người dân và DN nên cần phải đặt ra trách nhiệm thường xuyên cải cách các thủ tục trong quan hệ tiền tệ tín dụng, thanh toán đảm bảo sự thuận lợi, hài hòa cao nhất cho người dân và DN.

Nhìn lại lúc đó, với một số lượng khổng lồ các quy chế, thủ tục… việc nhận diện ra thủ tục nào giữ lại hay bãi bỏ, sửa đổi là vấn đề lớn. Song bằng quyết tâm và nỗ lực chỉ đến 7/2009, NHNN đã trở thành bộ ngành đầu tiên trong cả nước hoàn thành trước thời hạn công bố Bộ thủ tục hành chính đầy đủ. Cũng chỉ trong 1 năm sau đó hoàn thành phương án đơn giản hóa TTCH với mức cắt giảm chi phí tuân thủ trên 30%.

Đây là những bước đột phá thành công tạo nền tảng để NHNN có những bước đi nhanh và mạnh mẽ hơn trong việc triển khai chủ trương của Chính phủ.

Lãnh đạo NHNN thường xuyên đi kiểm tra cũng như tìm hiểu thông tin thực tế từ khách hàng để phục vụ CCHC.

Thực tế kiểm tra vừa qua tại các TCTD và các cuộc kiểm tra trước đó tại các đơn vị trực thuộc NHNN cho thấy, so với hơn 10 năm trước các sản phẩm, hoạt động của các đơn vị trong toàn ngành đã có một bước tiến dài. Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng ngày càng minh bạch, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân trong các giao dịch hành chính với NHNN. Mục tiêu đảm bảo mức độ hài lòng của tổ chức, công dân về giải quyết TTHC của NHNN đạt trên 80% vào năm 2020 đang kề đích.

Tổ chức bộ máy của NHNN được cải cách và kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hiện đại hóa toàn ngành áp dụng công nghệ tiên tiến đã tạo ra sự thúc đẩy chung, góp phần chuẩn hóa các hoạt động hành chính, dịch vụ, tiết giảm chi phí, quan trọng hơn là liên thông, liên kết trong vận hành các hoạt động toàn ngành Ngân hàng.

Tiến xa hơn một bước, NHNN đã sớm thành kế hoạch xây dựng Chính phủ điện tử tại NHNN đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hoạt động hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công của NHNN. Đồng thời kiến tạo nền tảng cho hệ thống các TCTD tham gia vào việc hỗ trợ dịch vụ công của các bộ, ngành và địa phương.

Nhìn lại 10 năm CCHC (giai đoạn 2010 – 2020), có thể nói, NHNN đã có một bước tiến dài trong cải cách đã kết nối toàn hệ thống thông suốt từ hoạt động điều hành chính sách tiền tệ, cung ứng dịch vụ, chung tay cùng Chính phủ kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, minh bạch, lan tỏa hiệu quả thiết thực trong toàn bộ nền kinh tế.

Việc cải cách đã trực tiếp hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh góp phần thực hiện định hướng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, “không để ai bị bỏ lại phía sau” như mục tiêu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đề ra. 

Là người đã nhiều năm lãnh đạo chỉ đạo công tác cải cách hành chính của NHNN, điều mà ông tâm đắc nhất và bài học rút ra được trong hành trình cải cách hành chính là gì, thưa Phó Thống đốc?

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Điều mà tôi mừng nhất là nguyên nhân chính để tạo sự thành công trong công cuộc CCHC của ngành vừa đạt đến điểm quan trọng nhất của CCHC đó chính là nhận thức rõ ràng về mục tiêu, tính cấp bách, trách nhiệm chính trị của lãnh đạo các cấp trong Ngành và sự chuyển biến thực sự trong hành động quyết liệt của cả hệ thống ngân hàng.

Cán bộ trong hệ thống đã xác định đây là một công cụ, giải pháp thực hiện mục tiêu giải phóng sức lao động, giải phóng nguồn lực, tháo gỡ những ách tắc trong quan hệ kinh tế và những quan hệ phải thực hiện theo pháp luật vốn bị gò bó với pháp luật trước đây do thiếu đồng bộ, rõ ràng. Hiệu quả từ cải cách không chỉ mang lại quyền lợi cho DN và người dân mà còn mang lại  quyền lợi cho chính bản thân các TCTD và cái lớn hơn là mang lại lợi ích cho xã hội.

Với TCTD, cải cách chính là công cụ để tiếp cận thị trường, tạo niềm tin cho DN và người dân, từ đó mở rộng thị trường, đạt được mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận. CCHC vì thế không còn mang tính hình thức mà thay vào đó là sự tự nguyện cũng như yêu cầu bắt buộc phải tuân theo từ quy luật phát triển. Một khi nhận thức đúng thì sẽ có hành động đúng. Các TCTD hiện nay đã chuyển dịch quan hệ với người dân và DN sang cộng sinh, vận hành theo cơ chế thị trường, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Kết quả của sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động trong ngành đưa đến thành tựu một cách rõ ràng cho ngành trong công cuộc phát triển kinh tế đất nước và được lãnh đạo Chính phủ và xã hội ghi nhận với 5 lần liên tiếp đứng đầu Bảng xếp hạng Cải cách hành chính các bộ, ngành Par-index 5 năm vừa qua.

Xin Phó Thống đốc cho biết, trong bối cảnh nhiều đột biến khó lường do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên toàn cầu, NHNN dự kiến có đổi mới cách thức hay đặt mục tiêu mới trong chiến lược CCHC 10 năm tới (2021-2030) hay không, thưa ông?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Cùng với những thành quả đã đạt được, trong chiến lược CCHC tới đây NHNN tiếp tục tập trung triển khai liên tục và có hiệu quả các trụ cột và nội dung trong cải cách hành chính, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, tôn trọng các quy luật thị trường làm tiền đề thúc đẩy đầu tư sản xuất phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Bảng xếp hạng PAR index 2019 các bộ.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này NHNN sẽ không đặt nặng mục tiêu cải cách TTHC khi 10 năm qua đã giảm hơn 80% dần về ngưỡng tới hạn. Thay vào đó một trong những định hướng lớn và cũng là một mũi nhọn đột phá CCHC của chúng tôi trong giai đoạn tới đó là ứng dụng công nghệ tài chính, công nghệ ngân hàng và chuyển đổi số để thúc đẩy kinh tế số đáp ứng yêu cầu phát triển của một ngành kinh tế tổng hợp có độ mở cao trong hội nhập kinh tế quốc tế cùng với xu hướng các TCTD ngày càng vươn xa ra ngoài biên giới lãnh thổ và là ngành được dự báo chịu sự biến đổi sâu sắc nhất bởi công nghệ 4.0.

Trong tương lai, mục tiêu hướng tới là ngân hàng không khoảng cách với các giao dịch ngân hàng dựa trên nền tảng ngân hàng số là xu hướng trong những năm tới, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Tuy nhiên, để hiện đại hóa, số hóa không để tạo ra lỗ hổng mất an toàn an ninh.

Tới đây, chúng tôi sẽ chỉ đạo, phối hợp toàn ngành tiếp tục hiện đại hóa tổng thể từ hoạt động dịch vụ đến công tác quản lý, hệ thống báo cáo tài chính, thanh tra giảm sát. Đây là nền tảng để NHNN nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi vai trò quản lý nhà nước của NHNN; không để bỏ trống, bỏ sót quyền năng quản lý nhà nước cũng như lỗ hổng trong quản lý pháp lý dẫn tới thiệt hại cho nhà nước.  Đồng thời, giúp các TCTD nâng cao hiệu suất cung ứng dịch vụ, ứng dụng công nghệ cao, tiết giảm chi phí hoạt động cho DN và người dân.

Không chỉ vấn đề công nghệ, NHNN đang tiếp tục định hướng các TCTD cải cách tập trung vào đi đôi với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đó chính là đội ngũ cán bộ Ngân hàng có năng lực quản lý và kinh doanh, làm việc với trách nhiệm cao, ý thức phục vụ tốt; đạo đức công chức công vụ luôn được tôn trọng.

Chúng tôi cũng xác định đây là nhân tố quyết định cho sự phát triển nhanh và bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, đưa trình độ phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam ngang bằng và có bản sắc riêng với các ngân hàng lớn trong khu vực và trên thế giới.

Theo báo cáo của WB, chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam luôn có sự cải thiện và duy trì thứ hạng cao so với các quốc gia trên thế giới. Theo báo cáo về Môi trường kinh doanh 2020 được Nhóm Ngân hàng Thế giới công bố ngày 24/10/2019, chỉ số tiếp cận tín dụng, tăng 5 điểm và tăng 7 bậc, đứng thứ 25/190 nền kinh tế (vượt mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là tăng ít nhất 1 bậc trong năm 2019), đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (sau Brunei).

Trong đó, chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng của Việt Nam đạt điểm tối đa 8/8 điểm. Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam là một điểm sáng, thể hiện sự quyết tâm của NHNN trong việc chỉ đạo các TCTD tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch.


 Theo baochinhphu.vn