Hiệu quả từ các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước

09:48, 17/12/2021

Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt triển khai 7 chương trình khoa học - công nghệ trọng điểm cấp quốc gia do Bộ trực tiếp quản lý.

Chiều 16/12, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức giao lưu trực tuyến “Hiệu quả từ các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước” với sự tham gia của các khách mời là các nhà khoa học đầu ngành, là chủ nhiệm các chương trình KHCN cấp nhà nước; đại diện doanh nghiệp tham gia thực hiện ứng dụng kết quả nghiên cứu, sản xuất.

Cụ thể, các khách mời gồm: GS.TS Phạm Gia Khánh, Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; GS.TS Trần Thọ Đạt, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Chủ nhiệm Chương trình “Nghiên cứu các vấn đề trọng yếu của khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”; GS.TS Trần Thọ Đạt, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Chủ nhiệm Chương trình “Nghiên cứu các vấn đề trọng yếu của khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”; Ông Trần Đỗ Đạt, Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ; Bà Hà Tú Cầu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị y tế và Nhà máy Vật liệu sinh học (MEDEP JSC).

Các khách mời tham gia giao lưu.

Phát biểu đề dẫn giao lưu trực tuyến, ông Đỗ Văn Thắng, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân nhấn mạnh, trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt triển khai 7 chương trình khoa học và công nghệ (KHCN) trọng điểm cấp quốc gia. Các nhiệm vụ của các chương trình KC, KX luôn đề cao tính ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong phục vụ sản xuất và đời sống, hầu hết các kết quả nghiên cứu đều được yêu cầu đánh giá, triển khai thử nghiệm tại thực tiễn.

Về vấn đề này, ông Trần Đỗ Đạt, Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, sau 5 năm hoạt động, đã có 257 nhiệm vụ được phê duyệt và triển khai. Với sự nỗ lực rất lớn của các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu và các cơ quan quản lý, đến nay 97% các nhiệm vụ KHCN của các chương trình đã được đánh giá nghiệm thu với 40 nhiệm vụ có kết quả xuất sắc.

Trích dẫn một số kết quả thuộc các chương trình, ông Trần Đỗ Đạt cho biết, đã có 469 loại sản phẩm dạng 1 trong đó có 103 loại thiết bị máy móc; 85 loại vật liệu mới; 31 dây chuyền công nghệ; 69 là các mẫu, mô hình; 136 loại sản phẩm là hàng hóa có thể tiêu thụ và những sản phẩm khác như giống cây trồng, chủng nấm... đã thương mại hóa hàng trăm tỷ đồng trong quá trình thực hiện.

Sau 5 năm hoạt động, đã có 257 nhiệm vụ được phê duyệt và triển khai. Với sự nỗ lực rất lớn của các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu và các cơ quan quản lý. Đến nay, 97% các nhiệm vụ khoa học - công nghệ của các chương trình đã được đánh giá nghiệm thu với 40 nhiệm vụ có kết quả xuất sắc.

Nhiều báo cáo kiến nghị, chắt lọc từ kết quả của nhiệm vụ đã được gửi tới các cơ quan ban ngành của Đảng, Chính phủ và Quốc hội như: Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, bộ, ban, ngành... phục vụ cho việc soạn thảo một số nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Kết quả chung đáng chú ý là đầu tư Ngân sách Nhà nước tăng đáng kể cho các nhiệm vụ, trung bình tăng trên 50% so với các nhiệm vụ thuộc cả chương trình KC và KX giai đoạn 2011-2016.

Về kết quả khoa học, số lượng công bố quốc tế tăng mạnh. Tính trung bình trên đầu nhiệm vụ, các chương trình KC, các bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI và Scopus tăng: KC tăng 2 lần (1,04 bài/NV ; 0,49 bài/NV (2011-2015)); KX tăng 3 lần (0,75 bài/NV ; 0,24 bài/NV (2011-2015)

Kết quả này minh chứng hiệu quả đầu tư, đồng thời minh chứng các nhiệm vụ không chỉ giải quyết những nội dung, không chỉ đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ở trong nước mà còn tiếp cận với các bài toán, những vấn đề được quan tâm nghiên cứu tầm thế giới như: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ AI, IoT, công nghệ điện toán đám mây,…Vật liệu tiên tiến như chất dẻo tính năng đặc biệt, hợp kim titan y sinh, vật liệu bê tông asphalt tái chế ấm, công nghệ plasma xử lý vải chống cháy; Ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn; công nghệ thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng; ứng dụng sinh học phân tử trong chẩn đoán sớm ung thư; Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong điều trị một số bệnh máu ác tính,...

Các khách mời đã giải đáp gần 30 câu hỏi của bạn đọc.

Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các nhiệm vụ thuộc các chương trình KC tăng 48% so với 6 Chương trình tương ứng của giai đoạn trước (128 kết quả được đăng ký). Mỗi chương trình đều có những kết quả nổi bật trong làm chủ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, ứng dụng trong thực tiễn và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều kết quả khoa học của Chương trình KC đạt được đã được triển khai, ứng dụng thực tiễn tại Bộ, Ban, ngành; Một số kết quả đã thể hiện hiện sự đóng góp đáng kể trong việc nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá, đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới và nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Một số công nghệ, thiết bị được tạo ra đã chuyển giao ngay cho các đơn vị có nhu cầu hay các đơn vị sản xuất.

Tại buổi giao lưu, các khách mời cũng giải đáp những thắc mắc của bạn đọc về việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, những định hướng trong thời gian tới của việc nghiên cứu KHCN trong nước...

  Khôi Nguyên (T/h)