Him Lam nói gì về dự án đất 'kim cương' giữa trung tâm Ba Đình?

14:56, 01/09/2020

Trước thông tin "tay không bắt giặc" khu đất "kim cương” 61 Trần Phú (Q.Ba Đình, Hà Nội), ông Trần Văn Tĩnh, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam, chính thức khẳng định Him Lam chỉ tham gia với vai trò tư vấn.

Khu đất 61 Trần Phú (Q.Ba Đình, Hà Nội) toạ lạc vị trí đắc địa /// Ảnh Xuân Tiên
Khu đất 61 Trần Phú (Q.Ba Đình, Hà Nội) toạ lạc vị trí đắc địa. ẢNH: XUÂN TIÊN

Chỉ tư vấn 

Khu đất hơn 9.000 m2 tại địa chỉ 61 Trần Phú (Q.Ba Đình) được đánh giá có vị trí đắc địa bậc nhất Hà Nội, nằm gần toà nhà Quốc hội và Lăng Bác. Khu đất hiện đang được sử dụng làm trụ sở chính và nhà máy sản xuất của Công ty CP thiết bị Bưu điện (Postef).
Thực hiện chủ trương chuyển đổi, di dời các nhà máy xí nghiệp ra khỏi nội đô, Postef đã hợp tác với Công ty CP Liên Việt Holdings (nay là Công ty CP Tập đoàn Liên Việt - gọi tắt là LVG). Hai bên đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư, phía LVG góp vốn với Postef để triển khai dự án (DA) Công trình đa chức năng Postef, với tổng vốn khoảng 1.574 tỉ đồng. DA có quy mô 6 tầng hầm, 11 tầng nổi là tổ hợp văn phòng thương mại, khách sạn…
Để triển khai DA, phía LVG ký Thoả thuận liên danh với Him Lam. Liên danh này chính là câu chuyện thu hút sự chú ý của dư luận. Một số thông tin cho rằng, Him Lam đứng sau DA, “tay không bắt giặc”, hưởng lợi từ khu "đất kim cương" mà nhà đầu tư nào cũng mơ ước.
Ông Nông Đàm Thắng, Chủ tịch LVG, cho biết thêm, khi lựa chọn tham gia DA này đơn thuần vì thấy cơ hội đầu tư đem lại hiệu quả, nhưng LVG không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản (BĐS). Muốn làm được thì phải liên danh với một doanh nghiệp (DN) nào có đầy đủ kinh nghiệm từ thủ tục, xây dựng, quản lý và khai thác.
“Him Lam có bề dày, kinh nghiệm trong lĩnh vực BĐS từ trước đến nay. Các DA họ làm tuân thủ pháp luật và mang lại hiệu quả cho xã hội nên chúng tôi rất tin tưởng. Từ cơ sở đó, LVG ký liên danh với Him Lam để thực hiện”, ông Thắng khẳng định.
Về cơ cấu vốn góp, theo ông Thắng, phía Postef là chủ đầu tư góp 51% (từ đất), còn phía LVG góp 49% bằng tiền. LVG là DN độc lập, có đủ năng lực tài chính để tham gia DA và mọi thủ tục hiện đã được hoàn thiện theo đúng các quy định của pháp luật.
Ông Trần Văn Tĩnh, Chủ tịch Him Lam, cho biết những thông tin như: Him Lam đứng sau DN, “tay không bắt giặc” là hoàn toàn thiếu căn cứ, không chính xác. Tại DA này, vai trò của Him Lam chỉ là nhà tư vấn cho LVG, chứ không phải nhà đầu tư, đồng nghĩa với việc không hưởng bất cứ lợi nhuận nào từ DA này.
Him Lam nói gì về dự án đất 'kim cương' giữa trung tâm Ba Đình? - ảnh 1

Trụ sở của Công ty CP Thiết bị Bưu điện. ẢNH: XUÂN TIÊN

Trong thoả thuận liên danh được ký vào năm 2011, cũng như phụ lục thoả thuận, Him Lam chỉ tham gia tư vấn trong giai đoạn triển khai thi công công trình và quản lý khai thác DA sau đầu tư, phối hợp cùng LVG thực hiện các công việc liên quan khác theo yêu cầu.

Cơ quan chức năng có ý kiến gì?

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, DA này đã trải qua hơn 9 năm làm thủ tục, với một bộ hồ sơ khá đồ sộ, do vị trí DA nằm ở trung tâm Q.Ba Đình. Quy trình thẩm định đầu tư, xét duyệt hồ sơ, thủ tục chặt chẽ, nhiều sở, ngành tham gia cho ý kiến.
Về công tác quy hoạch, tại Văn bản số 3862/QHKT-P3, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.Hà Nội đã chấp thuận đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất (từ công nghiệp sang đất hỗn hợp) để nghiên cứu lập DA của chủ đầu tư.
“DA hoàn toàn phù hợp với quy hoạch chi tiết Q.Ba Đình; Quy hoạch chung xây dựng thủ đô năm 2011 của Thủ tướng…”, văn bản của Sở này nêu rõ.
Liên quan đến việc chuyển đổi đất công, Bộ Tài chính khi được xin ý kiến cũng đã khẳng định, nếu Nhà nước sở hữu vốn trên 50% tại Postef thì Bộ này thống nhất về nguyên tắc việc chuyển đổi công năng tài sản trên đất và chuyển mục đích sử dụng đất tại 61 Trần Phú theo đúng quy hoạch của Hà Nội.
Đối với các vấn đề nhạy cảm như chiều cao công trình, Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu cũng có ý kiến tại Văn bản số 574/TC-QC ngày 25.12.2017. 
Theo đó, đồng ý chấp thuận độ cao tĩnh không xây dựng công trình tại vị trí nêu trên với chiều cao tối đa 42,9 m. Ngoài ra, UBND TP.Hà Nội cũng đã có Quyết định 7593/QĐ-UBND phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với DA này.
Nói thêm về khâu thủ tục, ông Nông Đàm Thắng chia sẻ: “Hơn 9 năm liên danh, chúng tôi phải thực hiện đầy đủ tất các thủ tục DA. Khoảng thời gian đó không phải là ngắn nhưng chúng tôi hiểu DA này nằm ở vị trí nhạy cảm, bộ mặt của thủ đô nên các bước làm vô cùng cẩn trọng và tuân thủ tất cả các quy định của pháp luật”. 

Công trình đa chức năng Postef 

Ngày 24.6.2017, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Quyết định 3841 chấp thuận chủ trương đầu tư DA “Công trình đa chức năng Postef”. Mục tiêu nhằm giải quyết nhu cầu về văn phòng làm việc cho nhà đầu tư, khách sạn, dịch vụ đi kèm… 
DA có tổng diện tích nghiên cứu hơn 9.078 m2, diện tích đất lập DA là 7.532 m2. Công trình gồm 11 tầng nổi và 6 tầng hầm khoảng hơn 43.023 m2; chiều cao khoảng 42,9 m. Tổng vốn đầu tư DA hơn 1.574 tỉ đồng.
DA dự kiến khởi công vào quý 3/2017 và hoàn thành vào quý 3/2019. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, chủ đầu tư xin điều chỉnh thời gian thực hiện và UBND TP.Hà Nội chấp thuận thời điểm hoàn thành vào quý 4/2021. 
Theo thanhnien.vn