Học phí online: Không thể bằng dạy trực tiếp

Minh Hà 10:22, 27/04/2020

“Dạy học online được Bộ GD&ĐT công nhận và tính vào chương trình học của các trường. Đây là căn cứ pháp lý cho cơ sở GD, đào tạo xác định mức thu học phí online” - ông Trần Tú Khánh (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD&ĐT) trao đổi.

Giáo viên Trường THCS, THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) tập huấn dạy online tháng 3/2020.	 Ảnh: Thúy NguyễnGiáo viên Trường THCS, THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) tập huấn dạy online tháng 3/2020. Ảnh: Thúy Nguyễn

Không được vượt quá mức thu công khai từ đầu năm học

- Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến học sinh phải nghỉ học dài, bên cạnh trường ngoài công cập (NCL) chưa đưa ra mức học phí dạy online, một số trường vừa công bố đã vấp phải phản ứng trái chiều từ phụ huynh, dư luận. Ông có thể cho biết trường NCL thu học phí dạy online dựa vào quy định nào?

- Việc thu học phí phải căn cứ vào Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ; Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ; Thông tư 36/2017/TT-BGD-ĐT ngày 28/12/2017 của Bộ GD&ĐT. Theo quy định, cơ sở giáo dục, đào tạo NCL được tự quyết định mức thu trên cơ sở bảo đảm trang trải chi phí cần thiết cho quá trình hoạt động và có tích lũy để đầu tư phát triển.

Đồng thời, nhà trường phải thực hiện công khai chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo và mức thu theo cam kết trong đề án thành lập trường, công khai cho từng khóa học, năm học và cả lộ trình. Như vậy, việc thu học phí và các khoản thu khác sẽ được thực hiện theo như thỏa thuận ban đầu và đúng kế hoạch năm học.

Bộ GD&ĐT có Công văn số 1061/BGDĐT-GDTrH ngày 25/3/2020, Công văn số 795/BGDĐT-GDĐH ngày 13/3/2020 và Công văn số 988/BGDĐT-GDĐH ngày 23/3/2020. Theo quy định mới ban hành, việc dạy học online được Bộ công nhận và tính vào chương trình học của các trường. Đây là căn cứ pháp lý cho cơ sở giáo dục, đào tạo xác định mức thu học phí online.

Cơ sở giáo dục, đào tạo căn cứ vào khoản chi phí thực tế, cần thiết để triển khai hoạt động tổ chức dạy học online theo văn bản hướng dẫn của Bộ (như nâng cấp, bổ sung hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng bài giảng điện tử, bồi dưỡng phương pháp và kỹ năng cần thiết cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về dạy học qua Internet…); Căn cứ vào thời gian học, nội dung, phần thực hành truyền tải qua dạy học online… để xác định mức thu nhưng không được vượt quá mức học phí công khai từ đầu năm học.

Một số cơ sở giáo dục đại học đã đầu tư cơ sở hạ tầng với chi phí lớn để bảo đảm chất lượng giảng dạy trực tuyến. Tuy nhiên, các chi phí này phải được khấu hao và phân bổ hợp lý qua nhiều năm để tránh thu vượt mức thu học phí đã công bố công khai đầu năm học.

Trước khi triển khai giảng dạy online và thu phí, cơ sở giáo dục, đào tạo phải thực hiện quy chế công khai và thỏa thuận với phụ huynh học sinh. Việc công khai phải đầy đủ các nội dung về: Kế hoạch tổ chức dạy học online và các điều kiện bảo đảm chất lượng tổ chức dạy học online; Mức thu học phí theo tháng trong thời gian tổ chức dạy học online; Kế hoạch kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của HSSV trong quá trình tổ chức dạy học online và các giải pháp bổ sung, củng cố kiến thức cho HSSV trong trường hợp cần thiết trước khi tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ, kiểm tra học kỳ để bảo đảm chất lượng chuẩn đầu ra như đã cam kết.

Các cơ sở giáo dục, đào tạo chỉ thực hiện thu học phí trong thời gian dạy học online sau khi đạt được thỏa thuận thống nhất với phụ huynh học sinh.

Ông Trần Tú Khánh: “Mức phí dạy online phải thấp hơn dạy trực tiếp”. Ảnh: Bộ GD&ĐT

 Phải có sự đồng thuận giữa phụ huynh và nhà trường

- Trong tình huống hiện nay, trường NCL có được thu học phí online như mức thu học phí dạy trực tiếp đã thỏa thuận từ trước với phụ huynh, hay phải tiến hành “thỏa thuận” lại, thưa ông?

- Do chi phí thực hiện hoạt động dạy trực tiếp khác với giảng dạy qua online. Trong trường hợp bất khả kháng này, trường NCL nên xây dựng lại mức thu phù hợp, tính đúng, tính đủ các khoản chi phí phát sinh từ hoạt động online (đầu tư, nâng cấp, bổ sung hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng bài giảng điện tử, bồi dưỡng phương pháp và kỹ năng cần thiết cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về dạy học qua Internet…).

Đồng thời công khai chi phí phát sinh và thông báo đến toàn thể phụ huynh học sinh, công khai minh bạch và thu tối đa bằng với mức dạy học trực tiếp đã thỏa thuận (nên thấp hơn mức này)...

Đối với chi phí đầu tư, đặc biệt là chí phí để dạy học online cần khấu hao, phân bổ dài hạn và hợp lý. Do hoạt động giảng dạy online khá mới, đặc biệt với giáo dục mầm non, phổ thông. Vì vậy, cơ sở giáo dục, đào tạo cần tận dụng và khai thác các chính sách của nhà mạng, chương trình đã được biên tập và phê duyệt tại nguồn dữ liệu quốc gia hoặc đài truyền hình Trung ương để làm nguồn dữ liệu hỗ trợ hoạt động giảng dạy, giảm chi phí phát sinh. Đồng thời bảo đảm mức thu học phí online thấp hơn mức thu giảng dạy trực tiếp đã thông báo từ đầu năm học.

- Ngoài học phí, trường NCL thường có những khoản thu khác (xây dựng trường, hoạt động ngoại khóa… thu từ đầu năm học), nay chuyển sang dạy online, theo ông, nhà trường “giữ” hay “trả” cho phụ huynh học sinh?

- Cần tách biệt rõ nội dung các khoản thu khác: Đối với khoản thu liên quan đến dịch vụ mà nhà trường vẫn phải duy trì để tiếp tục đón học sinh trở lại trường theo đúng kế hoạch, nhà trường có thể tạm giữ lại để tiếp tục triển khai. Vì trên thực tế, mặc dù học sinh không đến trường, năm học chưa kết thúc nhưng cơ sở giáo dục NCL vẫn có thể triển khai sau này hoặc bù trừ khoản phát sinh nếu có.

Đối với các khoản thu dịch vụ dành cho phục vụ học sinh mà không triển khai do nghỉ học dài ngày, cuối năm sẽ được bù trừ vào khoản thu khác, thanh quyết toán và công khai đầy đủ với phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, việc này cần có sự đồng thuận giữa phụ huynh và nhà trường.

- Xin cảm ơn trao đổi của ông!

Theo GD&TĐ