Học phí online, tranh cãi chưa đến hồi kết

Thùy Dung 13:45, 13/05/2020

Để giải quyết mâu thuẫn học phí trực tuyến, Bộ GD-ĐT khẳng định mức thu trong thời gian học trực tuyến không được vượt quá mức thu, tổng thu cả năm học đã được cam kết, công khai từ đầu năm học. Tuy nhiên, việc đó lại khiến các trường tư thục phải đối diện với áp lực tài chính rất lớn.

Thu phí học online như nào cho đúng và đủ?

Hiện nay, các trường tư thục đang gặp nhiều khó khăn vì không có nguồn thu từ khi xảy ra dịch Covid -19. Sau nỗ lực duy trì trả lương tháng đầu tiên, đến tháng thứ 2 trở đi các trường đã phải đối diện với áp lực tài chính rất lớn.

Trái ngược với tình cảnh ấy, các thầy cô dạy ở trường công lập vẫn được nhận đủ lương, do đó nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần sớm có hành động hỗ trợ trường tư trong giai đoạn này, cũng là biện pháp cần thiết ổn định hoạt động nhà trường trong thời gian tới.

Tuy nhiên, việc thu học phí online đã gây nên nhiều tranh cãi. Như câu chuyện của trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) được yêu cầu thu thêm tiền để phục vụ việc học trực tuyến trong lúc dịch bệnh COVID-19. Mức thu mà ban đại diện phụ huynh thông báo là 1 triệu đồng/học sinh/tháng. Một số đồng tình vì cho rằng đây là sự chia sẻ khó khăn với nhà trường nhưng một số cũng phản đối kịch liệt vì nói chưa hề được thảo luận hay thông báo gì trước đó.

Phụ huynh trường Quốc tế Úc (TP.HCM) tập trung ở cổng trường, phản đối việc thu học phí online.

Giải thích về mức phí trên, ông Nguyễn Kiến Thiết, phát ngôn Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh cho biết: "Về khoản phí 1 triệu đồng/học sinh/tháng, đây là ý tưởng của ban đại diện phụ huynh chứ không phải yêu cầu của nhà trường".

Hay như câu chuyện của Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS), trực thuộc Trường Đại học Tôn Đức Thắng TP HCM đã có “đơn kêu cứu khẩn cấp về chất lượng dạy học và học phí online” gửi Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT.

Cụ thể, Phụ huynh (PH) cho rằng trong thời gian học sinh (HS) nghỉ vì dịch Covid-19, trường đã tổ chức học online, có tương tác giữa giáo viên (GV) và HS. Tuy nhiên, không phải tất cả môn đều được dạy và thời gian dạy chỉ khoảng 20 phút/ tiết. Trong khi đó, PH đã đóng học phí để con được hưởng giáo dục 40 giờ/tuần và nhiều tiện ích, cơ sở vật chất tại trường. Nhưng khi học online, trẻ chỉ được học khoảng 1,5-3 giờ/tuần. Với thời lượng như vậy, PH lo lắng con mình không được truyền đạt đầy đủ kiến thức.

Đồng thời, trường và PH đã ký kết hợp đồng, khi điều kiện thực hiện hợp đồng thay đổi, tức là chuyển từ dạy trực tiếp sang online, lẽ ra, trường phải thỏa thuận lại với PH về học phí và nên thông báo từ đầu là dạy online sẽ thu học phí và cần thời gian để xác định mức thu.

Nỗi khổ của giáo viên dạy học online

Mặc dù dạy online, thế nhưng nhà trường cũng cần trả công cho các giáo viên. Thậm chí việc dạy học online khiến các giáo viên phải làm việc gấp đôi, gấp ba so với việc giảng dạy trên lớp.

Mặc dù những thắc mắc, yêu cầu của PH đưa ra là chính đáng. Thế nhưng nhà trường cũng đang phải gồng gánh và có những quan điểm riêng.

Ông Nguyễn Kiến Thiết, phát ngôn Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh chia sẻ: “Khi trường nói gặp khó khăn, có thể ban đại diện phụ huynh muốn chia sẻ, trường đã có thư cám ơn thiện chí này. Và khi đưa ra mức thu trên, số tiền vẫn do ban đại diện phụ huynh cầm chứ trường nhà trường không trực tiếp thu”.

Để có được các bài giảng online, giáo phiên phải bỏ cỗng sức gấp đôi, gáp ba lần so với việc giảng dạy trên lớp.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Hiệu phó VFIS cũng giãi bày: "Ngoài lịch học cố định, GV và trợ giảng phải hỗ trợ từng HS, có mặt trên mạng liên tục, phải hỗ trợ HS, PH khi được gọi. Có GV 12h đêm, 5h sáng đã phải làm việc. Có PH không quen với việc online thì trường in bài tập, bài giảng phát cho PH.

Ngoài ra, để có một video bài giảng cần đầu tư thời gian, công sức rất lớn, phải quay nhiều lần, nhưng học sinh có thể sử dụng tài nguyên online này nhiều lần, trong thời gian không giới hạn. Chúng tôi huy động nguồn lực để phục vụ nhu cầu khác nhau của mỗi HS. Có thể có người nói đó là chuyện của trường nhưng chi phí mà PH đóng, không phải để trường hưởng mà để phục vụ ngược lại cho HS, PH trong thời gian dịch bệnh”.

Phía các trường tư cũng cho rằng, với trường công lập thì không có vấn đề gì nhưng các trường ngoài công lập thì đang gặp khó. Với việc tự thu tự chi, các trường cần phải có tài chính để duy trì hoạt động dạy học trực tuyến một cách hiệu quả.

Là gỡ nút thắt hay trói buộc trường tư?

Trước những tranh cãi liên quan đến học phí online, ngày 11/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực GD-ĐT năm học 2019-2020, 2020-2021 và chỉ đạo điều hành giá.

Theo Bộ GD-ĐT, trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, việc thực hiện các khoản thu đối với năm học 2019-2020 phải bảo đảm các nguyên tắc công khai, minh bạch và thỏa thuận thu trên cơ sở triển khai thực tế công tác dạy học.

Văn bản của Bộ GD-ĐT còn chỉ rõ: Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh, nếu không tổ chức học trực tuyến thì sẽ không được thu học phí và các khoản thu hộ, chi hộ. Nếu đã thu thì sẽ thực hiện thanh toán bù trừ khi học sinh đi học trở lại và thanh quyết toán vào cuối năm học với phụ huynh học sinh.

Đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế, khoản chi phí phát sinh cần thiết để triển khai hoạt động tổ chức dạy, thời gian thực tế học trực tuyến, nội dung truyền tải qua dạy học trực tuyến, tỷ lệ hoàn thành chương trình học... để xác định mức thu hợp lý.

Bộ GD-ĐT yêu cầu các tỉnh, thành tăng cường kiểm tra các khoản thu, nếu phát hiện sai phạm xử lý nghiêm theo quy định.

Mức thu trên nguyên tắc "chia sẻ khó khăn chung giữa cơ sở giáo dục và phụ huynh, nhưng không được vượt quá mức thu, tổng thu cả năm học đã được cam kết, công khai từ đầu năm; đồng thời có chính sách giảm mức thu phù hợp với điều kiện của học sinh, sinh viên".

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các tỉnh, thành tăng cường kiểm tra các khoản thu, chi trong các trường học, xử lý nghiêm trường hợp thu sai quy định.

Ở một khía cạnh khác, phụ huynh hay nhà trường đều có đánh giá riêng của mình về học phí. Chuyện học lúc này như một món đồ đang được định giá khác nhau dẫn tới tranh chấp: người sản xuất có lý khi nói đã bỏ nhiều công sức thi công, chế tác; người mua cũng không sai khi đánh giá chất lượng sản phẩm ở mức thấp...

Dẫu vậy, phụ huynh và nhà trường cần có những cái nhìn thiệt chí về việc thu phí học online. Bởi món đồ ở đây là giáo dục, vậy nên không thể đặt lên bàn cân để đong đếm. Bở câu nếu không có được tiếng nói chung, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là học sinh của nhà trường, con em của phụ huynh.

Thùy Dung