Hội nghị công tác chuẩn bị Tết và bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022

19:55, 08/12/2022

Sáng 8/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị công tác chuẩn bị Tết và bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị công tác chuẩn bị Tết và bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. 

Chuẩn bị hàng hóa chủ động với thị trường

Tại hội nghị, đánh giá của nhiều doanh nghiệp, do nhiều yếu tố tác động nên giá cả hàng hóa năm nay sẽ tăng hơn so với trước, tuy nhiên, các doanh nghiệp và Bộ Công Thương đã nỗ lực chuẩn bị nguồn cung và bình ổn giá cả, thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Theo báo cáo của các địa phương, sau đại dịch Covid-19, người dân có xu hướng tăng chi tiêu cho mua sắm. Thị trường hàng hóa giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão được dự đoán sôi động hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu hàng hóa tăng cộng với việc Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau nên công tác dự trữ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán đã và đang được các địa phương, doanh nghiệp gấp rút triển khai.

Ước dự trữ hàng hóa tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống/thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường...

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội đã sớm triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu năm 2022 từ tháng 7-2022 tới 5-2023 với sự tham gia của 32 đơn vị sản xuất, kinh doanh, thực hiện cung ứng hàng hóa tới hơn 12.000 điểm bán hàng trên toàn thành phố, trong đó có 132 siêu thị, trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh 1.269 sạp hàng tại chợ truyền thống và 517 bếp ăn.

“Lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng 15% với kế hoạch phục vụ Tết năm 2021. Hiện nay các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 15-30% so với kế hoạch Tết 2022. Các doanh nghiệp đã đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng”, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin.

Ông Ngô Hồng Y, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, dự báo nhu cầu hàng hóa dịp Tết sẽ tăng lên 2-3 lần so với tháng bình thường. Để chuẩn bị nguồn hàng hóa, Sở Công Thương phối hợp các tỉnh thành tìm nguồn hàng bảo đảm chất lượng, tổ chức hội nghị kết nối cung cầu với 42 tỉnh, thành phố và hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia.

Ông Nguyễn Phước Hạnh, Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, đến nay công tác hàng hóa phục vụ Tết tăng 20-25% so với năm ngoái, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng cho người dân. Tổng giá trị hàng lương thực, thực phẩm là 2.000 tỷ đồng, phân phối thông qua đầu mối và siêu thị, chợ...

Tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa

Đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp kết hợp với các chương trình hội chợ, khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng.

Tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chuẩn bị tốt nguồn hàng chính sách, hàng hỗ trợ và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng phục vụ Tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và đặc biệt chú trọng công tác cung ứng hàng hóa cho các vùng bị thiệt hại do bão, lũ với lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm...

Đặc biệt, chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn dự trữ đầy đủ có phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra việc duy trì bán hàng và thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, kiểm tra chất lượng, đo lường, giá bán xăng dầu lưu thông trên thị trường. Đồng thời, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đảm bảo cung ứng điện, có phương án dự phòng để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Vissan bắt đầu sản xuất các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Ảnh minh họa

Bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý, chất lượng tốt

Các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa phục vụ Tết. Đối với các đơn vị sản xuất (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Cổ phần Bia Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Tổng Công ty cổ phần Bia Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam...): Chủ động có kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết; dự trữ vật tư, nguyên, nhiên vật liệu một cách hợp lý, tiết giảm chi phí, ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, nhằm duy trì sản xuất ổn định để bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu; thực hiện nghiêm túc quy định về dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia để cung ứng đủ, kịp thời nguồn hàng cho thị trường khi cần thiết.

Các đơn vị sản xuất hàng phục vụ tiêu dùng Tết có kế hoạch phù hợp để hạn chế tối đa việc dừng sản xuất trong dịp gần Tết gây tâm lý bất ổn cho thị trường; giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá giả tạo do các nhà phân phối, đại lý đầu cơ hàng, nâng giá.

Cung ứng đủ điện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh

Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm xây dựng các kịch bản, dự báo nhu cầu sử dụng điện toàn quốc năm 2023, đặc biệt là nhu cầu sử dụng điện trong dịp tết nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, các Tổng công ty phát điện, các Tổng công ty phân phối điện lập phương án vận hành và huy động các nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia, có dự phòng hợp lý, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, an ninh của hệ thống điện; đảm bảo vận hành an toàn tuyệt đối hệ thống điện trên phạm vi toàn quốc và đảm bảo cung ứng đủ điện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sản xuất phục vụ thị trường, người tiêu dùng, kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu điện, không có điện gây ngừng hoạt động sản xuất.

Đối với các đơn vị có hoạt động kinh doanh thương mại (Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Liên hiệp hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh...), chủ động triển khai các Chương trình bình ổn thị trường, tham gia các chương trình kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản thực phẩm an toàn; đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, nhất là các khu vực nông thôn, hải đảo nhằm cung ứng tốt hàng hóa bình ổn nói chung và hàng Việt nói riêng cho người dân; tích cực tham gia các Chương trình hỗ trợ cho người dân diện chính sách, người dân ở các vùng bị thiệt hại do bão lũ.

Phối hợp với các đơn vị cung cấp hàng thực phẩm chăn nuôi, chủ động nguồn hàng dự trữ với giá hợp lý, thực hiện việc giảm giá bán theo mức giảm của các nhà cung cấp và theo thị trường, triển khai các điểm bán hàng bình ổn nhằm dẫn dắt thị trường, tạo tâm lý ổn định cho thị trường các mặt hàng thực phẩm.

Tăng cường kiểm soát chất lượng, giá bán, đo lường trong hệ thống, tránh gian lận trong kinh doanh xăng dầu; thực hiện nghiêm túc các quy định về thời gian bán hàng tại các điểm bán lẻ xăng dầu và bảo đảm công tác an toàn phòng chống cháy nổ. Các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước bảo đảm duy trì sản xuất ổn định, cung cấp xăng dầu cho thị trường theo kế hoạch và hợp đồng đã ký với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; có phương án tăng cường hoạt động giao hàng để kịp thời cung ứng hàng ra thị trường khi cần thiết./.

Bảo Trân (T/h)