Hôm nay, Quốc hội họp về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đánh giá kỹ về tăng trưởng GDP 9 tháng

10:07, 22/10/2022

Hôm nay, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ tư, thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách nhà nước; nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, sáng 22/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý).

Báo cáo Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 của Chính phủ nêu rõ tình hình kinh tế-xã hội trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Quang cảnh phiên họp.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,73%, ước cả năm khoảng 4%.

Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định; tăng trưởng tín dụng 9 tháng đạt khoảng 11%, tập trung nhiều cho sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% (mục tiêu là 6-6,5%).

Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả. Đến nay, đã hỗ trợ khoảng 87.000 tỷ đồng cho gần 56 triệu lượt người dân, người lao động và trên 730.000 lượt người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm...

Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, Chính phủ đề ra 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, trong đó, tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5-6%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1-1,5%...

Cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn về tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2022, nhất là quý 3 cao song không nên chủ quan vì nền tăng trưởng cùng kỳ thấp (quý 3/2021, GDP giảm hơn 6%).

Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là một trong các chỉ tiêu rất quan trọng phản ánh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế không đạt, cho thấy chất lượng nền kinh tế còn hạn chế, tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn và lao động. Việc hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế (đạt 92% dân số) là thách thức lớn, đồng thời là nhiệm vụ cấp bách cần quan tâm.

Đề cập dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc về kinh tế-xã hội; đồng thời bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó nêu rõ việc kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng; nghiên cứu mở rộng hơn không gian chính sách tài khóa gắn với hiệu quả của đầu tư công.

Trong phiên họp sáng 22/10, các đại biểu thảo luận ở tổ về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Buổi chiều, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật này.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 6 chương và 91 điều; giảm 1 chương, tăng 17 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3; bám sát các quan điểm xây dựng luật, thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng về phát huy dân chủ ở cơ sở và phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Khôi Nguyên (T/h)