IOC Thái Nguyên: Thường xuyên nâng cấp, đổi mới để đáp ứng chuyển đổi số

16:42, 06/09/2021

Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên được đưa vào khai thác, vận hành từ tháng 7/2020. Đây được coi là “bộ não số” của tỉnh với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển, cho phép kết nối những trường thông tin, trích xuất dữ liệu; tiếp nhận thông tin phản ánh,…

Vừa qua, chiều 1/9, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đến thăm, kiểm tra Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh tại Trụ sở UBND tỉnh Thái Nguyên.

Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên được đưa vào khai thác, vận hành từ tháng 7/2020. Đây được coi là “bộ não số” của tỉnh với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển, cho phép kết nối những trường thông tin, trích xuất dữ liệu; tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp, phục vụ công tác nghiên cứu, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước, các cấp chính quyền… một cách công khai và minh bạch.

Hiện tại, Trung tâm đã hoàn thành 11 hạng mục gồm: Đầu tư phòng điều hành thông minh hiện đại; nền tảng tích hợp, hiển thị thông tin điều hành (IOC); tích hợp dữ liệu lĩnh vực y tế, giáo dục, giám sát thông tin, phản ánh hiện trường, camera trên bản đồ số; nền tảng quản lý camera tập trung; hệ thống giám sát, điều hành giao thông; lắp đặt thí điểm hệ thống camera an ninh; hệ thống giám sát thông tin môi trường mạng; phòng họp không giấy tờ; hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử; hệ thống cảnh báo cháy; hệ thống định danh số.

Điều đáng chú ý là nhờ nền tảng quản lý camera tập trung, Trung tâm đã hỗ trợ hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương. Để đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định 24/24, Trung tâm luôn bố trí từ 6 - 8 cán bộ với 10 máy tính và 6 điện thoại tổng đài làm nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn, giải đáp, hỗ trợ trực tiếp công dân.

Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên được đưa vào khai thác, vận hành từ tháng 7-2020. Đây được coi là “bộ não số” của tỉnh.

Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các cán bộ làm nhiệm vụ tại Trung tâm, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh: Trung tâm đi vào hoạt động đã giúp lãnh đạo các cấp chính quyền có cái nhìn toàn diện về các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn, thúc đẩy sự tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của Trung tâm, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đề nghị: Trung tâm cần thường xuyên nâng cấp đường truyền, đổi mới hạ tầng kỹ thuật, công nghệ để đáp ứng nhiệm vụ chuyển đổi số theo Nghị quyết số 01 của tỉnh; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin, thực sự trở thành cầu nối giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền...

Với lợi thế tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ của nền kinh tế, có sự phát triển không ngừng về lĩnh vực thông tin và truyền thông, tính đến ngày 30/4/2021, sau hơn 3 tháng triển khai triển khai Nghị quyết số 01/NQ-TU, Thái Nguyên đã có sự phát triển vượt bậc trong kế hoạch chuyển đổi số, đặc biệt là đột phá về cải cách và hiện đại hóa hành chính.

Trong xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, bên cạnh hoàn thiện Trung tâm IOC, tỉnh Thái Nguyên có có 985 thủ tục hành chính được thực hiện dịch vụ công mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Thái Nguyên, kết nối, đồng bộ với 100% hệ thống một cửa điện tử trên địa bàn toàn tỉnh.

Hệ thống Quản lý văn bản đi đến và điều hành tỉnh được quan tâm vận hành và duy trì thường xuyên. Ước tính trong quý I/2021, hệ thống gửi/nhận trên 38.000 văn bản (ước tính tiết kiệm được khoảng 1,5 tỷ đồng tiền gửi/nhận văn bản, tiết kiệm được khoảng 3 triệu giờ/quý).

Ngoài ra, hạ tầng viễn thông - CNTT của tỉnh được đầu tư hiện đại, rộng khắp, sẵn sàng đáp ứng cho công tác chuyển đổi số. Tỉnh đã đầu tư hạ tầng mạng viễn thông - CNTT hiện đại, đồng bộ với mạng cáp quang; mạng di động 3G, 4G sẵn sàng cho 5G; xây dựng nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu (LGSP), kết nối liên thông với nền tảng quốc gia…

Cùng với quyết tâm xây dựng thành phố thông minh, tỉnh Thái Nguyên đã tạo được nhiều đột phá về cải cách kinh tế - xã hội, đặc biệt là hiện đại hóa nền hành chính. Việc đẩy mạnh hoàn thiện Trung tâm điều hành thông minh đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh trong xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, hiệu quả, hướng đến xây dựng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.

Khôi Nguyên (T/h)