khai mạc Diễn đàn vô tuyến châu Á - Thái Bình Dương

08:00, 01/04/2009

Hôm qua (31/3), hội nghị lần thứ 6 - Diễn đàn vô tuyến châu Á - Thái Bình Dương của Liên minh viễn thông châu Á Thái Bình Dương (APT) do Bộ Thông tin và truyền thông (MIC) đăng cai tổ chức tại Việt Nam đã khai mạc tại Đà nẵng.

Trước đó 01 ngày, ngày 30/3 /2009, APT và MIC đã tổ chức Hội thảo về quản lý tần số và kiểm soát bên lề Diễn đàn.

Đây là Hội thảo và diễn đàn của các nước trong khu vực Châu Á- Thái Bình dương nhằm chia sẻ thông tin và thảo luận về các công nghệ và dịch vụ thông tin vô tuyến mới; thúc đẩy các giải pháp công nghệ hướng tới hội tụ số; ứng dụng các phương pháp quản lý tần số hiệu quả và hướng tới hài hoà về quy hoạch tần số trong khu vực.  

Phát biểu tại khai mạc, thứ trưởng  Bộ Thông tin và truyền thông Lê Nam Thắng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc số hóa để hướng tới hội tụ các dịch vụ cố định và di động, chia sẻ dùng chung tài nguyên tần số, hài hòa phổ tần các công nghệ IMT-2000 cho các ứng dụng băng rộng vô tuyến. 

Tham dự Diễn đàn có hơn 200 đại biểu từ hơn 30 nước, đại diện Bộ Thông tin và truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông và truyền hình trong nước.  

Các nhà khai thác thông tin di động lớn như VNPT, Viettel, HTC, Gtel cũng bày tỏ sự quan tâm sát sao tới những vấn đề chính sách về hài hòa tần số, phân chia thêm băng tần cho thông tin di động nhờ số hóa truyền hình.   

Đây là cơ hội cho các nhà khai thác có thêm băng tần để phát triển các dịch vụ băng rộng di động. 

Đóng góp vào các nghiên cứu về công nghệ và giải pháp của diễn đàn là các công ty cung cấp thiết bị như Ericsson, Intel, Qualcomm… 

Tại diễn đàn lần này, Ericsson Việt Nam trình bày về giải pháp truyền dẫn cho mạng 3G, trong bối cảnh các mạng phát triển nhanh chóng, đòi hỏi một số lượng  rất lớn các đường truyền giữa các trạm gốc trong khi tài nguyên tần số rất hạn hẹp. 

Tại Hội thảo và Diễn đàn, Cục Tần số vô tuyến điện - Bộ Thông tin và truyền thông sẽ có bài trình bày chia sẻ quan điểm về phân chia và sử dụng băng tần cho di động băng rộng với các nước,  chia sẻ kinh nghiệm về kiểm soát tần số, xử lý can nhiễu tại Việt Nam.  

Việc chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm và thông tin này nhằm hướng tới sự hài hòa về chính sách tần số trong khu vực, một trong những yếu tố quan trọng  hàng đầu để phát triển quy mô kinh tế trong lĩnh vực thông tin vô tuyến. 

PV

TIN LIÊN QUAN