Khi các đại học dạy học trực tuyến: Phải có một nền giáo dục thông minh

16:40, 16/01/2022

Do những diễn biến của dịch cúm Covid-19, các đại học ở Việt Nam về cơ bản đều phải dạy học trực tuyến. Để việc này trở nên hiệu quả, mọi việc buộc phải thay đổi mang tính cách mạng.

Giải pháp tình thế nhưng có nhiều thuận lợi

Việc chuyển từ giảng dạy trực tiếp sang trực tuyến tuy là giải pháp tình thế song về cơ bản cũng có nhiều thuận lợi. Lý do là máy tính và Internet đã hết sức phổ biến với cả giảng viên và sinh viên trong hoàn cảnh về cơ bản thì ai ai cũng có máy tính xách tay. Và những giảng viên lứa già không chịu thích ứng với CNTT thì cũng không còn hiện diện bởi họ đã nghỉ hưu nhiều năm nay.

Thêm vào đó, mạng Wifi cũng hiện diện khắp nơi trong khuôn viên các trường đại học. Và ngay cả sinh viên có ở nhà thì sự kết nối Internet cũng là việc bình thường. Nói chung, xét về điều kiện vật chất và con người cho chuyển đổi số trong giáo dục đại học là hết sức thuận tiện.

Vì thế, với các bậc thầy thì việc lên lớp trực tuyến cũng không mấy khó khăn. Còn với sinh viên thì khác với học sinh phổ thông là về cơ bản đã chủ động hơn cùng ý thức học tập cũng rõ ràng hơn. Trong năm học 2020 - 2021, nhiều sinh viên cho biết là họ không quá bất ngờ trước việc chuyển sang học trực tuyến. Đây được coi là phương án tối ưu, vừa giảm thiểu khả năng lây lan của dịch bệnh, đồng thời giúp các bạn sinh viên hoàn thành chương trình học đúng hạn. Và khác với học trực tiếp, học trực tuyến còn có ưu điểm là có thể tour lại bài giảng sau khi kết thúc để lĩnh hội cho kỹ hơn các kiến thức của thầy.

Tuy nhiên, mọi việc cũng không thể hoàn toàn như mong muốn vì khi đã học trực tuyến thì sinh viên phải rất có ý thức học hành nghiêm túc. Không chỉ có vậy, mọi việc còn phụ thuộc vào chất lượng của đường truyền Internet. Thêm vào đó, sự tương tác giữa thầy và trò không thể như trực tiếp. Vì thế, đã có những sinh viên cho biết, nếu so sánh việc học trực tuyến với trực tiếp, thì khả năng tiếp thu bài giảng giảm khoảng 30%. Học trực tuyến đòi hỏi sinh viên phải chủ động và chịu khó. Còn ai thụ động, thiếu tự giác thì cảm thấy học không 'vào' và dễ bị nản.  

Phải coi chuyển đổi số như một hệ sinh thái đào tạo hiện đại

Ngay cả với các giờ học trực tiếp thì cách thức giảng dạy của không ít thầy cô đã có nhiều thay đổi từ những năm trước. Thay vì viết bảng toàn phần thì không ít bài giảng đã được điện tử hoá với hình ảnh đồ hoạ sinh động để trình chiếu trong giờ học. Vì thế, khi chuyển sang giảng dạy trực tuyến thì xu hướng này lại càng là đòi hỏi nhiều hơn. Chính vì thế, chính các bậc thầy càng phải chủ động xây dựng bài giảng điện tử để giờ học trực tuyến của họ thực sự có hiệu quả hơn thay vì chỉ “diễn” trước camera.

Theo PGS.TS. Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, đại dịch Covid-19 đã phá vỡ mô hình lớp học truyền thống. Tất cả mọi hoạt động đào tạo đều phải đưa lên mạng. Thực hiện chuyển đổi số là để duy trì tính liên tục và thích ứng của hoạt động đào tạo. Và ông cho rằng, khả năng thành công của chuyển đổi số trong giáo dục đại học cần có hạ tầng số, bao gồm hạ tầng logic và hạ tầng vật lý (dữ liệu, mạng lưới kết nối, băng thông mạnh, phương thức sư phạm hiện đại, nghiên cứu khoa học, trải nghiệm người học và quan trọng hơn hết là các công cụ và nền tảng hỗ trợ triển khai). Những hạ tầng kỹ thuật phải đủ ổn định và tin cậy để vận hành được các yêu cầu, tính năng của giáo dục đào tạo thế hệ mới. Vì vậy, thực hiện chuyển đổi số cần có chính sách cụ thể, rõ ràng.

Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia, có 3 tác nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở một trường đại học là ngân sách nhà nước ngày càng giảm; kỳ vọng ngày càng cao của người học; công nghệ ngày càng phát triển. Cùng với đó là 3 thành phần cơ bản của quá trình chuyển đổi số gồm: con người, chiến lược, công nghệ. Từ đó, 4 hiệu quả được kỳ vọng khi thực hiện chuyển đổi số là nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao hiệu quả nghiên cứu, xuất hiện những phương thức/mô hình đào tạo mới và gia tăng nguồn lực tài chính. Do đó, nếu chỉ coi chuyển đổi số đơn thuần là giảng dạy từ xa thông qua webcam là chưa đủ, mà cần phải coi chuyển đổi số như một hệ sinh thái đào tạo hiện đại với nhiều thách thức mới, cơ hội mới. 

Qua đó, có thể thấy công nghệ và trang thiết bị chỉ là một phần trong những thành tố để chuyển đổi số trong giáo dục đại học. Quan trọng nhất trong chuyển đổi số với giáo dục đại học vẫn là con người. Theo TS. Đỗ Hồng Cường, Chủ tịch Hội đồng trường của Đại học Thủ đô Hà Nội, vấn đề là việc mở rộng môi trường học tập cổ điển theo trường lớp ra môi trường rộng lớn hơn với tập hợp các hệ thống lý luận, phương pháp học tập, triển khai học tập nhờ sự kết nối với Internet. Đặc điểm mô hình này là công tác giáo dục tương tác chủ yếu trực tuyến thông qua công nghệ mạng, công nghệ đa phương tiện và kỹ thuật truyền thông. Cấu trúc hệ sinh thái giáo dục thông minh của nhà trường gồm 5 yếu tố: Hệ thống chủ thể giáo dục (bao gồm toàn bộ nhân sự tham gia vào quá trình giáo dục); Hệ thống nội dung giáo dục (chương trình đào tạo, tham khảo, liên hệ...); Hệ thống công nghệ giáo dục; Hệ thống bối cảnh giáo dục; Văn hóa, chiến lược giáo dục.

Nói như vậy, một nền giáo dục thông minh đương nhiên là không thể thiếu yếu tố sư phạm thông minh. Tuy nhiên, đây lại là thực tế mà chưa chắc các trường sư phạm có thể đi trước để các trường bạn có mô hình học tập theo. Do đó, như thế nào là một nền sư phạm thông minh hiện vẫn là thực tế mà các trường muốn chuyển mình trong bối cảnh mà Covid-19 là tác nhân bắt buộc đành phải tự khám phá và có chăng là học tập mô hình này từ các nước có trình độ phát triển hơn Việt Nam.

Đức Hoàng