Kỳ thi Olympic VNU lần 2 thu hút gần 800 thí sinh tham dự

14:50, 09/01/2023

Trong 2 ngày 07 và 08/01/2023, tại Hà Nội đã diễn ra kỳ thi Olympic bậc THPT của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) lần thứ 2 năm học 2022-2023.

Kỳ thi Olympic VNU lần 2 thu hút gần 800 thí sinh tham dự.

Đợt thi này, gần 800 thí sinh của các đội tuyển học sinh giỏi do các trường trung học phổ thông (THPT) trên toàn quốc thành lập đã tham dự kỳ thi Olympic của ĐHQGHN (Olympic VNU) năm học 2022-2023. So với đợt 1 năm 2021-2022 là 54 trường tham dự, năm nay số lượng trường tham gia thi lên tới 81 trường, điều đó cho thấy sức thu hút về chất lượng của kỳ thi Olympic VNU tổ chức.

Năm nay, Ban Chỉ đạo Kỳ thi đã có nhiều thay đổi trong cách thức tổ chức thi. Các Trường THPT trong cả nước cử đội tuyển dự thi. Trường THPT của ĐHQGHN cử không quá 30 thành viên/1 đội tuyển đối với mỗi môn thi. Các đội tuyển của các trường THPT chuyên không quá 10 thành viên/1 đội tuyển với mỗi môn thi, còn các trường THPT khác, cử không quá 2 thành viên/1 đội tuyển đối với mỗi môn thi. Mỗi đội tuyển thi Khoa học kỹ thuật có không quá 2 thành viên, mỗi trường THPT có không quá 2 đội tuyển.

ĐHQGHN giao cho Trường ĐH Ngoại ngữ chủ trì thi các môn thi ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc. Trường ĐH Giáo dục phối hợp với Trường Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tổ chức thi môn Địa lý và Bài thi Khoa học Kỹ thuật. Các môn Ngữ văn, Lịch sử do Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn chủ trì, phối hợp với trường Trường ĐH Giáo dục tổ chức thi.

Theo đó, môn Ngoại ngữ gồm 02 bài thi: Trắc nghiệm (thí sinh làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm với 60 câu hỏi trong vòng 45 phút) và Nói (mỗi thí sinh độc thoại với giám khảo theo chủ đề được nhận trong thời gian 8 phút).

Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn gồm 2 câu hỏi (Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học) dạng tự luận với thời gian làm bài 180 phút.

Môn Lịch sử gồm 6 câu hỏi dạng tự luận, bao gồm các kiến thức lịch sử Việt Nam (4 câu) và lịch sử thế giới (2 câu) với thời gian làm bài 180 phút.

Môn Địa lý gồm 7 câu hỏi dạng tự luận trải đều ba mảng kiến thức: Địa lý đại cương (tự nhiên, kinh tế - xã hội), Địa lý tự nhiên Việt Nam, Địa lý kinh tế - xã hội Việt Nam.

Ban Tổ chức đã công bố thang điểm cho mỗi môn thi. Theo đó, mỗi môn thi Ngoại ngữ được tính theo thang điểm 100, trong đó, phần thi trắc nghiệm 60 điểm và phần thi nói 40 điểm. Các môn thi Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý tính thang điểm 20.

Trước ngày 08/3/2023, các Hội đồng thi sẽ công bố kết quả thi cho các thí sinh.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng Ban chỉ đạo đánh giá, kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy định và hướng dẫn của ĐHQGHN. Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành, ra đề, coi thi, chấm thi, lên điểm thi, giám sát, thanh tra đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Công tác an ninh, y tế, hậu cần, cơ sở vật chất được thực hiện chu đáo, nghiêm túc. Về công tác đề thi, ĐHQGHN đã thành lập Hội đồng soạn thảo đề thi với sự tham gia của Ban Đào tạo và một số thành viên ngoài đơn vị tổ chức đào tạo để đảm bảo tính khách quan.

Theo Quyết định số 4412/QĐ-ĐHQGHN ngày 31/12/2021 về cơ chế đặc thù trong tuyển sinh và đào tạo liên thông bậc THPT và bậc đại học tại ĐHQGHN, học sinh đoạt giải trong kỳ thi trên và đã tốt nghiệp THPT được xét tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển vào các trường đại học thành viên, trường và khoa trực thuộc của ĐHQGHN. Học sinh đoạt giải trong các năm học ở bậc THPT nhưng chưa tốt nghiệp được bảo lưu kết quả đến hết năm lớp 12.

PV