Làm gì để hạn chế bị hacker tấn công?

08:06, 11/10/2021

Nhiều nền tảng online dùng họp mặt, hội thảo, dạy học đang bị các hacker tấn công, phá rối với những hình thức rất bất an cho người dùng từ việc dùng hình ảnh, thông tin thô tục đến bán dữ liệu và phá hoại, gây rối…

Các chuyên gia an ninh mạng chỉ cách bảo mật hoặc hạn chế bị tấn công vì trong tương lai, lượng người dùng các nền tảng này rất lớn.

Hầu hết các hoạt động hội họp, sinh hoạt, dạy học hiện nay đều sử dụng các nền tảng online. Nở rộ lên có nhiều nền tảng như Zoom, Google Meet hay Microsoft Teams… nhưng nhiều nơi người dùng bị tấn công.

Trao đổi với chúng tôi, chị P, giáo viên dạy tiếng Anh khá nổi tiếng ở một tỉnh miền Bắc, cho biết vừa qua, đang là khách mời, thuyết trình nội dung cho hàng ngàn giáo viên trên cả nước về chủ đề giáo dục thì bỗng nhiên xuất hiện những âm thanh, lời nói thô tục, chửi thề từ nick của một thành viên trong lớp. Nhiều người hoảng hốt không hiểu từ đâu nhưng người chủ trì không biết phải làm sao, đành phải tắt toàn bộ máy để thoát ra.

Chị Ngọc Thanh, nhà ở quận 2, là lãnh đạo một doanh nghiệp, tham gia một buổi chia sẻ ý nghĩa trong thời đại dịch covid-19, cho biết do cuối tuần, thấy buổi chia sẻ cũng ý nghĩa, thú vị nên rủ con gái tham gia, vì lúc đó gia đình có người thân mất vì Covid 19. Đang nghe rất cảm xúc thì xuất hiện đoạn phim 18+ với âm thanh, hình ảnh rất rõ khiến chị và con gái hoảng hốt, ban tổ chức bất ngờ nên phải mấy phút sau mới xử lý thoát ra.

Làm gì để hạn chế bị hacker tấn công khi đang học, hội họp qua các nền tảng online?

Theo anh Ngô Minh Hiếu - Chuyên viên an toàn thông tin đến từ Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), gần đây, nhiều đối tượng lập nhóm, chuyên "đột nhập" các nền tảng mà nhiều người đang sử dụng, nhất là trong đại dịch Covid-19 với ý đồ xấu. Các đối tượng này thường chia sẻ link, đường dẫn qua các nền tảng: Zoom, Google Meet hay Microsoft Teams… để thả video, link với lời lẽ thô tục, nhằm làm xáo trộn, quấy rối, gián đoạn các nhóm học, hội họp… Đặc biệt, có những thông tin quan trọng từ các cuộc họp mà họ muốn "ăn cắp" thì sẽ đột nhập vào dễ dàng. Không những vậy, những nhóm này còn tổ chức mua bán dữ liệu quan trọng của các trường học mà rủi ro không thể lường được.

Chuyên gia Ngô Minh Hiếu cho biết điều nguy hiểm hơn là các đối tượng xấu chia sẻ thông tin, gửi link không độc hại để thu hút học sinh, đồng thời lấy cắp thông tin, tuồng ra ngoài và bán dữ liệu trong trường.

"Để hạn chế tối đa việc bị tấn công, phá rối, người dùng nên sử dung các nền tảng được bảo mật cao. Còn với các nền tảng hay dùng như Zoom, Goole Meet & Miscrosoft Teams thì nên thực hiện cài đặt, chỉ dành quyền cho người quản trị. Ví vụ, sau khi đặt mật khẩu, cho người tham gia vào phòng chờ, và có người quản lý duyệt, người chủ trì nên thực hiện mặc định các chế độ là chỉ người chủ trì được tự động bật video, bật âm thanh, chia sẻ màn hình… và khi nào cho phép thì sẽ mở ra theo từng nick… Quan trọng là khi thấy đủ người thì nên khóa cuộc họp lại để không cho người lạ vào" - Chuyên gia Ngô Minh Hiếu cho biết.

PV (T/h)