Lực lượng QLTT sẽ kiểm tra hoạt động mua bán SIM kích hoạt sẵn

08:29, 23/09/2020

Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT- Bộ Công Thương) đã yêu cầu lực lượng QLTT các địa phương hỗ trợ kiểm tra hoạt động mua, bán SIM trên thị trường theo đề nghị của Cục Viễn thông (Bộ TT-TT).

Tổng cục QLTT vừa yêu cầu lực lượng QLTT các địa phương kiểm tra, kiểm soát hoạt động mua bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao di động đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước;

Kiểm tra việc mua, bán, cung cấp SIM thuê bao di động cho các cá nhân, tổ chức tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không được các doanh nghiệp viễn thông ủy quyền;

Tổng cục QLTT yêu cầu QLTT các địa phương báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý (nếu có) về Tổng cục QLTT qua Cục Nghiệp vụ QLTT để Cục tổng hợp, báo cáo.

Trước đó, Cục Viễn thông đã có công văn số 3505/VT-HTKN gửi Tổng cục QLTT về việc hỗ trợ thanh tra, kiểm tra hoạt động mua bán SIM trên thị trường, nhằm ngăn chặn tình trạng SIM rác, SIM kích hoạt sẵn trên thị trường hiện nay.

Năm 2019, mặc dù tình trạng SIM rác đã giảm, song qua thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng vẫn phát hiện có tổ chức, cá nhân đứng tên cho hàng nghìn thuê bao. Lực lượng chức năng đã xử phạt các nhà mạng để tồn tại tình trạng này.

Theo quy định của pháp luật về quản lý thuê bao di động, các hành vi "bán SIM thuê bao di động khi không được doanh nghiệp viễn thông di động kí hợp đồng uỷ quyền", "bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước",... bị pháp luật nghiêm cấm và sẽ bị xử phạt hành chính khi vi phạm.

Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 49 (Khoản 1 Điều 2), hành vi sử dụng giấy tờ của người khác (kể cả được cho mượn) hay chuyển SIM mình đăng ký cho người khác sử dụng mà không giao kết lại hợp đồng thì chịu xử phạt vi phạm hành chính đến 500.000 đồng.

Trong trường hợp nếu đối tượng đó sử dụng SIM này cho các hành vi phạm pháp (tương tự như việc cho mượn ô tô, xe máy) thì chắc chắn người đang có thông tin thuê bao của SIM sẽ có trách nhiệm cần giải trình, chứng minh sự vô can của mình khi được cơ quan chứng năng yêu cầu, thậm chí phải chịu trách nhiệm liên đới về hình sự nếu các hành vi vi phạm này gây hậu quả nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 30 Nghị định 174 được sửa đổi, bổ sung tại Điều 2 Nghị định 49/2017NĐ-CP các cửa hàng, các điểm bán SIM sẽ bị phạt từ 30 đến 40 triệu đồng nếu vi phạm một trong các hành vi: Bán SIM thuê bao di động khi không được doanh nghiệp viễn thông di động ký hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước.

Để bảo đảm quyền lợi của chính bản thân, khách hàng nên tự kiểm tra lại thông tin thuê bao (nhắn tin theo cú pháp TTTB tới số 1414 hoặc tra trên trang thông tin của doanh nghiệp) và thực hiện cập nhật lại thông tin thuê bao, giao kết lại hợp đồng theo đúng quy định.

Minh Thùy (T/h)