Lưu lượng sử dụng Internet tăng gấp 3 lần trong tháng 3 vừa qua

Minh Phương 11:12, 02/04/2020

Tại các khu vực cách ly tập trung, lưu lượng sử dụng Internet trong tháng 3 tăng đột biến tới 90% so với tháng 2, tập trung chủ yếu vào lưu lượng từ các ứng dụng hội nghị, làm việc trực tuyến...

Tại các khu vực cách ly tập trung, lưu lượng sử dụng Internet trong tháng 3 tăng đột biến tới 90% so với tháng Hai, tập trung chủ yếu vào lưu lượng từ các ứng dụng hội nghị, làm việc trực tuyến...

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động sử dụng mạng Internet như hội nghị trực tuyến, giao dịch trực tuyến, gọi điện online, dạy và học trực tuyến, giải trí… đều gia tăng. Tại Việt Nam, lưu lượng sử dụng Internet tăng gấp 3 lần trong tháng 3/2020.

Hiện Việt Nam đang thực hiện cách ly xã hội, giảm tiếp xúc trực tiếp, rất nhiều người lao động đã chuyển sang làm việc trực tuyến, làm việc từ xa, học sinh, sinh viên học tập tại nhà… khiến nhu cầu Internet tăng cao hơn nữa.

Tại các khu vực cách ly tập trung, lưu lượng sử dụng Internet trong tháng 3 tăng đột biến tới 90% so với tháng Hai, tập trung chủ yếu vào lưu lượng từ các ứng dụng hội nghị, làm việc trực tuyến...

Để đảm bảo các hoạt động trên nền tảng sử dụng Internet diễn ra thông suốt, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn thông, các nhà mạng viễn thông và các công ty công nghệ thông tin tại Việt Nam đã và đang triển khai nhiều biện pháp tích cực.

Gia tăng các hoạt động sử dụng lưu lượng Internet

Ông Trần Duy Hải, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, tại Việt Nam, các doanh nghiệp viễn thông luôn chuẩn bị các phương án, giải pháp trong trường hợp thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh. Đây là thời điểm mà các đơn vị viễn thông thường hoạt động hết công suất để hỗ trợ tối đa hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trong tình hình ứng phó với dịch COVID-19, các doanh nghiệp viễn thông đã tích cực, chủ động tham gia thực hiện tốt nhiều giải pháp hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.

Hệ thống giao ban trực tuyến tại 23 đầu cầu từ Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đến các bệnh viện đã được Tập đoàn Công nghiệp, Viễn thông Quân đội Viettel triển khai thực hiện. Đến nay, các điểm cầu này vẫn hoạt động thông suốt, đảm bảo thông tin về dịch bệnh được phổ biến liên tục. Các nhà mạng viễn thông đã liên tục tổ chức các đợt nhắn tin tuyên truyền với hơn 13 tỷ tin nhắn gửi đến các thuê bao di động, cập nhật thông báo, thông tin mới nhất về dịch bệnh đến từng người dân.

Đường dây nóng y tế với 2 số điện thoại 1900 9095 và 1900 3228 được thiết lập và miễn phí cước gọi để phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Tổng đài này đã tiếp nhận và giải đáp hơn 300.000 cuộc gọi với tỷ lệ kết nối thành công hơn 99%.

Các nhà mạng cũng tham gia phát động chương trình nhắn tin “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19" qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400 để cộng đồng xã hội chung tay ủng hộ nguồn lực phòng, chống dịch.

Minh Phương (TH)