Mất hàng trăm triệu đồng vì làm cộng tác viên bán hàng online

16:47, 17/02/2022

Mặc dù chiêu lừa đảo tuyển cộng tác viên bán hàng online đã được nhiều lần cảnh báo, nhưng thời gian gần đây, chiêu bài này lại bắt đầu nở rộ trở lại.

Những quảng cáo đăng tuyển công tác viên làm việc online với mức lương hấp dẫn.

Thủ đoạn của các đối tượng đó là mạo danh nhân viên của sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… rồi đăng tải thông tin quảng cáo. Sau khi trao đổi, các đối tượng yêu cầu cộng tác viên phải thanh toán đơn hàng trước. Sau đó, sẽ nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu.

Mỗi lượt mua hàng thành công sẽ được hưởng hoa hồng từ 10 - 20% số tiền gốc của mỗi đơn hàng, tiền sẽ được chuyển khoản ngược về sau 5 - 10 phút khi đặt hàng thành công (bao gồm cả tiền gốc và hoa hồng).

Ban đầu, để tạo lòng tin, các đối tượng sẽ cung cấp đường link trên hệ thống Shopee, Lazada, Tiki… của một sản phẩm khoảng 1-2 triệu đồng và tài khoản ngân hàng cá nhân do đối tượng cung cấp để nạn nhân chuyển khoản với số tiền tương ứng với giá trị trên hệ thống. Ngay sau đó những kẻ lừa đảo sẽ chuyển khoản ngược lại cho nạn nhân như đã thỏa thuận.

Khi nạn nhân "cắn câu" chuyển số tiền đến vài chục triệu thì những kẻ lừa đảo không chuyển khoản ngược lại nữa và đưa ra nhiều lý do khác nhau như: Nhiệm vụ hoàn thành được 95/100 điểm tín nhiệm, cần tiếp tục chuyển tiền để hoàn thành 100 điểm và nhiều người tiếp tục chuyển tiền và bị lừa số tiền đến vài trăm triệu đồng.

Mới đây, Công an phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội nhận được đơn trình báo của chị H. (SN 2001; trú tại Gia Lâm). Theo đó, chị H. tìm việc làm online trên mạng xã hội và có kết bạn Zalo với một người. Sau đó, chị được hướng dẫn làm cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử.

Đối tượng này yêu cầu chị H. làm nhiệm vụ thanh toán các đơn hàng để được hưởng tiền hoa hồng. Với mồi nhử hấp dẫn là với mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng chênh lệch 10 đến 20%. Chỉ trong thời gian ngắn, chị H. đã thanh toán 10 đơn hàng với tổng số tiền là hơn 230 triệu đồng. Tuy nhiên, chị đã không nhận lại được tiền gốc và phần chiết khấu. Biết mình bị lừa, chị H. đã đến cơ quan công an trình báo sự việc.

Tại Quảng Nam cũng có nhiều nạn nhân sập bẫy với thủ đoạn nêu trên như trường hợp chị Đ.T.T.H (22 tuổi, trú tại xã Sơn Giang, huyện Sơn Hà) bị lừa gần 100 triệu đồng hay trường hợp chị T.H.C (37 tuổi, trú tại xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) bị lừa gần 150 triệu đồng.

Công an khuyến cáo người dân khi đặt mua hàng hoá, làm cộng tác viên kinh doanh online cần tìm hiểu rõ các thông tin về hàng hoá, địa chỉ công ty, doanh nghiệp mình cộng tác để có thông tin chính xác.

Người dân cần nâng cao cảnh giác. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ các trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Theo VTV