Microsoft chuẩn bị sẵn kế hoạch "thế chân" Google tại Australia

10:15, 02/02/2021

Truyền thông Australia ngày 1/2 đưa tin Microsoft có sẵn "Kế hoạch B" nếu Google hiện thực hóa lời đe dọa rời khỏi nước này vì kế hoạch buộc các “gã khổng lồ” kỹ thuật số trả phía nội dung cho các tổ chức tin tức.

Chính phủ Australia đã thiết kế một bộ quy tắc đàm phán truyền thông có thể buộc Facebook và Google phải trả phí cho các nhà xuất bản tin tức địa phương vì đã lưu trữ các tin bài trên nền tảng của họ. Cả hai công ty công nghệ Mỹ đã đe dọa sẽ chặn những dịch vụ quan trọng ở Australia nếu luật mới được thông qua.

Biểu tượng của hãng công nghệ Microsoft.

Giám đốc điều hành (CEO) của Google Australia, Mel Silva, tuần trước đã trả lời trong phiên điều trần trước Quốc hội rằng công ty sẽ rút chức năng Tìm kiếm khỏi gói dịch vụ ở Australia nếu bộ quy tắc trở thành luật.

Ngoài Google, CEO Facebook Mark Zuckerberg cũng đã liên hệ với Chính phủ Australia vào tuần trước để thảo luận về bộ quy tắc và tác động của nó đối với mạng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới này. Trước đó, Facebook từng cảnh báo họ có thể chặn người dùng Australia chia sẻ các tin tức địa phương trên nền tảng của mình.

Tuy nhiên, tờ The Australian ngay sau đó đưa tin CEO Microsoft Satya Nadella cũng đã liên hệ với Thủ tướng Scott Morrison để cho biết công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft có thể mở rộng tại Australia nếu Google thoát khỏi thị trường nước này.

Tờ báo cho biết cuộc nói chuyện đã diễn ra vào tuần trước, với ông Nadella được cho là khẳng định Microsoft đã có sẵn "Kế hoạch B".

Bộ trưởng Ngân khố Australia, ông  Josh Frydenberg, đã xác nhận cuộc gọi trên, đồng thời nói rằng Chính phủ đang thảo luận chi tiết với "những người chơi khác trong ngành công nghệ".

Australia vẫn bảo lưu quyền áp đặt quy tắc mới trên các nền tảng khác. Hiện không rõ liệu dịch vụ MSN của Microsoft, vốn cũng liên kết với các tin tức của địa phương, có bị ảnh hưởng trong tương lai hay không. Microsoft từ chối bình luận về điều này.

Luật mới sẽ yêu cầu Google và Facebook đàm phán các thỏa thuận thương mại với các nhà sản xuất tin tức, hoặc sẽ đối mặt với phán quyết của trọng tài về quy mô khoản thanh toán nếu họ không đồng ý.

Đề xuất này đang được theo dõi chặt chẽ khi các chính phủ khác cũng vật lộn tìm cách kiềm chế sức mạnh ngày càng tăng của các tập đoàn công nghệ. Mặc dù dự luật thu hút được sự ủng hộ rộng rãi từ các phương tiện truyền thông địa phương, Chính phủ Mỹ đã thúc giục Australia từ bỏ kế hoạch trên, trong khi nhà phát minh World Wide Web Tim Berners-Lee đã cảnh báo rằng nó có thể khiến mạng Internet "không hoạt động được".

Thanh Tùng (T/h)