MobiFone sẵn sàng cho cuộc chạy đua Mobile Money

Thùy Chi 06:16, 23/06/2020

MobiFone đã đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng cả về cơ sở hạ tầng và kỹ thuật để chờ ngày được cung cấp dịch vụ Mobile Money. Ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng giám đốc MobiFone cho biết, dự kiến Mobile Money sẽ chiếm khoảng 10% doanh thu của MobiFone giống như các thị trường nước ngoài cho phép cung cấp dịch vụ này.

Tại Nghị quyết 84 ban hành mới đây, Thủ tướng đã đồng ý cấp phép thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Như vậy, sau một thời gian chờ đợi, người dân đã sắp có thể dùng điện thoại di động để thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ mà không cần phải có tài khoản ngân hàng.

Các dịch vụ chính của Mobile Money gồm thanh toán (giao dịch bán lẻ, thanh toán hóa đơn), chuyển tiền, giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản, nộp và rút tiền tại đại lý (của các nhà mạng)…

Thống kê hiện nay, cả nước còn khoảng 50% người dân chưa có tài khoản ngân hàng, do vậy khi dịch Mobile Money chính thức có mặt trên thị trường, người dân sẽ có thêm một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện, thay vì phải trực tiếp đến các cơ sở của ngân hàng thực hiện giao dịch, hoặc trong trường hợp dùng ví điện tử thì buộc phải có tài khoản ngân hàng

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nhiều lần nhấn mạnh, nếu dịch vụ Mobile Money được cấp phép cho các nhà mạng thì vùng phủ dịch vụ thanh toán điển tử sẽ nhanh chóng đến 100% người dân, qua đó sẽ thúc đẩy thương mại điện tử, các sàn giao dịch hàng hóa nông nghiệp, nhất là vùng sâu vùng xa, đồng thời thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, các công ty đổi mới sáng tạo, giúp tăng trưởng kinh tế.

MobiFone cho biết, dự kiến Mobile Money sẽ chiếm khoảng 10% doanh thu của MobiFone

Bộ TT&TT cho biết, chậm nhất trong tháng 6/2020 sẽ triển khai dịch vụ chuyển tiền và thanh toán qua tài khoản di động với các dịch vụ và hàng hóa có mệnh giá nhỏ (Mobile Money). Bộ TT&TT đề nghị các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ đề án và cơ sở vật chất để triển khai nhanh khi có giấy phép cung cấp dịch vụ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định triển khai thí điểm Mobile Money để thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ.

Chia sẻ về cơ hội cho các nhà mạng khi triển khai Mobile Money, ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng giám đốc MobiFone nhận định, nếu như trước đây chỉ có những người có tài khoản ngân hàng mới dùng được ví điện tử thì với dịch vụ Mobile Money những người không có tài khoản ngân hàng vẫn sử dụng được. 

Vì thế, Mobile Money sẽ mở rộng được đối tượng khách hàng tham gia thanh toán điện tử. Khi các nhà mạng triển khai dịch vụ này thì 100% khách hàng sử dụng điện thoại di động đều sử dụng được dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Mobile Money rất tiện lợi cho thanh toán các dịch vụ có giá trị nhỏ như thanh toán tiền điện, tiền nước hay các hàng hóa mệnh giá nhỏ. 

Việc sớm cung cấp dịc vụ Mobile Money không chỉ giúp hàng chục triệu thuê bao của nhà mạng này có cơ hội sư dụng một phương thức thanh toán hoàn toàn mới, cho các giao dịch giá trị nhỏ, đặc biệt là với lớp khách hàng ở nông thôn, vùng sâu vùng xa chưa có tài khoản ngân hàng và tiếp cận các dịch vụ tài chính hiện đại, đồng thời cũng là cơ sở để MobiFone hỗ trợ các hoạt động chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.

MobiFone xác định việc nhanh chóng triển khai cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán Mobile Money là một phần quan trọng trong tổng thể chiến lược của MobiFone nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mở rộng lĩnh vực kinh doanh ngoài viễn thông, phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử, thanh toán, tài chính…”, Đại diện nhà mạng này nhấn mạnh.

Bản thân dịch vụ Mobile Money sẽ đem lại sự an toàn, thuận tiện cho người dân khi trao đổi mua bán với nhau có thể thanh toán dễ dàng, không sợ rơi hay mất tiền. Hiện trong dự thảo cho phép cung cấp dịch vụ Mobile Money khống chế ở mức thanh toán 10 triệu/tháng. 

Ông Bùi Sơn Nam cho rằng, đây cũng là mức hợp lý cho thanh toán, dịch vụ hàng hóa có giá trị nhỏ. MobiFone đã chuẩn bị hạ tầng sẵn sàng cho cung cấp dịch vụ này và đang chờ cấp phép. Sau đó, MobiFone sẽ hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ và tạo thói quen dùng thanh toán trên di động thay cho thanh toán bằng tiền mặt như hiện nay.

Dưới góc nhìn của MobiFone, thị trường cho dịch vụ Mobile Money đang mở ra dư địa rất lớn khi có tới hơn 50% người dân chưa có tài khoản ngân hàng. 

Thậm chí, kể cả những người có tài khoản ngân hàng vẫn có thể sẽ sử dụng Mobile Money vì tính tiện dụng của nó và các dịch vụ hàng hóa có giá trị nhỏ rất nhiều. MobiFone sẽ thiết lập, liên kết nhiều điểm bán hàng hóa dich vụ chấp nhận thanh toán Mobile Money để thúc đẩy dịch vụ này.

Tôi cho rằng có thể tiến đến việc thanh toán các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, truyền hình… không bằng tiền mặt mà phải qua thanh toán điện tử thì sẽ làm bùng nổ dịch vụ Mobile Money. 

Như vậy, bản thân các nhà cung cấp dịch vụ cũng tiết kiệm được chi phí rất nhiều vì không phải thuê nhân công để thu những khoản tiền này, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nếu Chính phủ quyết tâm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thì đây chính là công cụ hữu ích nhất”, ông Nam nói.

Trong tương lai, dự kiến Mobile Money sẽ chiếm tỷ lệ như thế nào trong tổng doanh thu của MobiFone, ông Bùi Sơn Nam cho rằng, ban đầu dịch vụ này không thể tăng trưởng nhanh được nhưng sẽ phát triển tốt hơn khi thị trường làm quen và Chính phủ có chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.  Dự kiến, Mobile Money sẽ chiếm khoảng 10% doanh thu của MobiFone như các thị trường nước ngoài cho phép cung cấp dịch vụ này.

Đại diện MobiFone cho biết, các dịch vụ viễn thông truyền thống như thoại và SMS đang giảm rất nhanh và MobiFone phải đẩy nhanh những dịch vụ nội dung số và thanh toán điện tử để bù đắp. Vì vậy, Mobile Money chính là cơ hội cho các nhà mạng viễn thông tăng doanh thu.

Với những chủ trương trên, dịch vụ Mobile Money được xem là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế không dùng tiền mặt, ngoài ra dịch vụ này cũng được đánh giá là “lực đẩy” để thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, chuyển đổi số.

Thùy Chi (T/h)