Moonka - Nền tảng đầu tư bất động sản bằng blockchain

12:26, 23/09/2021

Thông qua giao thức chuyển đổi bất động sản thành tài sản số (NFT), Moonka đã mở ra cơ hội đầu tư mới vào thị trường bất động sản Việt Nam đầy tiềm năng, giúp nhà đầu tư hạn chế rủi ro khi có thể khi góp vốn mua chung bất động sản.

Xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ đầu năm 2020, câu chuyện đầu tư bất động sản (BĐS) chia nhỏ trên nền tảng công nghệ dần được quan tâm hơn, đặc biệt là việc tận dụng hệ thống blockchain - một trong những nền tảng công nghệ đáng chú ý nhưng cũng gây nhiều tranh cãi hiện nay. 

Một số đơn vị đã cho ra đời ứng dụng mua bán trực tuyến, cho phép nhiều nhà đầu tư có thể cùng kết nối, mua chung một căn hộ, nền đất có giá trị hàng tỷ đồng. Ưu điểm dễ thấy nhất của việc chia nhỏ nhà ra bán khiến cho ai cũng có thể tham gia với số tiền đầu tư rất nhỏ.

Theo chia sẻ của Moonka, công ty tiên phong trong việc đưa bất động sản vào mua bán trên nền tảng blockchain, khi các bất động sản được chủ đất ký gửi, Moonka sẽ đi tìm các nhà đầu tư để mua chung 1 BĐS. 

Ví dụ, một căn nhà có giá 3,1 tỉ đồng sẽ được Moonka chia nhỏ khoảng 1.000 phần, gắn mã số blockchain để chào bán, giá mỗi phần là 3,1 triệu đồng. Khách hàng có thể mua 1 hoặc nhiều phần của BĐS tiền tỉ. Khi mua chung, các nhà đầu tư có thể bán lại "cổ phần" cho nhau nếu muốn chốt lời. Sổ đỏ được Moonka nắm giữ 24/24 tại văn phòng của công ty và các nhà đầu tư có thể xem sổ đỏ miếng đất bất kỳ lúc nào. Khi đồng ý mua, khách hàng sẽ được cấp một tài khoản để quản lý, theo dõi khoản đầu tư của mình.

Theo đại diện Moonka, các BĐS mà Moonka quản lý đều được thẩm định kỹ pháp lý, giá bán. Đây là mô hình cùng đầu tư chung BĐS, chia sẻ tài chính thay vì một người không đủ tiền để mua 1 BĐS. Nếu số lượng nhà đầu tư nắm trên 51% BĐS thống nhất thì có thể bán ra hoặc ít hơn thì sẽ bán phần đầu tư của mình cho người khác...

Hiện nay, hình thức đầu tư BĐS bằng công nghệ blockchain đã phổ biến ở một số nước trên thế giới, thu hút những người có ít tiền nhưng muốn tham gia đầu tư BĐS. Hình thức này có thể xem là giải pháp triển vọng thay thế cho các hình thức đầu tư BĐS truyền thống đã dần lỗi thời.

Kể từ khi ra mắt, Moonka đã gọi vốn thành công hai sản phẩm BĐS là B26 tại Cần Giờ và Rose Secondhome tại Bảo Lộc chỉ trong vòng 60 phút.

Chia sẻ tại sự kiện trực tuyến "Xu hướng mới: Đầu tư BĐS mã hóa" diễn ra mới đây, ông Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị Moonka, cho biết: Moonka là một mô hình ứng dụng blockchain mã hóa tài sản là BĐS, tạo ra token riêng cho bất động sản để chia nhỏ bất động sản thành nhiều phần, tiếp cận các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường bằng hình thức "cùng mua", có các điều khoản đầu tư chặt chẽ dựa trên nền tảng blockchain và hợp đồng thông minh (smart contract). 

Sử dụng smart contract để quy định các điều khoản và điều kiện giải quyết những khó khăn và bất cập trong việc mua chung. Moonka sẽ áp dụng cơ chế vote (bỏ phiếu ý kiến) để thực hiện các lệnh bán – mua hoặc sử dụng quyền của mình hiệu quả nhất.

Moonka: Nền tảng đầu tư bất động sản bằng blockchain - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị Moonka.

Moonka giúp kết nối các chủ dự án BĐS với tất cả nhóm các nhà đầu tư mua chung, mã hóa BĐS bằng công nghệ blockchain. Đơn vị này cung cấp một giao thức mua chung BĐS, đáp ứng nhu cầu đầu tư với số vốn nhỏ, hiệu quả, sinh lời và an toàn nhất.

"Việc triển khai ứng dụng công nghệ blockchain trong ngành BĐS truyền thống sẽ là thách thức rất lớn, tuy nhiên, nền tảng Moonka đã khai phá được cơ hội từ thị trường", ông Phong cho biết.

Moonka: Nền tảng đầu tư bất động sản bằng blockchain - Ảnh 2.

Moonka tập trung vào 2 thành phần cốt lõi. Đối với chủ dự án BĐS, Moonka cung cấp nền tảng, công cụ cho chủ đầu tư phát hành token NFT và phân phối đến nhóm các nhà đầu tư mua chung; cung cấp phương tiện, công cụ truyền thông cho dự án BĐS từ phiên mở bán đến cộng đồng của Moonka, tư vấn, chăm sóc và tương tác với cộng đồng BĐS của mình và nhóm nhà đầu tư trước, trong và sau khi bán BĐS đó.

Đối với các nhà đầu tư, Moonka đại diện làm việc với các chủ dự án để lựa chọn, thẩm tra, đánh giá BĐS xem có đáp ứng các tiêu chí, kỳ vọng của nhóm nhà đầu tư (tiềm năng sinh lời cao, tính thanh khoản...) và đại diện cho nhóm nhà đầu tư thực hiện các vấn đề liên quan về pháp lý BĐS, hoàn tất giao dịch và mua bán theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

Theo ông Huy Nguyễn, CTO và người đồng sáng lập Kardiachain, ở góc độ BĐS truyền thống, đã từng có những ý tưởng phân nhỏ mảnh BĐS và chia đều cho nhiều người được nghiên cứu và thực hiện trước khi blockchain ra đời. Tuy nhiên, các mô hình này thường vận hành không hiệu quả. 

Với hai đặc tính khác biệt, ông Huy Nguyễn cho biết việc ứng dụng công nghệ blockchain vào trường hợp này đã mang lại hiệu quả rất tốt. Đầu tiên là tính minh bạch, các nhà đầu tư có thể nắm rõ tình trạng BĐS (ai là người sở hữu, tính pháp lý...). Thứ hai là nhờ hợp đồng thông minh, nên có tính tự động, khi nhận được yêu cầu mua từ bên thứ 3, Moonka sẽ gửi lời đề nghị cho tất cả những nhà đầu tư đang sở hữu token BĐS đó để tiến hành bỏ phiếu quyết định, nếu trên 51% sẽ quyết định bán.

Theo Moonka, công nghệ blockchain không can thiệp vào tất cả các quy trình mua bán BĐS mà chỉ làm minh bạch khâu xử lý và giám sát các hoạt động thông qua hợp đồng thông minh. Tất cả các sản phẩm BĐS của Moonka là những sản phẩm đã có tính pháp lý rõ ràng minh bạch và đã được cái đội ngũ chuyên gia của Moonka thẩm định một cách chắc chắn để đảm bảo rằng tài sản này luôn thanh khoản được ngay tức khắc (khác với tất cả các mô hình khác là hình thức các sản phẩm hình thành trong tương lai).

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến các giao dịch về BĐS trên cả nước lâm vào trạng thái ngừng trệ, Moonka nổi lên như một hiện tượng về hình thức đầu tư mới mẻ, ít vốn thông qua công nghệ.

Mặc dù được xem là một xu hướng đầu tư phổ biến trên thế giới nhưng tại Việt Nam, hình thức đầu tư BĐS qua blockchain vẫn chưa có hành lang pháp lý để tránh rủi ro cho nhà đầu tư. Do đó, theo các chuyên gia, đối với hoạt động kinh doanh mới như blockchain BĐS, cơ quan chức năng cần có văn bản hướng dẫn và cảnh báo đến nhà đầu tư chứ không đợi đến khi xử lý rủi ro. Nếu chủ sở hữu nền tảng huy động vốn được đặt tại nước ngoài, việc kiểm soát là cần thiết.

PV