Mỹ khó cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo

10:05, 12/10/2021

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với Financial Timess, cựu Giám đốc phần mềm của Lầu Năm Góc Nicolas Chaillan đã đưa ra khẳng định gây sốc: Trung Quốc đã thắng trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) với Mỹ và Mỹ không có cơ hội cạnh tranh với Trung Quốc trong 15-20 năm nữa.

Theo đánh giá của cơ quan tình báo phương Tây, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có khả năng thống trị nhiều công nghệ mới nổi quan trọng, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, sinh học tổng hợp và di truyền trong vòng một thập kỷ tới.

Nicolas Chaillan, cựu giám đốc về phần mềm tại Lầu Năm Góc, cho biết việc không theo kịp đối thủ đang khiến Mỹ đối mặt với rủi ro. Ông Nicolas Chaillan đã từ chức để phản đối sự chuyển đổi công nghệ chậm chạp trong quân đội Mỹ.

“Chúng ta (Mỹ) không có một cơ hội cạnh tranh nào trước Trung Quốc trong vòng 15 hoặc 20 năm nữa. Hiện tại, Trung Quốc vốn dĩ đã vượt qua chúng ta, theo quan điểm của tôi”, ông Chaillan cho tờ Financial Times được biết.

Cựu quan chức này cảnh báo, Trung Quốc đang trên đà thống trị, kiểm soát mọi thứ, từ các bài tường thuật của giới truyền thông đến địa chính trị.

Ông Chaillan cho rằng nguyên nhân Mỹ bị đối thủ bỏ lại phía sau là do sự đổi mới chậm chạp, sự miễn cưỡng của các công ty như Google trong việc hợp tác với nhà nước về AI cũng như các cuộc tranh luận về đạo đức liên quan đến công nghệ này.

Các công ty Trung Quốc có nghĩa vụ làm việc với chính phủ và đang đầu tư mạnh vào AI mà không quan tâm đến vấn đề đạo đức, Chaillan cho biết, đồng thời nhận định, khả năng phòng thủ mạng trong một số cơ quan chính phủ của Mỹ chỉ đang ở “cấp mẫu giáo”.

Ông Chaillan (từ chức từ đầu tháng 9 vừa qua) nói rằng các quan chức quân đội Mỹ nhiều lần bị giao phụ trách những sáng kiến mạng mà họ thiếu kinh nghiệm.

Cựu lãnh đạo tại Lầu Năm Góc này thừa nhận hiện nay Mỹ vẫn đang chi ngân sách cho quốc phòng nhiều gấp ba so với Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông cũng nói việc chi nhiều hơn không quá quan trọng vì chi phí mua sắm của Mỹ lớn hơn, và việc chi tiêu sai lĩnh vực cũng đã xảy ra, theo đó cần những cải tổ lớn tại Lầu Năm Góc để khắc phục vấn đề này.

Trong tháng 7 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng từng nói bộ của ông cần ưu tiên phát triển gấp các công nghệ trí tuệ nhân tạo, việc bổ sung khoản đầu tư ngân sách 1,5 tỉ USD sẽ giúp triển khai AI trong quân đội Mỹ trong 5 năm tới và khoảng 600 dự án liên quan tới công nghệ này cũng đã được thực hiện.

Trong những năm gần đây, để đạt được những bước phát triển trong cuộc đua AI với Mỹ, Bắc Kinh đã đưa ra những chính sách tập trung cao độ và các khoản trợ cấp lớn vào lĩnh vực công nghệ, cùng kế hoạch phát triển nhằm đưa nước này lên vị trí dẫn đầu ngành AI trước năm 2030, trong đó đầu tư hàng tỷ USD cho các startup và cơ sở nghiên cứu và được củng cố bởi các mục tiêu cụ thể, khắt khe.

Các chuyên gia nhận định, Trung Quốc có kế hoạch “đi tắt đón đầu” để thống trị công nghệ của thế kỷ mới, nhằm mang lại quyền lực kinh tế và vị thế dẫn đầu cho Trung Quốc, giống như cách mà cuộc cách mạng công nghiệp lần đầu tiên đã đưa nước Anh lên vị thế cường quốc toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai cho phép Mỹ thay thế Anh giữ vị trí tiên phong.

Một trong những lý do chính khiến Trung Quốc phát triển mạnh về AI là vì nguồn dữ liệu dồi dào mà nước này tạo ra. Đến năm 2030, ước tính có khoảng 8 tỉ thiết bị ở đại lục sẽ được kết nối Internet vạn vật (IoT), một mạng lưới rộng lớn các đối tượng vật lý được kết nối thông qua internet. Những thiết bị được gắn trên ô tô, cơ sở hạ tầng, robot và các phương tiện khác sẽ tạo ra một lượng dữ liệu khổng lồ.

Weilin Zhao, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Itochu, cho biết Trung Quốc cũng coi việc phát triển AI là cách để bù đắp tình trạng thiếu lao động, khi dân số nước này được dự đoán sẽ ngày càng giảm.

Các nghiên cứu của Trung Quốc đã tạo ra kết quả xuất sắc trong nhận dạng và tạo hình ảnh. Việc phát triển AI với khả năng ngôn ngữ và các năng lực tiên tiến khác đòi hỏi nguồn nhân lực và tài chính khổng lồ.

Trung Quốc có một loạt tổ chức học thuật và các công ty để đi đầu trong lĩnh vực AI, bao gồm Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Học viện Khoa học Trung Quốc, Baidu và Xiaomi. Các trường đại học và công ty này đều tham gia vào Học viện Trí tuệ nhân tạo Bắc Kinh. Mặc dù các công ty và trường đại học của Mỹ vẫn mạnh về AI, nhưng không thể phủ nhận về sự vươn lên ngày càng rõ ràng của Trung Quốc. Tại Hội nghị về Hệ thống xử lý thông tin thần kinh năm 2019, một hội nghị quốc tế hàng đầu về AI, các nhà nghiên cứu từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao nhất với 29% số bài thuyết trình, Mỹ theo sau với 20%.

Các nhà nghiên cứu AI của Trung Quốc thường hoạt động tốt hơn ở Mỹ. Tuy nhiên, những năm gần đây chính quyền Bắc Kinh đã nỗ lực để phát triển tài năng ở quê nhà. Đại học Thanh Hoa và Đại học Giao thông Thượng Hải đều được biết đến về những nghiên cứu AI tiên tiến. Ngoài ra, đại lục còn có các trường đại học khác nổi bật về AI như Đại học Chiết Giang, Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân và Đại học Bách khoa Tây Bắc, mỗi trường được báo cáo có khoảng 2.000 nhà nghiên cứu AI với các công trình đã xuất bản.

Theo Nikkei, Trung Quốc đã thông qua “Kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ mới” trong năm 2017, với tham vọng trở thành trung tâm của đổi mới toàn cầu. Các công ty Trung Quốc cũng đang phát triển những công nghệ AI rất phức tạp.

AI được sử dụng trong một loạt ngành công nghiệp, ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh và an ninh của một quốc gia.

Chân Hoàn (T/h)