Năm 2021 đưa Việt Nam vào top 50 nước đứng đầu thế giới về Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu

10:59, 19/01/2021

Năm 2021, Bộ TT&TT trở thành đơn vị đi đầu về chuyển đổi số (CĐS), đồng thời tăng cường, ra đời nhiều nền tảng số "Make in Viet Nam" và triển khai toàn diện chương trình hỗ trợ CĐS cho các doanh nghiệp Việt Nam…

Đó là một trong những nội dung quan trọng được nhấn mạnh trong Chỉ thị số 01/CT-BTTTT về định hướng phát triển ngành TT&TT năm 2021 do Bộ Trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng ký ngày 11/1/2021.

Ngành TT&TT quyết tâm, bứt phá vươn lên

Chỉ thị nêu rõ, năm 2021 có ý nghĩa quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các sự kiện trọng đại của đất nước, năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030)… tất cả hướng đến thực hiện sớm các mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Do đó, để sớm thực hiện các mục tiêu, khát vọng vươn lên vì một Việt Nam hùng cường, điều quan trọng hiện nay, ngoài sức mạnh nội lực Việt Nam không thể thiếu chính là lòng quyết tâm, sự tự tin, chủ động, vươn lên để làm chủ các tiến bộ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Chính vì lẽ đó, cùng mang quyết tâm cao, vươn đến thực hiện tốt, hiệu quả các mục tiêu trên, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành TT&TT với phương châm hành động "Làm gương - Kỷ cương – Trọng tâm – Bứt phá", thực hiện "Việc 05 năm làm trong 01 năm"…

"Năm 2021, là năm ngành TT&TT quyết tâm, trách nhiệm, bứt phá thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh CĐS quốc gia, CĐS toàn diện, hiệu quả trên 06 lĩnh vực quản lý Nhà nước, đặc biệt tiếp tục nâng cao thứ hạng Việt Nam về Bưu chính, Viễn thông, An toàn thông tin, Chính phủ điện tử, CĐS", Chỉ thị nhấn mạnh.

Thúc đẩy triển khai 5G với các thiết bị Make in Viet Nam

Cụ thể, Chỉ thị yêu cầu toàn ngành TT&TT tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 và Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2021; xây dựng Kế hoạch hành động và quyết tâm hoàn thành tốt Kế hoạch đề ra, và các nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị… Để thực hiện được nhiệm vụ này, Chỉ thị nêu ra các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể cho 6 lĩnh vực quản lý của Bộ, cụ thể như sau:

Bưu chính: Chuyển dịch từ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số; giữ vững tốc độ tăng trưởng các dịch vụ bưu chính phục vụ thương mại điện tử; hoàn thiện thể chế, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh…

Viễn thông: Chuyển dịch hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số; thúc đẩy triển khai 5G cùng các thiết bị Make in Viet Nam; thúc đẩy chương trình smartphone giá rẻ Make in Viet Nam; ban hành Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan Nhà nước (IPv6 For Gov) giai đoạn 2021-2025…

Ứng dụng CNTT: Phát triển các nền tảng số để cung cấp dịch vụ theo yêu cầu, ứng dụng công nghệ mới; hướng dẫn các cơ quan Nhà nước xây dựng các giải pháp chi sẻ dữ liệu; hoàn thiện môi trường pháp lý cho Chính phủ số…

An toàn an ninh mạng: Phát triển hệ sinh thái an toàn, an ninh mạng Việt Nam; đến hết năm 2021 đưa Việt Nam thuộc nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu GCI của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU)…

Năm 2021 đưa Việt Nam thuộc top 50 nước đứng đầu thế giới về Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu - Ảnh 2.

Năm 2021, Bộ TT&TT tích cực thúc đẩy, triển khai 5G cùng các thiết bị Make in Viet Nam 

Công nghiệp ICT: Đẩy mạnh các sản phẩm công nghệ Make in Viet Nam; tập trung nguồn lực nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ CNTT, điện tử viễn thông; xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách kiến tạo cho phát triển công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông; phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp (DN) công nghệ số…

Báo chí & truyền thông: Quản lý báo chí phải đi đôi với phát triển báo chí; quản lý các nền tảng xuyên biên giới, nền tảng mạng xã hộ, quảng cáo, kho ứng dụng; 80% tỷ lệ hộ gia đình tiếp cận kênh truyền hình thiết yếu qua môi trường mạng; 92% xã, phường có đài truyền thanh cơ sở (15% đài truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT - viễn thông); hiện đại, phát triển xuất bản, phát hành xuất bản điện tử…

Các cơ quan, tổ chức, DN trong Ngành cần tăng cường, phát động phong trào thi đua

Đơn vị, DN hoạt động trong Ngành: Nỗ lực vượt qua khó khăn từ dịch bệnh Covid-19; nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động, đi đầu thực hiện các quy định của Bộ và triển khai các cam kết hợp tác với các bộ, ban ngành, địa phương…

Cơ quan báo chí, xuất bản: Làm tốt công tác truyền thông, thông tin, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội và khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng…

Hội, hiệp hội, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực TT&TT: Đề cao trách nhiệm xã hội, khẳng định vai trò của mình; chủ động góp ý, phản biện, đề xuất với Bộ TT&TT về các cơ chế, chính sách góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ của toàn ngành.

Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông và hệ thống thông tin cơ sở tại đại phương thông tin tuyên truyền toàn diện, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tham mưu các chính sách, chương trình, dự án phát triển lĩnh vực TT&TT ở các địa phương…

Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, DN căn cứu vào nhiệm vụ tại Chỉ thị, xây dựng chương trình công tác của đơn vị, đồng thời cần xây dựng phát động phong trào thi đua đến cá nhân, tổ chức trực thuộc.

Văn phòng Bộ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, định kỳ hàng quý, 6 tháng/năm để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng. Vụ Kế hoạch tài chính chủ trì xây dựng báo cáo Bộ TT&TT về việc thực hiện Nghị quyêt số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 và Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2021. Chỉ thị cũng ban hành 02 Phụ lục, giao các đơn vị ngành TT&TT thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể.

Theo Ictvietnam