Năm 2022 sẽ cấp phép 5G và hướng tới 70.000 doanh nghiệp công nghệ số

22:32, 17/01/2022

Bộ TT&TT đang đặt ra mục tiêu thách thức là thúc đẩy phát triển 64.000 doanh nghiệp công nghệ số lên con số 70.000 vào năm 2022.

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022 của Vụ Công nghệ Thông tin và Khối các đơn vị viễn thông.

Ngày 14/1/2021, khối các đơn vị viễn thông của Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022. Tại hội nghị này, các đơn vị đã đưa ra các mục tiêu lớn sẽ phải thực hiện trong năm 2022 với mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp số, hạ tầng số, thanh toán số…

Việt Nam đặt mục tiêu 70.000 doanh nghiệp công nghệ số

Theo bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ CNTT, các cụm từ “chuyển đổi số”, "công nghệ số" được nhắc đến rất nhiều trong năm 2021. Cho dù ảnh hưởng bởi Covid, nhưng số lượng và doanh thu của các doanh nghiệp số vẫn tăng. Vụ đã hoàn thiện khung hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số, thúc đẩy phát triển khu CNTT tập trung và phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số chung tay phòng, chống đại dịch Covid-19. Trong năm 2021, Vụ đã xây dựng thông tư hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm được ưu đãi thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu, đồng thời tham mưu Chính phủ thành lập 2 khu CNTT tập trung tại Cần Thơ và tiếp tục thí điểm chuỗi công viên phần mềm Quang Trung.

Bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ CNTT (Bộ TT&TT).

Bên cạnh đó, Vụ cũng đã chủ trì, tổ chức thành công Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp Công nghệ số và Giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam.

Kế hoạch năm 2022, Vụ sẽ tiếp tục hoàn thiện văn bản tạo hành lang pháp lý trong lĩnh vực quản lý đồng thời đưa ra các mục tiêu cụ thể đưa tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT từ 136 tỷ USD năm 2021 lên 148 tỷ USD năm 2022. Bên cạnh đó, sẽ tăng giá trị Make in Vietnam  trong tổng doanh thu trên từ 24,65% lên 26,8% năm 2022. Vụ cũng đưa ra mục tiêu thách thức là thúc đẩy phát triển 64.000 doanh nghiệp công nghệ số lên con số 70.000 vào năm 2022.

Mỗi xã sẽ có 1 trạm phát sóng kiên cố chịu được thiên tai

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Viễn thông, một trong những trọng tâm trong năm 2021, Cục đã nghiên cứu ban hành quyết định về đấu giá chuyển nhượng kho số viễn thông, tên miền Internet, thí điểm cung cấp dịch vụ Mobile Money. Cục cũng đã trình đề án khuyến khích tư nhân đầu tư vào hạ tầng số.

Các nhà mạng đã được mở rộng phạm vi thương mại 5G ra 16 tỉnh thành phố và dịch vụ này có tốc độ vượt trội so với 4G. Cục Viễn thông đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các gói cước, triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phòng chống Covid. Cả 3 nhà mạng lớn đã triển khai Mobile Money và đây là không gian phát triển mới của các nhà mạng đồng thời là cơ sở cho mục tiêu 100% người trưởng thành có tài khoản Mobile Money…Ngoài ra, còn quyết liệt cùng với các nhà mạng để xử lý vấn đề tin nhắn rác, cuộc gọi rác, SIM rác để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Viễn thông.

Trong năm 2022, Cục Viễn thông sẽ đưa ra cách làm mới trong lĩnh vực quản lý, tạo không gian mới. Cục sẽ giám sát việc các doanh nghiệp thực thi sau khi nhận giấy phép, đồng thời thanh tra, kiểm tra trực tuyến việc thực thi các quy định trong lĩnh vực viễn thông và xây dựng bộ tiêu chí cấp phép 5G.

Cục cũng đặt ra mục tiêu đảm bảo mỗi xã có 1 trạm thu phát sóng xây kiên cố, chịu được thiên tai, và có thể cho người dân đến sạc điện thoại khi bão lũ xảy ra để đảm bảo liên lạc được thông suốt.

Hoàn thiện việc đấu giá cấp phép tần số 4G và 5G trong năm 2022

Cục Tần số Vô tuyến điện đã xây dựng thông tư hướng dẫn đấu giá tần số theo thủ tục rút gọn. Trình Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật Tần số vô tuyến điện. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để quy hoạch, cấp phép lại các tần số cho các doanh nghiệp đồng thời cấp phép tần số cho các công nghệ mới. Cục sẽ tập trung hoàn thiện việc đấu giá cấp phép tần số 4G và 5G trong năm 2022..  

Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện.

Liên quan đến việc phóng vệ tinh thay thế Vinasat-1 và Vinasat-2, Cụ trưởng Nguyễn Đức Trung đề nghị lãnh đạo Bộ TT&TT chỉ đạo VNPT xây dựng đề án tiền khả thi song song với quá trình Bộ TT&TT xây dựng báo cáo, đề án chung trình Bộ Chính trị, Chính phủ tới đây.

Với góc độ là đơn vị đặc thù phục vụ cho cơ quan Đảng và Nhà nước, ông Trần Duy Ninh, Cục trưởng Cục Bưu điện Trung ương khẳng định, trong năm 2021, số lần hội nghị truyền hình trực tuyến đến cấp xã của các cơ quan Đảng và Nhà nước tăng mạnh, nhưng Cục vẫn đảm bảo phục vụ tốt.

Trước bản kế hoạch năm 2022 của Cục Bưu điện Trung ương, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo phải hiện đại hóa mạng phục vụ cơ quan Đảng và Nhà nước và phải có tiêu chuẩn riêng bởi khi đất nước có tình huống mạng chuyên dùng này sẽ phát huy đảm bảo kết nối an toàn cho các cơ quan trên.

Bộ trưởng nhấn mạnh, mạng chuyển đổi số quốc gia, hạ tầng truyền dẫn băng thông rộng cho chính phủ số đến cấp xã phải đi trước. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của Cục Bưu điện Trung ương trong năm 2022.

Ông Trần Duy Ninh, Cục trưởng Cục Bưu điện Trung ương.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) thông tin đơn vị này đã đảm bảo máy chủ tên miền quốc gia hoạt động tốt. Bên cạnh đó, còn thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng tên miền .vn để thúc đẩy thương mại điện tử và thúc đẩy chuyển đổi sang IPv6. Để thực hiện chuyển đổi sang IPv6 hiệu quả, VNNIC đã thí điểm mô hình mẫu và cử cán bộ xuống cùng các địa phương này triển khai.

VNNIC đã ra mắt ứng dụng đo tốc độ Internet trên thiết bị di động (ứng dụng i-Speed) hỗ trợ người dân chủ động đo và tự đánh giá tốc độ truy cập Internet đang sử dụng một cách trung thực, chính xác. Việc phát triển ứng dụng i-Speed và công bố thống kê tốc độ truy cập Internet sẽ góp phần hoàn thiện Internet Việt Nam, thúc đẩy tính cạnh tranh và nâng cao chất lượng dịch vụ Internet của các doanh nghiệp.

Một trong những trọng tâm của VNNIC trong năm 2021 là phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các website lừa đảo, cờ bạc để làm “sạch” không gian mạng, bảo vệ người dùng Internet, đồng thời xây dựng cộng đồng Internet có ý thức về phát triển Internet.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam.

VNNIC cũng đưa ra mục tiêu phát triển được 3 triệu tên miền .vn, đưa Internet trở thành hạ tầng của nền kinh tế của Việt Nam.

Trước bản kế hoạch này của VNPT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu ứng dụng i-Speed của VNNIC phải nhanh chóng hoàn thiện các dữ liệu và phép đo để đạt mức chính xác cao nhất, thậm chí phải cao hơn cả những ứng dụng ngoại hiện nay như Speedtest. Không có lý gì, công cụ đo chất lượng Internet tại Việt Nam lại có thể có độ chính xác chưa cáo bằng ứng dụng ngoại.

VNNIC hứa sẽ nhanh chóng hoàn thiện ứng dụng có độ chính xác cao. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức rất lớn đối với đơn vị phải chạy đua với các ứng dụng xuyên biên giới.   

Khối viễn thông đã đóng góp nhiều cho đất nước

Dưới góc độ là đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT, đại tá Vũ Hữu Hạnh, Phó Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc (Bộ Quốc phòng) cho biết, trong năm qua, Bộ Tư lệnh đã phối hợp với các đơn vị của Bộ TT&TT giải quyết can nhiễu tần số tại các sân bay quân sự. Hai bên cũng đã phối hợp tốt với nhau trong các lĩnh vực liên quan.

Đại tá Vũ Hữu Hạnh, Phó Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc.

Còn ông Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Tin học, Văn phòng Chính phủ thì khẳng định, trong năm qua Cục Bưu điện Trung ương, VNPT và Viettel đã đã phối hợp với Trung tâm tốt, đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống của Văn phòng Chính phủ với sự phối hợp tốt của Cục Bưu điện Trung ương, VNPT và Viettel.

Ông Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Tin học, Văn phòng Chính phủ.

“Chúng tôi đã phục vụ hơn 200 cuộc truyền hình trong nước, nhiều cuộc họp kết nối đến 4 cấp, trong một thời gian triển khai gấp.  Để làm được như vậy đã có sự phối hợp rất tốt của VNPT và Viettel. Tôi nhớ khi phối hợp triển khai dịch vụ truyền hình phục vụ chỉ đạo vụ sân bay Long Thành nhưng khi đó Cụm cảng Hàng không có người nhiễm F0, nên chỉ có thể ngồi họp tại chỗ. Ngay sau đó, VNPT đã triển khai nhanh cuộc họp trực tuyến này tại nhiều điểm cầu để cuộc họp thông suốt”, ông Nguyễn Hồng Hà nói.

Đại diện cho các doanh nghiệp viễn thông, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel khằng định, các cơ quan của Bộ TT&TT đã đóng góp cùng các doanh nghiệp viễn thông tham gia vào chiến dịch phòng chống Covid với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, các đơn vị này cũng hỗ trợ tốt các doanh nghiệp thực hiện các chương trình an sinh xã hội như gói cước, cho những người cách ly xã hội và chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

“Năm 2021 thực sự là năm có nhiều cảm xúc đối với chúng tôi. Cục Tần số cũng giúp doanh nghiệp cấp tạm tần số cho những vùng có dung lượng tăng đột biến để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Cục Bưu điện hỗ trợ VNPT và Viettel chỉ trong hơn 3 ngày kết nối cầu truyền hình đến 100% xã. Đến 31/12, anh em vẫn kết nối phủ sóng điện thoại đến tận xã. Chúng tôi đã phối hợp phủ sóng 4G, chống SIM rác với các đơn vị của các đơn vị của bộ. Nếu không có nỗ lực hỗ trợ thì bản thân các doanh nghiệp cũng không thực hiện thần tốc được” ông Tào Đức Thắng nói.

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel.

Đại diện cho các doanh nghiệp CNTT, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC đưa ra vấn đề hiện nước ngoài đang chiếm 80% thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam. Trong khi đó, nền tảng này được coi là hạ tầng số quan trọng để phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tuy nhiên, CMC lại đang gặp khó khi triển khai các trung tâm dữ liệu vì các địa phương đang đối xử với dự án này như các dự án bất động sản chứ chưa coi đây là công nghệ cao và là động lực cho phát triển kinh tế.

Trước vướng mắc này của CMC, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khằng định, Bộ TT&TT sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp để làm việc với các địa phương tạo điều kiện cho CMC triển khai dự án xây dựng trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khẳng định đây là hạ tầng số là hạ tầng quan trọng của quốc gia. Việt Nam cần xây dựng môi trường điện toán đám mây an toàn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải có chiến lược đầu tư mạnh với quy mô lớn cho trung tâm dữ liệu để phục vụ cho nhu cầu dự báo sẽ tăng mạnh của xã hội.

Đại diện cho các địa phương, ông Hoàng Minh Cường, tân Phó Chủ tịch thành phố Hải Phòng khẳng định, người dân Hải Phòng đang kỳ vọng chuyển đổi số sẽ giúp Hải Phòng có sức phát triển mới. Để làm được điều đó, chính là nhờ cảm hứng của Bộ TT&TT đã tạo ra.Chuyển đối số thực sự lan tỏa đến chính quyền các cấp thậm chí đến tận xã. Chủ đề chuyển đổi số được nói đến khắp nơi tại Hải Phòng. Người dân cũng mong ngóng và kỳ vọng vào chuyển đổi số, nhưng đây cũng là áp lực lớn cho lãnh đạo để đáp ứng được sự mong ngóng đó của người dân.

Ông Hoàng Minh Cường, tân Phó Chủ tịch thành phố Hải Phòng.

Tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã tặng bằng khen của Bộ trưởng cho ông Hoàng Minh Cường vì đã có nhiều đóng góp cho ngành Thông tin truyền thông năm 2021.

Theo vietnamnet.vn