Nga phát triển dụng cụ đo kháng thể đối với virus SARS-CoV-2 tại nhà

16:55, 17/03/2021

Các nhà khoa học Nga đang phát triển thiết bị di động sử dụng tại nhà có thể giúp phát hiện xem người dùng có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 hay không.

Dụng cụ đo kháng thể đối với virus SARS-CoV-2 do Nga chế tạo.

Dự án đang được thực hiện tại Trung tâm NTI "Khoa học vật liệu kỹ thuật số: Vật liệu và chất mới" và Trung tâm kỹ thuật liên ngành "Composite Nga" mang tên N.E. Bauman.

Thiết bị sẽ bao gồm một dụng cụ đo cảm biến sinh học và một cụm thiết bị gắn vào điện thoại thông minh để xử lý thông tin nhận được. Hệ thống dự kiến sẽ "đọc ra" các kháng thể IgM và IgG, ngoài ra còn có thể phân biệt chúng với nhau.

Nguyên tắc hoạt động của thiết bị là ghi nhận sự thay đổi độ dẫn điện (thay đổi điện trở) khi dụng cụ đo cảm biến sinh học tiếp xúc với các protein mang dấu ấn (marker protein) của bệnh, ông Vladimir Nelyub, Giám đốc Trung tâm NTI cho biết. Cụ thể trong trường hợp này là tiếp xúc với các kháng thể mà cơ thể sản sinh ra khi nhiễm SARS-CoV-2.

Ông Ivan Komarov, kỹ sư đầu ngành của Trung tâm kỹ thuật liên ngành “Composites Nga” giải thích: “Chúng tôi sử dụng aptamer làm vật liệu cảm biến sinh học. Đây là những đoạn DNA hoặc RNA ngắn, được tổng hợp nhân tạo, tương tác cụ thể với các marker bệnh. Aptamer được cấy vào một con chip được bao phủ một lớp graphene oxit đã khử tĩnh điện. Khi chúng liên kết với các marker bệnh, trong trường hợp này là các kháng thể, chúng thu nhận thêm hoặc mất đi một điện tử (electron). Điều này làm thay đổi điện trở của lớp dẫn điện. Dòng điện đi qua nó tăng hay giảm đều được thiết bị ghi lại”.

Khi sử dụng, thiết bị sẽ tương tự như máy đo đường huyết. Chỉ lần lấy một giọt máu (ví dụ bằng cách châm ngón tay) đưa vào "ô cửa sổ" riêng của thiết bị. Sau 2-3 phút, màn hình sẽ hiển thị kết quả cho biết cơ thể có kháng thể chóng virus SARS-CoV-2 trong máu hay không và mức độ của chúng là bao nhiêu.

Theo Sputnik