Ngầm hóa mạng cáp nội đô ở TP HCM: "Khó mấy cũng phải làm sớm và hiệu quả"

00:00, 07/12/2009

Kể từ khi lĩnh vực Viễn thông - CNTT của Việt Nam trở thành thị trường màu mỡ với ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ cùng khai thác, cạnh tranh thì một trong những hệ lụy của nó là mạng “rác trời” ngày càng phức tạp. Ai cũng thấy được và ít nhiều bức xúc với bất cập này, nhưng để cải thiện được nó cũng không phải là việc “một sớm một chiều”.
 
Những ngày này, VNPT Tp.HCM đang khẩn trương ngầm hoá mạng cáp trên các tuyến đường, nhưng với một cách làm mới: Đoàn Thanh niên là lực lượng chủ công, cùng phối hợp với tuổi trẻ của các sở ngành Thành phố để giải quyết công việc được nhanh chóng hơn.

 

Bức xúc vấn nạn "rác trời"

Thực trạng mạng cáp treo điện, điện thoại, internet và truyền hình tại các đô thị, đặc biệt là Hà Nội và Tp.HCM đã trở nên quá tải. Dây cáp của hàng chục doanh nghiệp xen nhau tầng tầng, lớp lớp, chồng chéo tạo ra một không gian hỗn độn, vừa mất mỹ quan vừa gây bất an cho người dân mỗi ngày. Trong các chương trình, hoạt động tiến tới kỷ niệm “Ngàn năm Thăng Long” của Hà Nội hay là “Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị” của Tp.HCM, vấn đề rỡ bỏ “rác trời” và ngầm hóa mạng thông tin trở thành một yêu cầu bức thiết.

Ngay đầu năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương ngầm hoá mạng cáp điện, điện thoại, internet... khu vực đô thị. Và Bộ TTTT cũng đã làm việc với lãnh đạo 2 thành phố Hà Nội và Tp.HCM để thí điểm thực hiện mô hình “Thành phố không dây”, văn minh sạch đẹp.

Giải được bài toá khó này có rất nhiều việc cần phải làm. Thứ nhất, khối lượng công việc quá lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hạ tầng và mỹ quan đô thị. Thứ hai, liên quan đến nhiều doanh nghiệp nên việc cử ra người chịu trách nhiệm đầu tư, thực hiện cũng thấy... gợn. Nhà nước sẽ đứng ra thực hiện hay doanh nghiệp đầu tư? Trong khi đó, vấn đề xin cấp phép cho đào đường, đặt cáp vẫn luôn là khâu việc khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp.

 Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở TTTT Tp.HCM chia sẻ: Sở và Thành phố cũng biết được khó khăn của các doanh nghiệp trong việc triển khai các tuyến cáp ngầm; khó khăn vướng mắc lớn nhất trong thực hiện chủ trương ngầm hoá là vấn đề cấp phép xây dựng; nhưng nguyên do là bởi tình trạng “nay doanh nghiệp này xin cấp phép đào đường, mai lại có doanh nghiệp khác muốn đào đường”. Không những thế, trong quá trình thi công, chủ đầu tư còn phải giải quyết rất nhiều thứ như: an dân dọc tuyến cáp; tháo gỡ những vướng mắc khi đi gần hoặc giao cắt với công trình ngầm khác; đảm bảo an toàn và lưu thoát giao thông... Với muôn vàn khó khăn như thế nên việc này đòi hỏi phải có sự đồng thuận từ nhiều phía, và phải có lộ trình nhất định.

 

Quyết liệt hành động vì một "thành phố không dây"

Để có được một hạ tầng ngầm chung do Nhà nước đầu tư như nêu trên, và đó là mô hình lý tưởng, thì cần phải có thời gian. Thế nhưng thực tế thị trường phát triển từng ngày, khách hàng liên tục có nhu cầu và vì thế doanh nghiệp phải phục vụ và đáp ứng. Làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn này? Trong khi các doanh nghiệp vừa phải đầu tư xây dựng mạng cáp mới, lại vừa phải sớm ngầm hóa mạng cáp trước bức xúc với “rác trời” ngày càng lớn trong xã hội.

Như người ta thường nói “Cái khó ló cái khôn”, quả thực điều này rất đúng với việc thực hiện ngầm hóa tuyến cáp điện thoại và điện lực dọc đường Lê Thánh Tôn, Q1 của VNPT Tp.HCM. Bưu điện Tp.HCM trước đây cũng đã từng thành công khi giao cho Đoàn thanh niên đảm nhiệm nhiều công trình thi công cáp ngầm vào những năm 2001-2003, nhưng cũng đã ghi nhận rất nhiều khó khăn khách quan về thủ tục, mối quan hệ làm việc giữa các sở ngành như đã nêu. Song với cách làm mới như hiện nay đang cho hiệu quả trông thấy, mô hình đó là: công trình do Thành Đoàn Tp.HCM chủ trì; tham gia công trình là lực lượng đoàn viên thuộc các sở ngành và doanh nghiệp viễn thông, điện lực của Thành phố.

Nhờ đó, nhiều vướng mắc đã được tháo gỡ: Thành Đoàn là người trực tiếp xin chủ trương của lãnh đạo thành phố, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở ban ngành liên quan tạo mọi điều kiện về cơ chế pháp lý, thủ tục hành chính, cấp phép... cho công trình; chỉ đạo các cơ sở Đoàn trực thuộc phối hợp cùng Đoàn khối BCVT tổ chức thực hiện hiệu quả công trình; đồng thời còn trực tiếp xử lý những vướng mắc có liên quan trong quá trình thi công.

Theo thỏa thuận, VNPT Tp.HCM là chủ đầu tư công trình cải tạo, ngầm hóa toàn bộ hệ thống cáp thông tin dọc tuyến đường Lê Thánh Tôn, Q1; chịu trách nhiệm chính về quy trình thủ tục đầu tư, thiết kế công trình, phương án kỹ thuật thi công và nguồn kinh phí thực hiện. Tương tự như thế, Điện lực Tp.HCM là chủ đầu tư cho dự án ngầm hóa hệ thống cáp điện dọc tuyến đường. Đó là những trách nhiệm thuần túy về chuyên ngành đối với mọi công trình mà trong trường hợp này là với 2 đơn vị hạ ngầm cáp. Còn những trọng trách khác, cả có tên và không tên đã được Thành Đoàn giải quyết. Quả là “nhất cử, lưỡng tiện”. Với bất cứ công trình nào, cơ chế được như thế quả là “nhẹ” trách nhiệm đối với chủ đầu tư, mà quan trọng là vẫn được việc và tiến độ được đảm bảo.

Công trình cải tạo, ngầm hóa mạng cáp thông tin và cáp điện trên tuyến đường Lê Thánh Tôn hiện đang trong giai đoạn thi công, dự kiến sẽ hoàn thành vào những tháng cuối năm 2009. Có mặt tại công trình vào những ngày này mới thấy hết những khó khăn của các đơn vị trong triển khai công việc: buộc phải làm ngoài giờ hành chính (từ tối đến sáng sớm hôm sau); nhiều mảng vỉa hè trước mặt các tòa nhà, khách sạn lớn là cả khối bê tông dày đến 60cm (được thiết kế để giảm chấn và chống lún cho tòa nhà) là thách thức vô cùng khó cho thi công, buộc phải điều xe xích máy khoan to mũi 25cm, chứ khoan tay búa đụng vào là cháy máy vì chịu không nổi...

Gặp lãnh đạo các đơn vị trong những đêm đi kiểm tra giám sát thi công, thăm hỏi và động viên anh em như vậy mới thấy quyết tâm của các bên trong thực hiện chủ trương ngầm hóa mạng cáp này. Những vướng mắc phát sinh đều được các bên bàn thảo và tìm cách gỡ ngay tại công trình. “Dù khó khăn mấy cũng phải nghĩ ra cách làm sớm và hiệu quả, bộ mặt của thành phố hiện đại và năng động nhất cả nước không thể để dây rợ giăng tùm lum còn hơn cả tổ quạ như thế này mãi được” - ông Võ Hòa Bình, Phó Giám đốc VNPT Tp.HCM Bình chia sẻ. Và với cách làm mới là đưa Đoàn thanh niên của các bên ra “đứng đầu trận tuyến” giải quyết các khó khăn như hiện nay, hy vọng rằng nhiều bãi “rác trời” ở các trung tâm đô thị khác cũng sẽ sớm bị xóa bỏ./.

                                         Chí Bằng - Đăng Hưng

TIN LIÊN QUAN