Ngân hàng Việt tiết lộ tác dụng bất ngờ của thanh toán không tiền mặt: Nắm được dòng tiền, ngân hàng mạnh tay cấp vốn hơn

15:26, 06/11/2020

Khi thanh toán không tiền mặt, dòng tiền chạy qua tài khoản của doanh nghiệp ngân hàng nhìn thấy rất rõ, từ đó có cơ sở để cho vay khi cần, đại diện VPBank cho biết.

Một đơn hàng thành công không phải là khi khách hàng đặt hàng thành công, mà là khi khách hàng rút tiền trả cho bạn, bà Lê Thị Diễm Phương, Trưởng Phòng Cao Cấp Phòng Thẻ Doanh Nghiệp và Phát triển Giải pháp thanh toán - Khối SME - Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), nhìn nhận.

Chia sẻ tại Diễn đàn Tiếp thị Trực tuyến 2020 (VOMF) mới đây, bà Phương dẫn số liệu cho biết các doanh nghiệp toàn cầu đã vuột mất 236 tỷ USD - là số tiền khách hàng muốn mua nhưng đã không chốt đơn hàng thành công.

Bà Phương cho rằng, nhu cầu của khách hàng khi mua hàng trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) là đơn giản, nhanh chóng, và đa phương thức thanh toán.

Liên quan đến câu chuyện thanh toán trong TMĐT, đại diện VPBank cho biết việc thanh toán qua tài khoản ngân hàng (không dùng tiền mặt) là cơ sở để ngân hàng mạnh dạn cấp vốn hơn cho doanh nghiệp.

"Mong các anh chị khi bán hàng, cố gắng nhận thanh toán không dùng tiền mặt".


"Việc này không chỉ đơn thuần là chúng ta tuân thủ theo khuyến nghị cũng như chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, mà khi nhận thanh toán không dùng tiền mặt, dòng tiền ấy về ngân hàng thấy rất rõ. Và khi ngân hàng thấy được dòng tiền về thì rất mạnh dạn để cho vay. VPbank là một trong những ngân hàng cho vay tín chấp dựa trên dòng tiền như vậy", bà Phương nói.

Về khó khăn khi tiếp cận vốn của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, bà Phương cho biết từ góc độ ngân hàng, bà khẳng định nhiệm vụ đầu tiên của ngân hàng là cung cấp vốn cho thị trường, cho doanh nghiệp hoạt động.

"Để làm được việc đó, ngân hàng phải tìm hiểu được mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp như thế nào. Hiện một số doanh nghiệp muốn "lên digital", VPBank căn cứ vào mục đích sử dụng vốn và có chương trình dành nguyên cho một tập khách hàng chứ không chỉ tập trung cho tập khách hàng lẻ".

"Ví dụ với chương trình khách hàng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của Amazon Web Services (AWS), VPBank cấp một hạn mức tín chấp với thẻ tín dụng 100 triệu đồng với thấu chi 200 triệu. Doanh nghiệp sử dụng tiền đó trả cho Amazon hoặc các công ty partners của AWS thì được VPBank cấp tín chấp. Khi dùng thẻ tín dụng đó thanh toán cho AWS thì VPBank hoàn tiền 3,3% và không giới hạn trần", bà Phương nói.

Đại diện VPBank đưa lời khuyên: Làm rõ được mục đích sử dụng vốn và đi theo một tập khách hàng, các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng rất dễ dàng với giá hợp lý.

Theo Cafebiz