Nghi án hối lộ dự án ODA Đường sắt: Yêu cầu JTC cung cấp danh sách

09:33, 27/03/2014

Theo diễn tiến của việc điều tra nghi án hối lộ khoảng 16,4 tỷ đồng để được nhận thầu dự án thiết kế xây dựng tuyến đường sắt nội đô Ngọc Hồi - Yên Viên đã đến hồi gay cấn: Yêu cầu phía đối tác JTC cung cấp danh sách những cá nhân đã nhận tiền.

Động thái mới từ Bộ GTVT và Chính phủ

Chiều 25/3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có buổi làm việc Ðại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam. Về các nguồn vốn ODA, Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần cam kết và trên thực tế luôn nỗ lực sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn ODA của Nhật Bản.

Liên quan nghi vấn Công ty JTC đưa hối lộ cho công chức Việt Nam để được nhận thầu dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các bộ, ngành và cơ quan chức năng của Việt Nam chủ động xác minh làm rõ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng phía Nhật Bản để thu thập hồ sơ tài liệu về vụ việc này. Việt Nam kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam vụ việc nghi vấn đưa hối lộ của JTC cho quan chức Việt Nam nếu điều tra được là đúng.  

Phó Thủ tướng đề nghị phía Nhật Bản cung cấp thông tin để cùng Việt Nam điều tra làm sáng tỏ vụ việc, đồng thời đề nghị hai bên cần hoàn thiện cơ chế để các dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam được triển khai hiệu quả.

Cũng trong chiều 25/3, Chánh Thanh tra Bộ GTVT Nguyễn Văn Huyện đã ký quyết định thanh tra đột xuất công tác tổ chức, quản lý, thực hiện dự án xây dựng đường sắt nội đô Hà Nội (tuyến số 1) và một số dự án do Tổng công ty ÐSVN làm chủ đầu tư, có sự tham gia tư vấn của Công ty JTC; đồng thời tiến hành thanh tra công tác tổ chức, quản lý và thực hiện các tiểu dự án: Xây dựng đường sắt đoạn Hạ Long - Cái Lân, Lim - Phả Lại, Phả Lại - Hạ Long do Cục ÐSVN làm chủ đầu tư.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng.

Ðoàn thanh tra của Bộ GTVT có 10 thành viên, do Phó Chánh Thanh tra Bộ Lê Văn Doãn làm Trưởng đoàn. Nội dung thanh tra sẽ tập trung vào quá trình chuẩn bị đầu tư, khảo sát, dự toán, tổng dự toán, bao gồm cả nội dung được phê duyệt ban đầu và những thay đổi bổ sung trong quá trình thực hiện, các nguyên nhân thay đổi, bổ sung phát sinh. Ðặc biệt, đoàn thanh tra sẽ rà soát lại công tác đấu thầu, chỉ định thầu, từ điều kiện của các nhà thầu, quá trình đấu thầu, hợp đồng kinh tế... Bên cạnh đó, đoàn thanh tra cũng sẽ kiểm tra chất lượng công trình, công tác bảo đảm giao thông, tiến độ dự án, công tác quản lý vốn v.v.

Cùng với quyết định thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Nguyễn Văn Huyện cho biết, ngày 26/3 (hôm nay), Bộ GTVT sẽ ra quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt, nhằm xác minh thông tin về nghi vấn nhận hối lộ của cán bộ ngành đường sắt. Tổ công tác do Chánh Thanh tra Bộ làm Tổ trưởng, cùng với ba cán bộ ngành công an biệt phái sang Bộ GTVT và đại diện của bốn vụ thuộc Bộ. Cũng liên quan vụ việc, chiều 25/3, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty ÐSVN Trần Ngọc Thành cho biết, Tổng công ty tiếp tục rà soát quy trình quản lý các dự án đường sắt, kết quả toàn bộ các quy trình đều tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không phát hiện sai sót.

Theo yêu cầu của Bộ trưởng GTVT, tối 25/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Ðông đã sang Nhật Bản, trực tiếp làm việc với các cơ quan liên quan phía Nhật Bản để làm rõ thông tin nghi vấn Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (Japan Transportation Consultants - JTC) đã đưa hối lộ khoảng 16,4 tỷ đồng cho các quan chức Việt.

Mục tiêu chủ yếu của chuyến công tác này là có được danh sách các cán bộ đã nhận tiền của nhà thầu Nhật Bản. Theo Chánh Thanh tra Bộ, nếu có bất cứ thông tin gì từ các cơ quan của Nhật Bản và Công ty JTC, tổ công tác sẽ nhanh chóng tiến hành xác minh, làm rõ.

Đại sứ quán Nhật Bản đã nói gì ?

Trước đó, vào chiều 24/3, liên quan nghi án nhận hối lộ 16,4 tỷ đồng, Đại sứ quán Nhật Bản đã chủ động sang Bộ GTVT trao đổi vụ việc. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, người đại diện Bộ GTVT được giao làm việc về vấn đề này trong khoảng 30 phút.

Sau buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã có cuộc trao đổi với các báo. Khi được hỏi về việc phía Nhật Bản đã biết đích danh quan chức nào nhận tiền, ông Đông cho biết, họ chỉ chia sẻ thông tin với Bộ GTVT về những việc họ đã làm, như giải ngân vốn. “Phía Nhật Bản chưa thông tin về danh tính người nhận hối lộ. Họ chỉ nói sẽ cung cấp kịp thời cho Việt Nam khi có thông tin. Hai bên cùng thống nhất sẽ hợp tác trao đổi thông tin với nhau”, ông Đông nói.

Đại diện Đại sứ quán Nhật Bản đánh giá cao sự vào cuộc nhanh chóng của Bộ GTVT Việt Nam khi nghe được tin này. “Và họ cũng xác định, nếu thông tin này là đúng thì đây là vụ việc nghiêm trọng và cần xử lý gấp. Tuy nhiên, họ cũng nói luôn là chưa nhận được gì hơn, ngoài thông tin báo chí nêu”, ông Đông nói.

JTC có 14 dự án lớn tại Việt Nam

Công ty JTC được thành lập năm 1958 - khi công việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Tokaido Shinkansen của Nhật ở giai đoạn đầu, và là một trong những nhà thầu công trình đường sắt có tiếng tại Nhật Bản. Đến những năm 1990, công ty bắt đầu nhận thầu các công trình ở nước ngoài. JTC có hoạt động đầu tư tại 11 quốc gia, trong đó nhiều nhất là Việt Nam và Indonesia. Kể từ năm 2000, doanh nghiệp này đã tham gia gần 20 dự án có vay vốn ODA với tổng trị giá khoảng 25 tỷ yen Nhật.

Việt Nam là quốc gia trải dài nên đường sắt là một trong những lựa chọn trong bài toán giao thông.

JTC có mặt tại Việt Nam từ năm 1993 và tính đến nay, họ đã tham gia nhiều dự án có nguồn vốn ODA từ Nhật Bản, trong đó có hơn một chục dự án liên quan đến đường sắt. Khách hàng của JTC tại Việt Nam chủ yếu là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và một số đơn vị khác.

Ngoài các dự án trên, JTC còn tham gia nhiều liên danh tư vấn khác trong một số dự án có vốn ODA Nhật Bản như tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu...

Trên website của mình, JTC cho biết Bộ GTVT và Tổng công ty ĐSVN là một trong những khách hàng lớn của công ty. Ngoài các dự án tại Việt Nam, Công ty tư vấn JTC còn có mặt ở hơn chục quốc gia và vùng lãnh thổ khác, bao gồm Indonesia, Uzbekistan, Thái Lan, Sri Lanka, Ảrập Xêút, Philippines, Đài Loan, Bolivia, Ukraine, Romania...

"Từ nay trở đi, chúng tôi sẽ cân nhắc nhiều cách khác để có thể làm việc mà không cần đến những khoản thanh toán như thế này", một quan chức của JTC đã nói với tờ Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) sau khi vụ việc được phanh phui. Tuy nhiên, vị này vẫn tỏ ra băn khoăn về các khoản tiền “lại quả” mà công ty này đã chi cho quan chức nước ngoài: "Chúng tôi cũng không biết thực sự những khoản tiền này sẽ được trả cho ai", ông này nói.

Thanh Trà (tổng hợp)