NGHỊCH LÝ Ở LIENVIETPOST BANK

Hữu Ích 14:36, 24/03/2020

Dù lợi nhuận của NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tăng trưởng ấn tượng, nhưng chất lượng tài sản của ngân hàng này có dấu hiệu suy giảm, nợ xấu tăng cao cùng với đó cổ phiếu cũng có dấu hiệu rớt thảm tới mức “đội sổ” trong số 18 cổ phiếu ngân hàng đang được niêm yết.

Nợ xấu tăng "phi mã"

Theo Báo cáo tài chính quý IV/2019, của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank; LPB) vừa công bố có thể thấy lợi nhuận cả năm 2019 của ngân hàng này khá tích cực khi lợi nhuận trước thuế đạt trên 2.000 tỷ đồng, tăng 68% so với năm trước đó.

Nếu xét trong vòng 3 năm trở lại đây, tăng trưởng lợi nhuận bình quân chỉ đạt 22,6%/năm, chủ yếu do năm 2018 ghi nhận mức sụt giảm trên 31%. Kết thúc năm 2019, lợi nhuận thuần của ngân hàng LienVietPostBank đạt 2.477 tỷ đồng, tăng 17,7% so với năm 2018.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính cũng khiến giới đầu tư nghi ngại khi ghi nhận khoản nợ xấu tăng mạnh. Cụ thể, trong 3 nhóm nợ xấu, chỉ có nợ xấu ở nhóm nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) giảm nhẹ so với thời điểm cuối năm 2018, còn lại hai nhóm nợ xấu nhất là nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) đều tăng rất mạnh vào thời điểm cuối năm 2019.

Trong đó nợ xấu ở nhóm nợ nghi ngờ tăng từ 233,6 tỷ đồng lên 324, tỷ đồng và nợ xấu ở nhóm nợ có khả năng mất vốn thậm chí còn tăng từ 945,1 tỷ đồng lên 1.426 tỷ đồng, tương đương mức tăng tới 50,9% chỉ sau một năm.

Nếu so với tổng nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2018 là hơn 1.680 tỷ đồng, con số nợ xấu (gồm nợ các nhóm 3, 4 và 5) cuối năm 2019 của LienVietPostBank là trên 2.030 tỷ đồng, tương đương mức tăng tới 20,8%.

Trong khi đó nếu so với dư nợ tín dụng cuối năm 2018 là 119.193tỷ đồng, dư nợ tín dụng cuối năm 2019 của ngân hàng này chỉ đạt mức tăng 17,8% và đạt 140.522 tỷ đồng.

Hơn nữa, trong năm qua, ngân hàng còn phải xử lý khối nợ xấu dưới dạng trái phiếu VAMC (nợ xấu đã bán sang cho Công ty VAMC và trích lập dự phòng rủi ro) với tổng mệnh giá trái phiếu hơn 1.175 tỉ đồng. LienvietPostBank đã phải trích từ lợi nhuận kinh doanh để trích lập dự phòng hơn 637 tỉ đồng trong năm 2018 cho trái phiếu VAMC. Và năm 2019, ngân hàng trích lập tiếp 175 tỉ đồng dự phòng trái phiếu này...

Nhờ Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội, việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tiến trình xử lý nợ xấu của các TCTD, VAMC vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, trong đó nổi cộm nhất là vướng mắc liên quan đến công tác triển khai, hướng dẫn từ các Bộ, ngành và địa phương.

Thậm chí tại một số địa phương, các cấp chính quyền và cơ quan hữu quan trên địa bàn chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ trong việc triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14, xem đây là lĩnh vực riêng của ngành Ngân hàng.

Bên cạnh đó là những khó khăn liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu như thu giữ, bán đấu giá, thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản và nộp thuế khi chuyển nhượng tài sản bảo đảm...

Nhìn từ LienVietPostBank và các ngân hàng nhỏ khác, các chuyên gia cho rằng, nợ xấu tăng chủ yếu do các ngân hàng này đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng của các hộ gia đình và cá nhân.

Dù các ngân hàng này đã tích cực trích lập dự phòng và xóa các khoản nợ xấu cũ, nhưng các khoản nợ xấu mới đang hình thành, khiến cho tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng.

Cổ phiếu "đội sổ" ngành ngân hàng

Cổ phiếu LienVietPostBank lên sàn tháng 10/2017 với mã LPB, giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên là 14.200 đồng. LPB cũng chưa bao giờ là cổ phiếu mạnh trong nhóm ngành ngân hàng.

Trong phiên chào sàn, LBP dừng ở mức thấp 14.200 đồng/CP. Sau đó, LPB nhanh chóng hạ nhiệt. Dù vậy, LPB cũng có chuỗi ngày dài giao dịch cao hơn mệnh giá và quanh quẩn ở mức 11.000 đồng/CP.

Tuy nhiên, gần đây, cổ phiếu này luôn giao dịch dưới mệnh giá, thanh khoản cũng không cao. Được biết, tình trạng rớt “thảm hại” này của LienVietPostBank đã bắt đầu từ 7/2018. Không chỉ chìm ngập dưới mệnh giá, cổ phiếu LPB còn khiến cổ đông đau lòng khi dò đáy sâu nhất trong lịch sử niêm yết và khó thấy "cơ" phục hồi. Mở phiên giao dịch ngày 24/3/2020, cổ phiếu của LienVietPostBank giao dịch quanh mức 6.100 đồng/cp. Với mức giá này, vốn hóa thị trường của LPB hiện chỉ khoảng hơn 6 ngàn tỷ đồng.

Các chuyên gia của chứng khoán VNDIRECT trong phân tích mới đây cũng cho rằng, cổ phiếu LPB giảm sức hấp dẫn do: hoạt động công bố thông tin chưa hiệu quả và mức độ cam kết của ban lãnh đạo đối với việc thực hiện chiến lược chưa cao.

VNINDECT dẫn ví dụ, dù có kế hoạch chuyển sàn từ UPCOM sang HOSE trong một khoảng thời gian nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển. Kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành quyền mua với tỉ lệ 26,69% không thành công và chỉ thu về một nửa số tiền dự kiến huy động.

 “Ngoài ra, quyết định trả cổ tức bằng cổ phiếu 10% cho năm 2018 sau nhiều năm trả cổ tức tiền mặt đã làm giảm sức hấp dẫn của cổ phiếu” – VNDIRECT nhận định.

Sự sụt giảm thê thảm này chắc hẳn sẽ khiến Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) – cổ đông lớn nhất của LienvietPostBank với 10,15% cổ phiếu nắm giữ - ảnh hưởng nặng nề nhất.

VietnamPost và LienvietPostBank đã có “cuộc hôn nhân” lâu dài với nhau. Vào tháng 7/2011, VietnamPost góp vốn lần đầu vào LienvietPostBank 360 tỷ đồng, bằng giá trị của Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện. Tới tháng 12/2011, LienvietPostBank phát hành 45 triệu cổ phần phổ thông cho VietnamPost, tương đương với 450 tỷ đồng tiền mặt. Tới nay, số cổ phần LienvietPostBank thuộc sở hữu của VietnamPost là hơn 90 triệu cổ phiếu, tương ứng 10,15% vốn.

Mục đích của “cuộc hôn nhân” này là LienvietPostBank sẽ tận dụng hệ thống bưu cục rộng khắp trên cả nước để trở thành ngân hàng có hệ thống giao dịch lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, kế hoạch chưa gặt hái được thành công đáng kể nào.

Không chỉ đứng cuối về giá giao dịch trong danh sách 18 cổ phiếu ngân hàng đang được niêm yết, cổ phiếu của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, mã LPB) còn bị mất giá nhiều nhất, lên tới 16,3% trong năm 2019.

Đa số cổ phiếu LPB được VietnamPost mua lại ở mệnh giá (10.000 đồng/CP). Như vậy, sau nhiều năm rót tiền vào LienvietPostBank, VietnamPost đã thua lỗ 21% (tương ứng giá trị 189 tỷ đồng).

Ở diễn biến khác, Tại cuộc họp Hội đồng Quản trị (HĐQT) định kỳ tháng 12/2019, HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank; mã CK: LPB) đã thông qua đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Đình Thắng theo nguyện vọng cá nhân. Đồng thời HĐQT thống nhất bầu ông Huỳnh Ngọc Huy - Thành viên HĐQT giữ chức danh Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ III (2018 – 2023) kể từ ngày 30/12/2019.

PV T/H