Nhật Bản sẽ xả lượng lớn nước thải nhiễm phóng xạ ở Fukushima ra biển

21:18, 13/04/2021

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga nói rằng xả nước ra biển là “lựa chọn thực tế nhất” và không thể tránh khỏi để tiến tới dừng hoạt động của nhà máy Fukushima trong vài thập kỷ tới.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga Ảnh: Kyodo News.

Ngày 13/4, chính phủ Nhật Bản cho biết, nước này lên kế hoạch thải hơn 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển Thái Bình Dương.

Quyết định này đã được dự báo từ lâu nhưng bị trì hoãn vì quan ngại an toàn và sự phản đối của người dân. Nhưng các bộ trưởng trong nội các Nhật cho rằng đây là lựa chọn tốt nhất.

Lượng nước đó được tích luỹ trong các thùng chứa ở nhà máy Fukushima Daiichi từ năm 2011, khi một trận động đất và sóng thần khủng khiếp khiến các lò phản ứng hư hỏng, nước làm mát bị nhiễm phóng xạ và rò rỉ ra ngoài.

Đơn vị vận hành nhà máy là Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) nói rằng các bể chứa nước phóng xạ sẽ đầy vào cuối năm sau.

Thủ tướng Yoshihide Suga nói rằng xả nước ra biển là “lựa chọn thực tế nhất” và không thể tránh khỏi để tiến tới dừng hoạt động của nhà máy Fukushima trong vài thập kỷ tới.

Trong một tuyên bố sau khi các bộ trưởng chính thức ra quyết định, Nhật Bản cho biết: "Trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quy định đã được thiết lập, chúng tôi lựa chọn việc giải phóng nước ra đại dương".

Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) và các quan chức chính phủ nói rằng chất phóng xạ tritium không gây hại nếu chỉ có nồng độ thấp, nhưng không thể tách khỏi nước.

Tuy nhiên, có thể giảm hàm lượng các chất phóng xạ khác trong nước xuống mức có thể xả ra môi trường. Một số nhà khoa học nói rằng vẫn chưa thể biết hết tác động lâu dài của những chất phóng xạ đó đối với đời sống của các sinh vật biển.

Theo kế hoạch cơ bản mà các bộ trưởng Nhật thông qua, TEPCO sẽ bắt đầu xả nước ra biển trong 2 năm, sau khi xây dựng một cơ sở theo tiêu chuẩn an toàn của cơ quan quản lý. TEPCO nói rằng không thể trì hoãn thêm việc xả nước nhiễm phóng xạ ra biển và cần cải thiện môi trường xung quanh nhà máy để người dân có thể sống an toàn.

TEPCO cho biết sức chứa 1,37 triệu tấn nước thải sẽ đạt ngưỡng tối đa vào mùa thu năm sau. Những thùng chứa xung quanh cũng cần được giải phóng để xây dựng các cơ sở mới để loại bỏ rác nhiên liệu tan chảy từ các lò phản ứng. Công việc này dự kiến sẽ bắt đầu trong những năm tới.

Nhà máy Fukushima.

Trước đó, tháng 2/2020, ủy ban của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản kết luận rằng, việc xả nước đã qua xử lý ra biển và làm bay hơi nước đều là phương án thực tế.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã ủng hộ động thái này. Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi nói rằng, đây là biện pháp đúng đắn về mặt khoa học và phù hợp với thông lệ tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp hạt nhân trên thế giới.

Theo kế hoạch của chính phủ Nhật Bản, tritium sẽ được pha loãng thành 1.500 becquerel mỗi lít, 1/40 nồng độ cho phép theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản và 1/7 trong hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới đối với nước uống.

Thủ tướng Suga cho biết, IAEA và các bên thứ ba khác sẽ tham gia vào kế hoạch, đảm bảo việc xả nước thải đã qua xử lý ở Fukushima ra biển được thực hiện một cách minh bạch.

Báo cáo của chính phủ Nhật nói rằng nước này sẽ tuân thủ các quy tắc quốc tế về xả thải và sẽ bảo đảm công bố dữ liệu và minh bạch để cộng đồng quốc tế thấu hiểu. Chính phủ Nhật khẳng định sẽ làm hết sức để hỗ trợ ngành đánh bắt hải sản địa phương.

Mai Ngọc (t/h)