"Nhiều doanh nghiệp vẫn coi chuyển đổi số là bỏ tiền ra mua công nghệ"

16:23, 12/01/2022

Theo đại diện Bộ KH&ĐT, quá trình CĐS trong doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, một trong số đó là thay đổi tập quán kinh doanh và tư duy của doanh nghiệp.

Cơ hội luôn gắn liền với thách thức

Phát biểu tại Hội thảo “Chuyển đổi số (CĐS) và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022”, bà Bùi Thu Thuỷ, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT cho biết: “Xu hướng CĐS trong doanh nghiệp là xu hướng không thể “cưỡng” lại, đặc biệt trong giai đoạn Covid diễn ra phức tạp như thời gian vừa qua”.

Kinh tế vĩ mô - 'Nhiều doanh nghiệp vẫn coi chuyển đổi số là bỏ tiền ra mua công nghệ'

Bà Bùi Thu Thuỷ, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT.

Theo đại diện Bộ KH&ĐT, vẫn còn nhiều hạn chế cho quá trình này. Bà lấy ví dụ, về tỉ lệ giao dịch kỹ thuật số so với các nước trong khu vực như Indonesia hay Thái Lan, vẫn còn ở mức thấp. Hơn nữa, tỉ lệ thanh toán online vẫn chưa đạt được mức cao như kỳ vọng, hiện tại chỉ ở mức 10% so với 49% ở Indonesia hay 52% ở Malaysia.

Bên cạnh đó, vẫn còn những khó khăn về thay đổi tập quán kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc CĐS chỉ là bỏ tiền ra mua công nghệ, nhưng thực tế không phải vậy. Bà cho rằng đây sẽ là khâu cuối cùng, khi doanh nghiệp đã chuẩn hoá quy trình, có đội ngũ công, sẵn sàng mọi phương án.

Chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách ứng dụng công nghệ như big data, internet vạn vật, điện toán đám mây, khai thác dữ liệu từ quá trình số hoá.

Hay về khung pháp lý, như vấn đề Fintech, cũng đã trải qua rất nhiều cuộc họp, mới đang có sự dần hoàn thiện.

Từ góc nhìn chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho biết, theo nghiên cứu trong vòng 5 năm qua về khung khổ pháp lý cho kinh tế số, kinh doanh số đã có những quyết định đầy nỗ lực từ Chính phủ như QĐ 749 (6/2020) của Thủ tướng về CĐS quốc gia đến năm 2030; đề án về thanh toán phi tiền mặt…

Ông cho biết thêm, hiện tại Quốc hội cũng đang xem xét sửa đổi Luật Giao dịch điện tử sao cho phù hợp hơn với bối cảnh mới.

Kinh tế vĩ mô - 'Nhiều doanh nghiệp vẫn coi chuyển đổi số là bỏ tiền ra mua công nghệ' (Hình 2).

Mặt khác, dù khó khăn cho doanh nghiệp để trụ vững trong 2 năm vừa qua. Tuy nhiên, cũng đã có nhiều doanh nghiệp đã biết nắm bắt cơ hội chuyển đổi để đảo ngược tình thế.

Bộ KH&ĐT nhận định, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đưa doanh nghiệp phát triển bền vững. Nhờ đại dịch, đã có sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách , cũng như dịch chuyển trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo đó, hiện nay sự sẵn sàng về công nghệ trên thị trường là rất cao. Thực tế, có khoảng 64 nghìn doanh nghiệp công nghệ, năm qua nhóm này lại là nhóm có cơ hội phát triển nhanh hơn, thậm chí là bứt phá trong giai đoạn dịch bệnh.

Trụ cột kinh tế số là thương mại điện tử

Trong giai đoạn tới, TS. Cấn Văn Lực, xu hướng thay đổi kinh tế quốc tế trong và sau đại dịch sẽ đi theo 6 hướng chính.

Theo đó, thứ nhất, phục hồi và phát triển kinh tế xanh, lối sống, hành vi đầu tư, tiêu dùng thay đổi; thứ hai, tốc độ phục hồi không đồng đều, bất định tăng.

Bên cạnh đó, tính toàn cầu hoá, liên kết kinh tế sẽ thay đổi; đồng thời có sự cấu trúc lại chuỗi cung ứng, đầu tư và lao động.

Hướng khác, thay đổi chính sách tài khóa và tiền tệ, rủi ro tài khóa, nợ và nợ xấu tăng; xúc tác chuyển đổi số; cạnh tranh chiến lược, vai trò của Chính phủ gia tăng. Cuối cùng, biến đổi khí hậu nhanh hơn, được quan tâm hơn.

Ông nhấn mạnh, CĐS diễn ra mạnh mẽ ở tất cả mọi mặt cuộc sống của chúng ta, cả kinh tế và xã hội. Trong đó, trụ cột lớn nhất là thương mại điện tử.

Chính vì vậy, năm vừa qua Bộ KH&ĐT đã có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như đưa sản phẩm lên nền tảng bán hàng Amazon, bởi nhiều sản phẩm của Việt Nam nếu theo hình thức xuất khẩu truyền thống sẽ không thể tiếp cận được với thị trường như Mỹ và Châu Âu.

Mặt khác, theo dự báo trên thế giới, từ nay tới 2025, mảng này sẽ có tốc độ tăng trưởng 10%-15% mỗi năm, tuy nhiên sẽ theo xu hướng thấp dần bởi xét trong nền cao những năm trước. Mặt khác, đến năm 2025, thương mại điện tử sẽ chiếm 25% trong tổng số giá trị thương mại toàn cầu.

Bên cạnh đó, chi phí về quảng cáo số cũng sẽ tăng khoảng 2,5 lần trong 10 năm. Nên đây sẽ là những mảng các doanh nghiệp tập trung đầu tư hơn nữa.

Theo/www.nguoiduatin.vn