Nông dân đưa hàng lên sàn TMĐT sẽ được mở rộng ra nhiều tỉnh

12:10, 26/03/2021

Theo đại diện Viettel Post, Hải Dương dự kiến từ tháng 4/2021, chiến dịch ứng dụng công nghệ số giúp nông sản Việt thoát cảnh giải cứu sẽ được sàn thương mại điện tử Vỏ Sò của ViettelPost triển khai cả ở Quảng Ninh, Bắc Giang và Khánh Hòa.

 Mặt hàng nông sản rau củ quả được người dân đưa hàng lên sàn TMĐT sẽ được mở rộng ra nhiều tỉnh.

Mở rộng chiến dịch hỗ trợ nông dân bán online nông sản

Chiến dịch ứng dụng công nghệ số giúp nông sản Việt thoát cảnh giải cứu đã được Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (ViettelPost) khởi động từ ngày 2/3 tại Hải Dương. Trong 3 tuần triển khai, số lượng đơn hàng nông sản Hải Dương được đặt trên sàn Vỏ Sò đạt gần 22.000 đơn. Tổng sản lượng nông sản Hải Dương được sàn Vỏ Sò tiêu thụ lên tới hơn 31 tấn tấn rau củ, gần 6.200 con gà và hơn

Không chọn cách “giải cứu” thông thường là hỗ trợ mua hàng hay vận chuyển miễn phí, Viettel Post chọn giải pháp ứng dụng công nghệ số để giúp các hộ nông dân bán nông sản cho người tiêu dùng thông qua sàn thương mại điện tử Vỏ Sò cũng như hệ thống logistics thông minh.

Trong những ngày cuối tháng 3/2021 vừa qua, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò đã cử 10 nhóm nhân sự trực tiếp xuống các hợp tác xã, hộ nông dân tại Hải Dương để hướng dẫn bà con cách thức bán hàng mới – bán trên sàn thương mại điện tử. Đến nay, đã có hơn 150 hộ nông dân Hải Dương được hướng dẫn và trên 30 hộ mở gian hàng trên sàn Vỏ Sò.

Những kinh nghiệm đúc rút được trong quá trình hỗ trợ nông dân Hải Dương đưa nông sản lên sàn Thương mại điện tử sẽ được đội ngũ nhân sự của ViettelPost nói chung và sàn Vỏ Sò nói riêng áp dụng để triển khai tại Quảng Ninh, Bắc Giang và Khánh Hòa.

Cách làm là doanh nghiệp bưu chính này sẽ phối hợp với một số doanh nghiệp công nghệ để cùng đồng hành hỗ trợ nông dân các tỉnh trong quá trình chuyển đổi số. Bên cạnh đó, tại Quảng Ninh, Bắc Giang và Khánh Hòa, sàn Vỏ Sò cũng sẽ thành lập các nhóm trực tiếp đến các nông trại, vườn để hướng dẫn bà con nông dân cách chụp ảnh sản phẩm, viết nội dung giới thiệu, livestream và bán hàng trên sàn thương mại điện tử.

Cùng với ViettelPost, thời gian vừa qua, một doanh nghiệp bưu chính lớn khác là VietnamPost cũng đã triển khai chương trình hỗ trợ bà con nông dân Hải Dương tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử Postmart của đơn vị mình.

Việc các doanh nghiệp bưu chính lớn tham gia hỗ trợ nông dân Hải Dương đưa sản phẩm lên tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử đã giúp lưu thoát nốt lượng nông sản đến thời điểm thu hoạch còn bị tồn ứ do dịch bệnh. Hơn thế, việc này còn tạo cơ hội cho bà con nông dân được tiếp cận, ứng dụng công nghệ số và xa hơn là góp phần giải quyết bài toán tiêu thụ các sản phẩm nông sản Việt, hướng tới phát triển bền vững.

Từng bước nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ của bà con nông dân

Từ thực tế hỗ trợ nông dân Hải Dương đưa nông sản lên sàn Vỏ Sò, đại diện Viettel Post cho biết có 2 khó khăn, thách thức lớn là làm sao để thay đổi nhận thức, thói quen của người nông dân và kích thích nhu cầu mua nông sản qua sàn thương mại điện tử của người tiêu dùng.

“Người nông dân đã quá quen với các phương thức bán hàng truyền thống như mang ra chợ, bán cho thương lái… nên ngại thay đổi và chưa có thôi thúc cần phải thay đổi. Hơn nữa, độ tuổi của bà con đa số từ trung tuổi trở lên nên khó tiếp cận với phương thức mới, đặc biệt là các phương thức có ứng dụng công nghệ”, đại diện ViettelPost chia sẻ.

Các giao online được triển khai rất nhiều trên sàn TMĐT.

Tuy nhiên, theo phân tích của đại diện ViettelPost, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe của bản thân và gia đình nên họ có xu hướng ưu tiên sử dụng các mặt hàng tươi sạch có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.Với người tiêu dùng, nông sản là mặt hàng có thời gian thu hoạch và bảo quản ngắn, giá trị không quá cao, lại có thể dễ dàng mua ở bất cứ đâu (chợ, siêu thị) nên họ chưa có thói quen mua nông sản qua nền tảng thương mại điện tử.

Vì thế, các sàn thương mại điện tử cần cam kết chỉ cung cấp các nông sản chất lượng, đạt tiêu chuẩn OCOP hoặc VietGap để tạo sự tin tưởng cho khách hàng. Ngoài ra, có thể thiết kế các combo mặt hàng (ví dụ combo gồm 10 củ su hào, 3 bắp cải, 10 quả trứng…) để khách hàng dễ dàng lựa chọn mua. Khi đó, người tiêu dùng sẽ được mua hàng chất lượng ngang bằng siêu thị, giá tương đương nhưng được giao tận nơi.

Đại diện ViettelPost cũng chia sẻ thêm, vướng mắc hiện nay là sản phẩm nông sản có vòng đời ngắn, cần môi trường bảo quản chuyên biệt - đặc biệt với mặt hàng tươi sống như thủy hải sản. Vì thế, tại Quảng Ninh, doanh nghiệp dự kiến trang bị thêm các thùng đá lạnh, xe lạnh để bảo quản tốt nhất sản phẩm, đẩy nhanh tốc độ giao - phát đảm bảo độ tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng.

Đặc biệt, để từng bước nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ của bà con nông dân, thời gian tới, đội ngũ của Vỏ Sò sẽ tiếp tục đào tạo “cầm tay chỉ việc”, tập trung hướng dẫn những chủ hộ sản xuất, xã viên hợp tác xã trẻ tuổi - những người có năng lực tiếp thu cao, nhanh, có quyết tâm mạnh mẽ hơn. “Đây sẽ là lực lượng đồng hành cùng chúng tôi trong thời gian tới, có thể lan tỏa kiến thức và kĩ năng về công nghệ trong phạm vi cộng đồng quanh họ”, đại diện ViettelPost nhấn mạnh.

Trọng Lương (T/h)