Nữ giám đốc khởi nghiệp thành công trên lĩnh vực dịch vụ số CNTT

11:06, 08/03/2021

Quyết đoán, mạnh dạn khai phá dịch vụ kiểm tra chất lượng phần mềm, chị Phùng Thanh Xuân-Giám đốc điều hành, người sáng lập Công ty Lotus Quality Assurance đã thành công, đưa công ty vươn ra quốc tế.

Ngành công nghệ thông tin được cho là có nhiều đặc thù phù hợp với nam giới. Tuy nhiên, trên mảnh đất kỹ thuật được đánh giá là "khô cằn" này, nhiều nữ kỹ sư đã gặt hái thành công không thua kém nam giới.

Quyết đoán và mạnh dạn, kiên trì khai phá “vùng đất mới” về dịch vụ kiểm tra chất lượng phần mềm, 5 năm qua, chị Phùng Thanh Xuân, Giám đốc điều hành, người sáng lập Công ty Lotus Quality Assurance (LQA) đã thành công trong hành trình khởi nghiệp, đưa công ty vươn ra thị trường quốc tế.

Bén duyên với công nghệ thông tin

5 năm theo học đại học ngành công nghệ thông tin, 12 năm làm kỹ sư công nghệ và 5 năm điều hành doanh nghiệp công nghệ thông tin, nữ Giám đốc Phùng Thanh Xuân để lại ấn tượng là người phụ nữ nhanh nhạy, quyết đoán, thông minh, kiên định.

Ở tuổi 40, sau khi vượt qua những vất vả ban đầu để khởi nghiệp ở mảng dịch vụ phần mềm, đến nay, chị là thủ lĩnh của một doanh nghiệp có gần 200 kỹ sư công nghệ.

Chị Thanh Xuân chia sẻ ngày còn học phổ thông chị chưa hề có khái niệm về công nghệ thông tin, lựa chọn học ngành này cũng là sự tình cờ. Ra trường và làm việc trong tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam, chị có cơ hội tiếp xúc với nhiều điều mới mẻ và hứng thú với lĩnh vực này.

Cái duyên đến chậm nhưng lại bén sâu. Năm 2016, chị đã có một quyết định táo bạo là rời bỏ công việc ổn định, môi trường làm việc tốt, mức lương cao và cơ hội thăng tiến để thành lập công ty khởi nghiệp trên một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam: Dịch vụ công nghệ thông tin về kiểm tra chất lượng phần mềm.

Những ngày đầu, cô kỹ sư Phùng Thanh Xuân dành cả ngày để tìm kiếm khách hàng cho dòng sản phẩm dịch vụ chủ lực của công ty. Hàng trăm thư điện tử (e-mail) gửi đi mỗi ngày, hàng triệu e-mail giới thiệu sản phẩm gửi đi mỗi tháng nhưng không được hồi âm, thậm chí còn nhận được đề nghị đừng gửi e-mail làm phiền từ nhiều người.

Kiên trì, bền bỉ, không bỏ cuộc, sau 2 tháng tự mình làm toàn bộ các công việc, thực hiện vai trò của mọi vị trí trong công ty, Phùng Thanh Xuân đã tìm được đối tác đầu tiên đến từ thị trường Hàn Quốc.

Niềm vui vừa đến đã kéo theo bao lo lắng bởi Hàn Quốc là thị trường rất khó tính, lĩnh vực mà công ty Xuân làm phổ biến ở Hàn Quốc, nhưng công ty của chị chưa có tên tuổi.

“Thần tốc” trong quyết định bắt đầu công việc, nhưng bước đi tiếp theo của chị Xuân lại cẩn trọng, chi tiết và chặt chẽ khi thực hiện các thủ tục thành lập công ty, ký kết hợp đồng thương mại.

Với nỗ lực bằng 200-300 lần khi còn là nhân viên, Phùng Thanh Xuân đã chiếm được lòng tin của khách hàng Hàn Quốc để có hợp đồng đầu tiên. Chị nhanh chóng tuyển quân, dựa vào kinh nghiệm vốn có và sự trợ giúp của đồng nghiệp để khởi động doanh nghiệp.

Hai năm đầu, Công ty Lotus Quality Assurance có nhiều thuận lợi, tăng trưởng nhảy vọt. Năm thứ ba, dưới sự điều hành của Phùng Thanh Xuân, công ty đạt mức tăng trưởng 20-30%, số lượng kỹ sư, chuyên gia lên đến gần 300 người hoạt động tại văn phòng Việt Nam, hỗ trợ đối tác tại đơn vị, mở rộng thị trường sang Hàn Quốc, Mỹ và tìm kiếm đối tác ở châu Âu cùng các thị trường mới nổi.

Đến năm thứ tư cũng là năm 2020, dịch COVID-19 xuất hiện, gây ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu. Các đối tác gặp khó khăn kéo theo doanh nghiệp của chị Xuân cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Dưới sự dẫn dắt của Xuân, công ty vẫn cố gắng duy trì công việc và không bị thua lỗ. "Trong tình hình COVID-19, công ty phải chuyển đổi sang các cách thức bán hàng, kinh doanh khác. Nhờ công nghệ thông tin nên chúng tôi nhanh chóng chuyển sang làm việc ở nhà và hỗ trợ khách hàng từ xa. Linh hoạt trong vận hành và tuyển dụng nhân sự chính là cách giúp chúng tôi giảm chi phí, vượt qua khó khăn tại thời điểm dịch bệnh hiện tại," chị Phùng Thanh Xuân cho biết.

Năm 2021, nhà sáng lập Công ty Lotus Quality Assurance quyết tâm thay đổi chiến thuật và nhắm đến những thị trường mới hơn để đưa "con thuyền" tiến xa và vững vàng hơn, sẵn sàng đón luồng sóng công nghệ mới, nhanh chóng nắm bắt cơ hội của chuyển đổi số; từng bước phát triển, khẳng định thương hiệu trên thị trường toàn cầu...

Cơ hội tốt để phái nữ khẳng định

Chia sẻ kinh nghiệm quan trọng để khởi nghiệp và thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chị Phùng Thanh Xuân cho biết trong lĩnh vực này, muốn thành công, phụ nữ cần quyết đoán hơn. Khi đã quyết tâm làm là cần phải làm luôn. Mọi sự đắn đo thường khiến phụ nữ lùi bước trước khó khăn.

Nhưng với chị Xuân thì chị sẽ làm nhanh nhất có thể, khó khăn phát sinh đến đâu, giải quyết đến đấy. Khó khăn, va vấp càng đến sớm thì càng có nhiều kinh nghiệm và nhanh chóng vượt qua các rào cản, con đường phía trước sẽ thênh thang hơn.

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, chia sẻ nam giới thường có lợi thế hơn trong việc học và làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tuy nhiên, quá trình phát triển của công nghệ thông tin không chỉ về kỹ thuật mà còn có quản trị, kinh doanh, thị trường, nhân lực.

Song song với đó, sản phẩm của công nghệ thông tin trước chủ yếu là phần cứng, phần mềm, hạ tầng, thiết bị nhưng giờ còn có các loại hình dịch vụ công nghệ thông tin, tiện ích, dịch vụ hỗ trợ và sản phẩm nội dung số. Sân chơi công nghệ thông tin đã mở rộng hơn và có sự tham gia ngày càng nhiều của giới nữ.

Những sản phẩm nội dung số trên nền tảng internet sẽ ngày càng tiếp cận và ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của người dân. Đây cũng chính là cơ hội cho phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Họ có thể nhanh chóng thâm nhập và thành công nhiều khi tốt hơn nam giới ở mảng lĩnh vực đã chọn. Phụ nữ với sự tinh tế có thể đưa ra thiết kế, sản phẩm có sự trải nghiệm tốt hơn đồng thời khi tham gia quản trị doanh nghiệp, phụ nữ có nhiều ưu điểm hơn bằng chính sự khéo léo, bền bỉ của mình. 

Hiện nay, tỷ lệ nữ trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam chưa cao, chỉ chiếm 1/20, 1/30 thậm chí ít hơn. Ông Nguyễn Nhật Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ thông tin và Dịch vụ phần mềm của Việt Nam (VINASA), chia sẻ nếu phụ nữ quyết tâm, muốn làm, dám làm thì có thể làm rất tốt trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Những định kiến về sự khô khan, khó khăn của nghề công nghệ thông tin sẽ dần được xóa bỏ trong thời đại công nghiệp 4.0 và với sự phát triển nhanh của các dịch vụ số trên nền tảng internet. Mạnh dạn, tự tin thử sức trong những mảng mới của công nghệ, nữ giới sẽ có nhiều lợi thế và chắc chắn không thua kém nam giới.

Những “bóng hồng” giỏi công nghệ, đảm việc nhà, khéo léo trong quản lý, tỉ mẩn trong công việc đang trở thành những nữ thủ lĩnh dẫn dắt các công ty công nghệ thông tin thành công tại Việt Nam và mang thương hiệu công nghệ dịch vụ, nền tảng "Make in Việt Nam" ra thế giới.

Trong tiến trình thúc đẩy chuyển đổi số, thị trường 90 triệu dân Việt Nam và hàng tỷ người trên thế giới đang chờ đợi sự khai phá thành công của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ thông tin./.

Theo vietnamplus.vn