Phạm Gia Vinh hiện thực hóa ước mơ "phi thuyền made in Vietnam”

11:37, 17/02/2016

Từ bỏ cơ hội ở nước ngoài, Phạm Gia Vinh, cựu cử nhân Học viện Khoa học ứng dụng quốc gia Pháp quyết định về Việt Nam hiện thực ước mơ phi thuyền made in Vietnam.

Phạm Gia Vinh (bên phải) cùng sản phẩm do nhóm anh chế tạo trưng bày tại Singapore
Phạm Gia Vinh (bên phải) cùng sản phẩm do nhóm anh chế tạo trưng bày tại Singapore

Từng tốt nghiệp Đại học ngành Điện, Điện tử công nghiệp – Điều khiển tự động tại Học viện Khoa học ứng dụng quốc gia Pháp và nhận được nhiều lời mời với cơ hội và vị trí việc làm đáng mơ ước đối với nhiều người nhưng Phạm Gia Vinh vẫn quyết định trở về Việt Nam để thực hiện ước mơ mang tên “Phi thuyền made in Việt Nam”, một lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam. 

Vì là lĩnh vực mới mẻ, rất ít được nghiên cứu ở Việt Nam, anh Vinh cũng đã xác định rõ tâm thế thất bại là điều không thể tránh khỏi. Với những ai đã từng tiếp xúc anh cũng đều nhận thấy anh là con người dám nghĩ, dám làm và dám chịu thất bại để trưởng thành, để tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo nhằm tạo ra các thành quả khoa học hoàn hảo nhất phục vụ cho cuộc sống thay vì tự mãn với thành công đã đạt được.

Phi thuyền do anh và các cộng sự hợp tác chế tạo đã thực hiện thành công bước đầu và đang trong giai đoạn thử nghiệm. Ưu điểm vượt trội của thiết bị này so với các sản phẩm khác trên thế giới là khả năng thu hồi tương đối chính xác, giúp tránh thất lạc, giảm chi phí tìm kiếm, thu hồi và giữ an toàn dễ dàng cho các thiết bị đo đạc đắt tiền được lắp đặt bên trong. Ngoài ra, so với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ nước ngoài, phi thuyền này cũng có giá thành cạnh tranh hơn do được sản xuất trong nước; đặc biệt là rẻ hơn nhiều so với máy bay và vệ tinh.

Nếu được đưa vào sử dụng, thiết bị sẽ nhằm phục vục cho an ninh quốc phòng, dân sự, nghiên cứu công nghệ vũ trụ và thực hiện cả thí nghiệm y học, môi trường, nghiên cứu khí quyển Trái Đất.

Theo dự kiến, thiết bị sẽ được thử nghiệm và hoàn thiện tại Australia trước khi mang về Việt Nam. “Sau khi thử nghiệm bên Australia hoàn thiện rồi chúng tôi mới tính đến phương án đưa khí cụ bay về Việt Nam, kết hợp với một số viện nghiên cứu và một số trường đại học của Việt Nam nghiên cứu để có thể bay thử nghiệm trong nước. Thời gian cụ thể chưa thể nói trước vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố”, anh Vinh cho biết.

Để tạo ra thành phẩm, hiện tại, anh Vinh và nhóm cộng sự đều phải tự chủ hoàn toàn về mặt kinh phí để phục vụ cho công việc nghiên cứu. Đam mê và tin tưởng vào công việc mình đang làm, Phạm Gia Vinh hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ về mặt thủ tục, giấy tờ và kinh phí từ các cơ quan chức năng. 

Nhưng để tránh lãng phí, anh mong muốn sẽ hoàn thiện thiết bị của mình trước, đạt đến một ứng dụng thực tiễn nhất định rồi mới kiến nghị hỗ trợ về mặt kinh phí từ nhà nước.


TIN LIÊN QUAN