Phát huy lợi thế, đẩy mạnh giải pháp nâng cao sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang

12:05, 13/12/2022

Tỉnh Bắc Giang xác định phát triển các sản phẩm OCOP là nội dung trọng tâm, giải pháp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới bền vững, qua đó góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Phát huy lợi thế, đẩy mạnh giải pháp nâng cao sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh tại Hội thảo "Nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP" năm 2022. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích, với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khá đặc trưng, Bắc Giang có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng các cây trồng, vật nuôi, nhất là phát triển cây ăn quả, gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng rừng kinh tế. 

Tỉnh Bắc Giang luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành đồng bộ cơ chế chính sách nhằm khai thác được tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp. 

Nông nghiệp của tỉnh đã phát triển nhanh và toàn diện, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, trở thành điểm sáng, nổi bật, đứng trong tốp đầu cả nước. Đồng thời đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như: Vùng cây ăn quả trên 51.000 ha, trong đó vùng vải thiều tập trung 28.000 ha; vùng cây có múi gần 11.000 ha, vùng rau an toàn gần 12.000 ha; đàn lợn khoảng 1 triệu con, đàn gia cầm trên 20 triệu con, trong đó đàn gà trên 17,2 triệu; vùng sản xuất gỗ nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến 80.000 ha, sản lượng khai thác bình quân gần 1 triệu m3 gỗ/năm... Đây là tiền đề và lợi thế lớn của tỉnh trong việc lựa chọn sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Theo đó, hằng năm, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành đồng bộ từ tỉnh tới huyện; kế hoạch tổ chức đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP; thành lập hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và tổ giúp việc hội đồng; quy chế hoạt động, tổ chức đánh giá, phân hạng; tổ chức công bố và vinh danh các sản phẩm theo quy định. Bên cạnh đó, hằng năm, Sở NN&PTNT cũng chủ động ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn các địa phương khảo sát, lựa chọn sản phẩm tham gia chương trình, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại cơ sở.

Trong giai đoạn 2019-2022, Bắc Giang đã có hơn 100 chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP với gần 200 sản phẩm (bình quân 50 sản phẩm/năm). Các chủ thể đã chủ động khảo sát, đánh giá hiện trạng sản phẩm về nhu cầu, thị hiếu của thị trường đối với sản phẩm; vùng nguyên liệu; khả năng đầu tư phát triển sản phẩm OCOP,... được chính quyền địa phương cấp xã, cấp huyện hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm đăng ký, được hỗ trợ tư vấn hoàn thiện biểu mẫu đăng ký, xây dựng hồ sơ sản phẩm theo yêu cầu của bộ tiêu chí.

Tổng số sản phẩm các huyện, thành phố đề xuất tham gia đánh giá, phân hạng cấp tỉnh trong giai đoạn 2019 - 2022 là gần 300 sản phẩm; đã tổ chức đánh giá được 194 sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh có 180 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (chiếm 2,1% tổng sản phẩm OCOP toàn quốc 8.478 sản phẩm).

Các sản phẩm OCOP được công nhận đều mang đặc trưng sản xuất của các làng nghề truyền thống, làng nghề như: Mỳ chũ; mỳ Châu Sơn; rượu Vân; bún Đa Mai;… bên cạnh các sản phẩm nổi tiếng khác đã phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: Gà đồi Yên Thế; vải thiều Lục Ngạn; vải sớm Phúc Hòa; vú sữa Hợp Đức, mật ong Tây Yên Tử, trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo,… Các sản phẩm đều có đầy đủ những minh chứng rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng như ISO 22000; HACCP; VietGap; Global Gap… 

Ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết, Bắc Giang là địa phương có nhiều sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, sản phẩm đặc trưng, việc thực hiện chương trình OCOP sẽ góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn... Đây chính là những điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò Hội Nông dân các cấp trong xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP. 

Vì vậy, thời gian qua, Hội Nông dân các cấp toàn tỉnh Bắc Giang đã thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hình thức hợp tác, liên kết; vai trò của hợp tác xã trong xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP…

Xác định các tổ hợp tác, hợp tác xã là nhân tố chính và có vai trò quan trọng trong xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, đặc biệt là đối với các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng của địa phương. 

Đặc biệt, để có cơ chế cho các tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển bền vững, tích cực tham gia xây dựng các sản phẩm OCOP, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã xây dựng và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án"Xây dựng Tổ hợp tác tạo tiền đề để phát triển thành hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025". Qua việc triển khai, hiện nhiều sản phẩm của các tổ hợp tác, hợp tác xã do Hội Nông dân hướng dẫn thành lập đạt OCOP 3 sao trở lên…

Theo đại diện Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Lục Sơn (huyện Lục Nam), đơn vị cũng xác định OCOP là chương trình phát triển kinh tế trọng tâm, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Hợp tác xã có lợi thế về địa hình khu vực sản xuất với hơn 200 ha nhãn. 

Đến nay, hợp tác xã đã sản xuất được sản phẩm nhãn quả tươi được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 sao, với mục tiêu của giai đoạn 2020-2022, hướng phấn đấu hợp tác xã sản xuất và chế biến nhãn quả khô và long nhãn.

Phát huy lợi thế, đẩy mạnh giải pháp nâng cao sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang - Ảnh 2.

Sản xuất mỳ chũ tại HTX mỳ chũ Xuân Trường, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Phấn đấu đến năm 2030 có khoảng hơn 350 sản phẩm OCOP

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích cho biết, chương trình OCOP vẫn còn những hạn chế, khó khăn do các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm thiếu đồng bộ, thiếu hiệu quả trong điều phối hoạt động hỗ trợ. Thực tế cho thấy chưa có nhiều chủ thể được tiếp cận với các cơ chế, chính sách hoặc được tiếp cận nhưng chủ yếu về đào tạo tập huấn, tem nhãn mác sản phẩm (mức hỗ trợ thấp, khoảng 15-20 triệu/sản phẩm). Ngoài ra, một số hợp tác xã được hỗ trợ bao bì, tuy nhiên, do yêu cầu về mặt điều kiện nên nhiều hợp tác xã không đáp ứng được…

Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang sẽ tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm cho các chủ thể có sản phẩm OCOP đã được công nhận từ 3 sao trở lên và các chủ thể sản xuất có sản phẩm mới tham gia chương trình nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng hằng năm.

Đồng thời bảo tồn, phát triển các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, trang trại, các chủ thể sản xuất OCOP. Phấn đấu phát triển, tiêu chuẩn hoá tối thiểu 25-30 sản phẩm/năm đạt 3 sao trở lên. Đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng trên 350 sản phẩm OCOP, trong đó có khoảng 4 sản phẩm 5 sao; trên 130 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao.

Tập trung phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nhằm thu hút du khách, đồng thời quảng bá hoạt động du lịch, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP của tỉnh. Triển khai thực hiện từ 1-3 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch tại các huyện Lục Nam, Sơn Động, Yên Thế,... Cùng với đó là tăng cường xây dựng và hoàn thiện các chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ