Phát triển dịch vụ di động ở Việt Nam: Những điều trông thấy

05:08, 30/08/2009

  ...Là một tài xế đường dài, tôi thường xuyên phải chở sản phẩm nông sản từ Tây Nguyên lên các tỉnh biên giới phía bắc. Vì nhiều lí do, tôi sử dụng luôn dịch vụ của cả 3 nhà mạng di động, tuy nhiên, nhiều lúc cảm thấy rất bất tiện. Cả hành trình dài, thỉnh thoảng, điện thoại lại "tò tí te" - ngoài vùng phủ sóng. Tôi đã chán ngấy cảnh lúc nào cũng cũng kè kè 3 con "dế" bên cạnh. Mong tòa soạn tư vấn giúp tôi với....


 Mang theo nỗi niềm trăn trở của độc giả quen thuộc, chúng tôi quyết định thực hiện chuyến công tác dài ngày, men theo Quốc lộ 3 qua Thái Nguyên, Bắc Kạn để lên với Cao Bằng. Hành trang mang  theo là  máy điện thoại di động và một cơ số các gói cước của các nhà mạng....
 
Hết cảnh "Giơ máy - tìm sóng"

 "Cao Bằng, cheo leo, trập trùng núi, trập trùng đèo..." lần theo giai điệu then mượt mà của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, chúng tôi đến với Cao bằng, mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc. Say sưa với cảnh núi rừng xanh thẳm, chúng tôi vẫn không quên nhiệm vụ của mình: theo dõi "cột sóng" của cả 3 con "dế" sử dụng dịch vụ của cả  MobiFone, VinaPhone và Viettel. Thỉnh thoảng, những cuộc điện thoại, tin nhắn, những phím bấm kết nối WAP, GPRS trên mỗi máy khác nhau lại được thực hiện, hy vọng một phần nào đấy "chấm điểm" chất lượng dịch vụ và "gỡ rối" cho những băn khoăn của những độc giả thường xuyên đi lại trên cung đường này.

 Cảm nhận đầu tiên của cậu bạn đồng nghiệp cùng đi với tôi là, số lượng các đại lí, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông hai bên đường quốc lộ mọc lên nhiều hơn, nhất là tại các trung tâm huyện lị, thị trấn, thị tứ hoặc các khu vực tập trung đông dân cư. Nếu như trước đây, nghe nói đến thoại di động, sim số là một cái gì xa vời, phải lên tận tỉnh, huyện, vào nhà Bưu điện to nhất tỉnh mới có, thì nay, điện thoại, sim số có mặt ngay "bên cạnh nhà mình!". Các cửa hàng, đại lí mọc lên rất nhiều với hàng trăm quảng cáo về sim số đẹp, máy điện thoại cũ, mới...

    Dự định ban đầu của chúng tôi là thử làm một phép đếm, xem suốt chặng đường từ Hà Nội lên Cao Bằng, nhà mạng nào có nhiều đại lí, điểm cung cấp dịch vụ nhất nhưng rồi, ý định đấy hoàn toàn bị phá sản bởi lẽ, số lượng cửa hàng, đại lí quá nhiều, liệt kê không xuể. Đấy là chưa kể, có nhiều cửa hàng tích hợp sẵn "ba trong một" cung cấp luôn dịch vụ của cả 3 mạng: MobiFone, VinaPhone và Viettel. Đấy là  một nét riêng tại các tỉnh miền núi nhưng đồng thời, phản ánh mức độ phổ biến, bình dân hơn của các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin đến được với người dân nghèo.

 Bấm máy thực hiện các cuộc gọi, chúng tôi nhận thấy chất lượng mạng lưới thông tin liên lạc đã được cải thiện rõ rệt. Không còn cảnh vừa đi đường, vừa giơ máy  "tìm sóng" như những chuyến công tác trước, kể cả tại những vùng núi cao, thung sâu. Tỉ lệ cuộc gọi thành công cao, chất lượng thoại cũng tốt hơn, không có nhiều âm thanh rè hay ngắt quãng..." Có được thành công đấy là nhờ nỗ lực của các nhà mạng trong những năm gần đây, đầu tư xây dựng mới rất nhiều trạm BTS.
 
Càng nhiều trạm BTS thì chất lượng mạng lưới càng đảm bảo. Chỉ nói riêng mạng MobiFone, ở Thái Nguyên có 105 trạm, ở Bắc Kạn là 41 và Cao Bằng là 50 trạm BTS.  Cột BTS trước mặt là cột thứ 51 của mạng MobiFone đang xây dựng tại Cao Bằng đấy" giơ tay chỉ vào cột ăngten trên nóc nhà dân đang thi công ngay bên đường, anh bạn đi cùng làm việc trong ngành viễn thông chia sẻ.  

 Điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là Đèo Mây, một cung đèo lồng lộng gió và ngút ngàn mây, nằm chơi vơi giữa lưng chừng trời. Đứng trên đỉnh núi cao, phía dưới là những đám mây trắng khổng lồ ôm ấp sườn núi, nhưng cột sóng điện thoại di dộng của tôi vẫn đầy căng.
 
Đến địa phận huyện Ngân Sơn, cách Bắc Kạn 75km, sóng điện thoại của các mạng di động khác mất liên lạc (tình trạng cột báo sóng từ 2 vạch, 1 vạch, sang tìm mạng, khẩn cấp, rồi mất hẳn liên lạc)  (ảnh) trong khi sóng di động của MobiFone vẫn còn đầy nguyên. Rút điện thoại gọi về nhà, tôi còn nghe tiếng cười khanh khách của đứa con chưa đầy tuổi đang đùa giỡn với mẹ. Lòng dâng lên niềm vui khó tả sau mấy ngày xa Hà Nội...    

 Điện thoại về bản xa 

 Chợ Nà Giàng (Hà Quảng- Cao Bằng), đúng ngày chợ phiên. Những cô gái dân tộc Tày, Mông, Nùng xúng xính những bộ áo quần sặc sỡ xuống chợ. Tiếng khèn, sáo gọi bạn văng vẳng khắp núi rừng. Mười ngày họp một lần, chợ phiên không chỉ có đồ dùng, hàng nông sản mà còn là nơi để giao lưu tình cảm của người dân đến từ khắp các bản xa. 

 Giơ chiếc điện thoại di động của tôi ra trước mặt, cô gái người Nùng tên A Xín lắc đầu nguầy nguậy. Cậu bạn đi cùng, Lý Sình tỏ ra thành thạo hơn nhưng cũng loay hoay không biết sử dụng như thế nào. Lý Sình tâm sự, trong Bản cũng có nhiều nhà bắt đầu sử dụng điện thoại nhưng chủ yếu là lắp điện thoại cố định GPhone. Sình thích được mua điện thoại di động hơn vì đi đâu cũng có thể mang theo được. Tháng tới, khi lứa lợn con của Sính lớn lên, Sính sẽ mang xuống chợ để đổi cho bằng được con máy "dài dài tút tút" này để liên lạc với bạn bè  đi học dưới tỉnh.

 Sình kể, lần đầu tiên được nhìn thấy điện thoại di động là trong lần uống rượu mừng thắng lợi Hội thi bò đẹp trong nhà A Lềnh. A Lềnh có 1 cô em gái tên là A Mí, đang theo học trường Dân tộc nội trú dưới tỉnh, cũng là bạn thuở nhỏ với Sình. Đêm ấy, trong hơi men chếnh choáng, Sình được nghe đúng giọng nói của Mí qua cái máy "dài dài, tút tút" của A Lềnh. Vẫn là tiếng cười, nói trong trẻo, lảnh lót mà đêm đêm, trong tiếng khèn môi vang vọng khắp núi rừng, Sình đã thầm gọi tên, thổn thức mong ngóng được gặp mặt. Cũng từ đêm ấy, Sình đã 'bén duyên" với điện thoại di động...

  Theo chân Sình đến nhà A Lềnh, chúng tôi được tận mắt nhìn thấy "con dế" của A Lềnh. Máy cũ lắm rồi, bàn phím mờ hết các số, màn hình có vết nứt và vệt đen chạy dọc, thậm chí còn không đọc rõ logo của hãng sản xuất. Lềnh hồ hởi khoe, "chú dế" này tài lắm, cứ bấm phím lên là nghe được giọng nói của em gái, của bạn bè ở xa. Thanh niên mới lớn lên trong bản này, ai cũng thèm muốn có được chiếc điện thoại như của Lềnh. Tuy nhiên, bán lúa, bán ngô để mua máy còn được chứ "nuôi" chú "dế"  này còn tốn hơn cả nuôi lợn, nuôi gà (!).
 
Cũng may, nhờ em gái đi học dưới tỉnh giới thiệu, anh mới biết đến và lựa chọn sử dụng gói cước Mobi365 của mạng di động MobiFone. Đây là gói cước trả trước có mức cước phí thấp, không phải trả cước hòa mạng, cước thuê bao và quan trọng nhất là có ngay 365 ngày sử dụng, rất phù hợp với người dân ở vùng sâu, vùng xa, những người dân nghèo có thu nhập thấp. Hiện, cả hai anh em đang dùng gói cước này để liên lạc với nhau.

Lềnh kể, cuộc sống người dân ở đây còn nghèo và buồn lắm. Thanh niên trong bản lớn lên cũng chỉ biết bám lấy ruộng, lấy nương. Có điện thoại, khoảng cách về không gian, địa lí không còn ý nghĩa. Nhiều khi, chỉ cần một tin nhắn đã bằng mấy lần leo núi, vượt suối, lại còn bày tỏ được “cái bụng” của nhau. Dẫu chưa phổ biến nhưng cũng nhờ từ ngày có điện thoại, thanh niên trong bản tụ tập, giao lưu tình cảm với nhau nhiều hơn. Cũng có người, nhờ điện thoại mà lấy được thông tin đi học, đi làm dưới tỉnh.

 Đang say sưa câu chuyện, chú “dế” của Lềnh bỗng cất lên âm thanh tiếng khèn réo rắt, là giai diệu của một điệu hát lượn da diết của người Tày. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, Lềnh giải thích: “Nhạc chuông của người Tày đấy. Người dưới xuôi cài đặt cho. Họ tài lắm. Chỉ mất một con gà thôi.  Xuống chợ phiên là có mà. Nhiều khi, bật máy lên (Lềnh chỉ dùng máy “theo giờ”, bình thường là tắt máy vì tốn “cái điện” lắm) chỉ để nghe mấy điệu hát then, hát sli, hát lượn trong cái hộp nhạc bé xíu này. Cả làng bản, ai cũng thích!”

 Đang hồ hởi câu chuyện, khi chúng tôi đề cập đến vấn đề cước phí, mặt Lềnh bỗng buồn hẳn. Ở nhà Lềnh, những khi nhớ con gái, em gái đi học xa, lâu lâu, ông bà lại bảo Lềnh bắt một con gà xuống chợ để đổi lấy 20 phút trò chuyện với con. Nhu cầu nói chuyện với con thì nhiều mà gà trong chuồng bắt mãi rồi cũng hết (!). Ông bà chỉ mong sao, Đảng, Nhà nước, nhà mạng di động có riêng chính sách giá cước gì cho đồng bào dân tộc nghèo, vùng sâu, vùng xa bởi lẽ, máy điện thoại cố định thì có chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với các vùng viễn thông công ích. Trong khi điện thoại di động thì chưa có ưu đãi gì cho người dân nghèo.

Khi chúng tôi đang kì cạch gõ bài phóng sự này ngay tại điểm Bưu điện văn hóa xã Nà Giàng (Hà Quảng), nơi đang triển khai chương trình “Một triệu giờ đồng hành” của Đoàn Thanh niên Tập đoàn VNPT, nối mạng trí thức, phổ cập tin học, internet cho thanh niên nông thôn, vùng sâu, vùng xa, để kịp chuyển về tòa soạn, chúng tôi nhận được thông tin về việc đồng loạt giảm cước phí điện thoại từ các mạng điện thoại di động. Đặc biệt, thông tin giảm cước trung bình từ 15%-30% của hai mạng di động lớn là VinaPhone và MobiFone, trở thành những mạng di động có giá cước rẻ nhất Việt Nam thực sự là tin vui đối với người dùng, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa. Hy vọng một ngày không xa, điện thoại di động sẽ trước có cơ hội đến với người dân nhiều hơn…
            
Bài: Hoài Nam
 Ảnh: Khôi Nguyên


 

TIN LIÊN QUAN