Phát triển khu vực Tây Bắc TP.HCM trở thành khu đô thị sinh thái

09:26, 13/04/2022

Chiều 12/4/2022, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022. Hội nghị vinh dự đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chủ trì.

Cùng dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương. Hội nghị thu hút hơn 550 đại diện doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cùng tham dự.

Quang cảnh hội nghị.

Hóc Môn và Củ Chi là 2 huyện ngoại thành của TP.HCM, có tổng diện tích khoảng 544ha, chiếm gần trọn phần lãnh thổ phía Bắc - Tây Bắc của thành phố. Đây cũng là cửa ngõ kết nối thành phố với các đô thị Đức Hòa (tỉnh Long An), Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) tại các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ.

Định hướng điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 cũng nhấn mạnh yêu cầu nghiên cứu một trong những hướng phát triển chủ đạo của thành phố về hướng Bắc - Tây Bắc, với đặc điểm địa chất tốt, địa hình cao, kết nối với Vùng I phía tỉnh Tây Ninh (cửa khẩu Mộc Bài)… còn nhiều quỹ đất phát triển đô thị.

Xúc tiến đầu tư Củ Chi, Hóc Môn không phải mâm cỗ cho doanh nghiệp đẩy giá đất - Ảnh 3.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết: TP.HCM đóng góp tới 1/3 ngân sách cả nước, nhưng 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn vẫn phát triển ở mức thấp. Như huyện Củ Chi thu ngân sách chỉ trên 1.000 tỷ đồng, trong khi cũng quy mô dân số ấy, TP. Đà Nẵng thu hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Phát triển 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi cũng là giúp TP.HCM giải bài toán mở rộng không gian, phát triển cân bằng, thu hút nguồn lực… giải tỏa những áp lực về dân số, hạ tầng, nhà ở, công ăn việc làm, mở rộng không gian sinh tồn, phát triển khi “chiếc áo” TP.HCM đã quá chật chội.

"Nguyên tắc xuyên suốt của phát triển Củ Chi, Hóc Môn phải đặt lợi ích của người dân vào vị trí trung tâm. Đó là đô thị sinh thái, thông minh, bền vững, không phải là mâm cỗ mới dành cho các nhà đầu tư bất động sản tận dụng cơ hội đẩy giá nhà đất", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chùm ảnh Chủ tịch nước chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Hóc Môn, Củ Chi ảnh 2

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết: các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai tại 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi, nhất là các dự án trong các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, thương mại, dịch vụ và du lịch…

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đặt ra yêu cầu nghiên cứu định hướng phát triển 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi gắn với lộ trình chuyển đổi thành quận hoặc thành phố, nhưng cũng cần dành diện tích đất thỏa đáng cho nông nghiệp và du lịch sinh thái. Củ Chi sẽ trở thành vành đai xanh của thành phố. Không để tình trạng đô thị hóa tự phát, xây cất tự phát "phố không ra phố, làng không ra làng". Giữ hành lang ven sông, đặc biệt là hành lang ven sông Sài Gòn.

Ông Nhã cho biết thêm, thành phố mời gọi đầu tư nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông, tuyến đường bộ, tuyến cao tốc TP.HCM - Tây Ninh và các tuyến đường sông, các tuyến xe buýt kết nối các địa điểm tham quan, du lịch...

Về nguồn vốn cho phát triển hạ tầng giao thông, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, cho biết thành phố đang rất thiếu vốn đầu tư. Vì vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP.HCM đã được Quốc hội thông qua là 142.557 tỷ đồng. Số tiền này chỉ đủ để bố trí cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025, không đủ cân đối để thực hiện các dự án đầu tư mới trọng điểm, cấp bách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các dự án giao thông trọng điểm khác đã được UBND thành phố phê duyệt.

Ông Lâm cho rằng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng cho giai đoạn 2021-2025 là 533.529 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách TP.HCM là 218.239 tỷ đồng; vốn khác (vốn từ trung ương, ODA, PPP) là 315.290 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 là 437.125 tỷ đồng.

Sở Giao thông vận tải cũng đã rà soát, lập danh mục dự án ngành giao thông vận tải dự kiến kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025, trong đó, có các dự án trên địa bàn huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi, như: Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đường song hành Phan Văn Hớn, mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và xây dựng cầu Lớn, đường trên cao số 5, cảng cạn Củ Chi…

Là đơn vị đầu tư khoảng 1,1 tỷ USD vào dự án “Đô thị sinh thái Nông nghiệp Thực phẩm Công nghệ cao”, diện tích hơn 1.000ha tại xã Trung An, huyện Củ Chi, ông Lee Chong Min, Chủ tịch Quỹ đầu tư CMIA Capital Partner và Surbana Jurong, cho biết khi dự án hình thành sẽ là một khu Đô thị sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản thực phẩm (300ha); khu logistic, kết nối vùng (Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai) nguyên vật liệu chế biến nông nghiệp - thực phẩm khép kín.

Dự án sẽ khởi đầu cho Đô thị nông nghiệp sinh thái công nghệ cao ở Việt Nam, với quy mô dân số 100.000 người là các chuyên gia, công nhân lao động, dịch vụ thương mại và dân cư trong vùng. 

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland đang đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch của khu vực bãi chôn lắp rác Đông Thạnh. Ông Nguyễn Công Hồng, Tổng Giám đốc công ty, cho biết sẽ lập đề xuất dự án đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án “Đầu tư xây dựng khu đô thị sinh thái Đông Thạnh”, trong thời gian 3 năm sẽ hoàn thành toàn bộ dự án, bao gồm cả việc xử lý triệt để bãi chôn lấp rác và đầu tư hoàn thiện dự án.

Hiện AEON cũng mong muốn thúc đẩy kết nối và tiêu thụ hàng hóa tại TP.HCM, phát triển các dịch vụ thương mại văn minh và hiện đại cho các khu dân cư… Theo ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam, AEON dự kiến sẽ phát triển mô hình kinh doanh bán lẻ phù hợp với nhu cầu người dân và điều kiện thực tế của từng địa phương.

Đề xuất TP.HCM xem xét mở rộng nhiều khu nông nghiệp công nghệ cao hơn, mở rộng khu chăn nuôi công nghệ cao, sản xuất giống ra hoa ngắn, ông Phạm Thiết Hòa, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV (Sagri), cho rằng các dự án loại này không cần diện tích lớn nhưng có thể tạo ra vài chục tỷ đồng/ha. 

“Sagri sẽ ký kết với các nhà đầu tư để phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đặc biệt là phát triển hệ thống giết mổ, chế biến gia súc - gia cầm ứng dụng công nghệ cao hiện đại, góp phần sản xuất, chế biến thực phẩm sạch cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây cũng là một nội dung chiến lược Sagri xác định phát triển bền vững và cũng góp phần cung ứng thực phẩm an toàn hướng tới xuất khẩu”, ông Hoà nói.

Tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 10 nhà đầu tư vào 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi với tổng mức vốn gần 430 triệu USD (hơn 8.4000 tỷ đồng), đồng thời trao bản ghi nhớ đầu tư cho 31 nhà đầu tư với tổng số vốn gần 16,2 tỷ USD (hơn 370.000 tỷ đồng).

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cam kết sẽ cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM thúc đẩy cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong đó, chú trọng sửa đổi Luật Đất đai; bảo vệ tài sản đầu tư của người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy các mô hình kinh tế mới, sáng tạo, hiệu quả, khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh và tìm kiếm giải pháp, cơ chế đột phá.

Mai Loan (T/h)