Phát triển kinh tế số: Cơ hội “vàng” của Đà Nẵng

Hữu Ích 10:51, 07/02/2020

Những quyết sách thúc đẩy ngành CNTT cùng với sự đồng hành, nỗ lực của doanh nghiệp tại Đà Nẵng hứa hẹn có thể hình thành hệ sinh thái để các Doanh nghiệp phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng để khẳng định Kinh tế số là sự lựa chọn phù hợp của Đà Nẵng.

Bước khởi đầu trong chặng đường dài của việc phát triển Công nghệ thông tin là Nghị quyết 07-NQ/TU, ngày 03/10/2000 của Thành ủy về “Một số chủ trương phát triển công nghiệp phần mềm”; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 13/3/2003 về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT)”. Đến năm 2019 bằng 2 Nghị quyết 07/NQ-TU ngày 16/4/2019 về phát triển hạ tầng CNTT-TT tiếp cận xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0; Nghị quyết số 270/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của Hội đồng nhân dân thành phố Quy định chính sách hỗ trợ phát triển CNTT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, cho thấy quyết tâm của Lãnh đạo thành phố dành cho phát triển CNTT ở vị trí xứng đáng với góc nhìn của Kinh tế số. Nhìn nhận và đánh giá của một lĩnh vực với 20 năm không đủ lớn để đúc kết và đánh giá, song cũng không quá ngắn, đến nỗi thiếu chất liệu thực tế khi phản ánh, một lĩnh vực mà hai kỳ Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XX, và Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXI vẫn xác định là một trong những đột phá và được Bộ Chính trị khẳng định bằng Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 đã định hướng phát triển của Đà Nẵng tập trung vào 03 trụ cột, 5 lĩnh vực mũi nhọn, trong đó có "công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số. Có thể nói, những gì đã đạt được trong 20 năm qua đáng ngành Thông tin và Truyền thông tự hào song cũng đầy trăn trở khi phía trước vẫn còn nhiều thách thức.

Doanh nghiệp “chuyển động”

Trong lĩnh vực CNTT đối với lĩnh vực phần cứng thế mạnh vẫn là các Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: Foster, Mabuchi Motor, Việt Hoa.... Đối với lĩnh vực phần mềm và nội dung số Đà Nẵng đang chuyển dần từ giai đoạn hình thành, khởi động sang giai đoạn trưởng thành, phát triển và Đà Nẵng phải định hướng trong 10 năm có các sản phẩm, dịch vụ CNTT-TT cạnh tranh và đóng góp 10 đến 15% GRDP của thành phố.

Phát triển phần mềm và nội dung số của Đà Nẵng – không thể chối cãi - là cơ hội “vàng” của một vùng đất nhiều "nắng, gió" vốn khắc nghiệt. Nơi mà cách đây 20 năm, các em sinh viên được đào tạo trong lĩnh vực CNTT, hoặc có chuyên ngành gần như Điện tử-Viễn thông; Cơ-Điện tử... phải tha phương lập nghiệp. Vào năm 2000, số nhân lực “Bám trụ” ở lại Đà Nẵng, chỉ làm việc trong các doanh nghiệp (DN) kinh doanh thiết bị; các nhóm nhỏ 7 đến 10 người làm phần mềm với các ứng dụng may đo với số lượng 15 đơn vị trên 80 DN; hoạt động CNTT có tổng doanh thu 200 tỷ, xuất khẩu phần mềm được tính vài trăm nghìn USD.

So với ngày ấy, bây giờ đã khác, với nguồn nhân lực được đào tạo bài bản cả về số lượng, chất lượng. Khung chương trình được tiệm cận với yêu cầu Doanh nghiệp được các Trường Đại học Bách khoa, Sư phạm, Duy Tân,… chú ý. Đặc biệt các Trường của FPT với các khung đào tạo theo các bậc học khác nhau cùng với các Trường Cao đẳng theo hướng thực hành đã tạo cho Đà Nẵng nền tảng bức tranh nhân lực CNTT-TT đa dạng về trình độ, phù hợp với nhu cầu của các DN CNTT và tăng năng lực cạnh tranh theo xu hướng Mobile App.

 Bên cạnh quy trình phát triển phần mềm truyền thống theo Water Fall các doanh nghiệp khá thành thạo áp dụng Agile, Scrum,… giúp các doanh nghiệp hội nhập vào dòng chảy theo xu hướng mới với tư duy: Thứ nhất là, đẩy mạnh chuyển đổi số dựa trên CNTT-TT là quá trình lâu dài, liên tục, đặc biệt là việc đưa các công nghệ dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0 để khai thác tri thức như là tài nguyên tạo ra nhiều cơ hội cho người dân và doanh nghiệp. Việc ứng dụng các Công nghệ là để tiếp cận phương thức làm việc từ truyền thống sang nền tảng kỹ thuật số theo hướng tạo ra thách thức mới, tạo giá trị mới,… cần bảo đảm đồng bộ và sự tham gia tích cực của các ngành, các cấp.

Thứ hai là phát triển công nghiệp CNTT-TT được xác định để tạo ra sự phát triển đột phá, cơ hội để các doanh nghiệp CNTT-TT địa phương nói riêng tạo ra sản phẩm số và thúc đẩy các doanh nghiệp các ngành khác tham gia hệ sinh thái chuyển đổi số.

Thứ ba là huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp CNTT-TT; xây dựng thành phố thông minh; ưu tiên đặc biệt là nguồn lực từ các Doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp trong nước cả về tài chính, công nghệ; chú trọng công tác truyền thông, hợp tác quốc tế, nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, thành phố thông minh.

“Cú hích” từ chính sách

Chính sách, cộng thêm nhiều yếu tố khác đã thúc đẩy doanh thu công nghiệp CNTT và doanh thu xuất khẩu phần mềm trong 20 năm có tốc độ tăng trưởng bình quân từ 15 đến 20% (mô tả theo hình 1.1, hình 1.2).

Thông qua các số liệu, ngành công nghiệp CNTT của thành phố đã liên tục tăng trưởng, với doanh thu trung bình năm sau cao hơn năm trước, điển hình như năm 2010, doanh thu ngành công nghiệp CNTT đạt 1.798 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 8,4 triệu USD thì đến năm 2019 Doanh thu đạt trên 30.000 tỷ, xuất khẩu trên 89 triệu USD tăng gấp 17 lần so doanh thu và 12 lần kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt đơn giá gia công phần mềm được cải thiện từ 1.800 – 2.300 USD/man/month. Hoạt động của các Doanh nghiệp CNTT-TT trên địa bàn thành phố bắt đầu chuyên môn hóa cao và tập trung vào các lĩnh vực: Sản xuất phần mềm nội địa với các sản phẩm đóng gói phục vụ cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước; các phần mềm phục vụ cho việc ứng dụng CNTT cho các cơ quan nhà nước; Cung cấp dịch vụ viễn thông và giá trị gia tăng trên nền Internet; Sản xuất, gia công xuất khẩu phần mềm (Out Sourcing); Kiểm thử phần mềm (Testing), gia công dữ liệu số (BPO); Thiết kế xây dựng các sản phẩm trò chơi, trò chơi trực tuyến trên thiết bị di động...; Thiết kế, phát triển các sản phẩm vi mạch điện tử; Sản xuất, cung cấp các dịch vụ CNTT ITO (IT Out sourcing); Sản xuất, lắp ráp, thương mại các sản phẩm phần cứng, điện tử.

Đến nay, Đà Nẵng có trên 1.700 DN đăng ký hoạt động trên lĩnh vực CNTT, trong đó có trên 10 Doanh nghiệp có nguồn nhân lực trên 500 người, đặc biệt có 2 Doanh nghiệp gia nhập câu lạc bộ 1.000 tỷ doanh thu và 1 Doanh nghiệp có quy mô trên 4.000 nhân sự; hoạt động trên lĩnh vực thiết kế vi mạch, đã hình thành các Công ty nghiên cứu thiết kế vi mạch, một số đi triển khai ứng dụng FPGA như Esilicon, CyberSoft, 3T, Centic, Organic… Điều rất đáng mừng, những lĩnh vực vừa nêu, là lĩnh vực/ngành thường chỉ dành cho các nước có công nghệ phát triển. Năm 2019 Đà Nẵng có 03 sản phẩm phần mềm vinh dự được nhận Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2018 (VIFOTEC) và được lựa chọn vào Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2019 có 01 công trình đạt Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam 2019.

Ngoài việc tập trung đầu tư vào các công trình đóng vai trò nền tảng về hạ tầng CNTT-TT, bảo đảm việc vận hành chính quyền điện tử, chính quyền thành phố đã và đang đầu tư xây dựng các khu CNTT tập trung nhằm tạo ra không gian phát triển công nghiệp CNTT trên địa bàn thành phố, cũng như chuẩn bị không gian cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến làm việc tại Đà Nẵng trong tương lai. Đà Nẵng đã bố trí quỹ đất xây dựng 5 khu công viên phần mềm và khu nghệ thông tin tập trung, trong đó có 3 khu đã đi vào hoạt động bao gồm: Khu công viên phần mềm số 1, Khu phức hợp FPT, Khu Công nghệ thông tin tập trung Hòa Liên, Khu Công viên phần mềm số 2, Khu phần mềm VNPT.

Rõ ràng, trong giai đọan đầu, Đà Nẵng đã có những bước khởi đầu tốt, 20 năm thành phố với sứ mệnh dẫn dắt, khởi động đã tạo nên vị thế của Đà Nẵng trên bản đồ gia công, sản xuất dịch vụ phần mềm và nội dung số cùng với thành phố Hồ chí Minh và Hà Nội và là địa phương đầu tiên của cả nước có 2 Khu CNTT tập trung được chính phủ ra Quyết định (Quyết định 1967/2017/QĐ-TTg ngày 7/12/2017 và Quyết định 27/2020/QĐ-TTG ngày 06/01/2020) thành lập.

Tầm nhìn mới, cơ hội mới…

Một câu hỏi đặt ra đầy trăn trở: Đà Nẵng sẽ phát triển nền công nghiệp CNTT theo hướng nào ?; mạnh về sản xuất phần cứng ? hay cũng chỉ đến mức gia công lại phần mềm cho các công ty nước ngoài ?; làm dịch vụ CNTT ?; hay tiến tới sản xuất sản phẩm phần mềm mang thương hiệu riêng của Việt Nam ?. Cũng có thể chọn hướng “nhẹ nhàng, đỡ lao tâm, lao trí” là địa chỉ sẵn sàng tiêu thụ, ứng dụng mạnh các sản phẩm, phát minh của các tập đoàn CNTT của thế giới ?.

Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, cùng với việc tạo ra môi trường tiếp tục thu hút các DN đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phần cứng; các DN phần mềm hoạt động trên địa bàn phải không chỉ dừng lại ở mảng gia công xuất khẩu như: BPO (Business Process Oursourching), Testing,…. mà cần phải phát triển để có sản phẩm dịch vụ hoàn chỉnh từ khâu thiết kế, lập trình, tích hợp, đóng gói (một mô hình Fsoft, Asia Tech, RikkeiSoft,… Đà Nẵng đang định hướng). Có như thế, thương hiệu Danang software” mới tự phá đi cái thế đơn giá “cận trên” trong vòng quay luẩn quẩn của việc gia công theo đơn hàng. Và cũng với quyết tâm sáng tạo, sáng tạo bằng cả tâm huyết mới tạo ra một giá trị gia tăng mới trong sản phẩm phần mềm. Đó là hàm lượng tri thức trong sản phẩm. Làm được điều này, các DN công nghiệp CNTT của Đà Nẵng mới chạm đến ngưỡng phát triển trong sáng tạo; phong phú, đa dạng về lĩnh vực, tăng nhanh về số lượng và có dấu ấn riêng.

Song để có nền công nghiệp CNTT phát triển mạnh, cần có đủ sức hút như một ma lực, kéo các ông lớn -Tập đoàn đa quốc gia, thương hiệu toàn cầu - như Intel, Samsung, LG, Dell, Microsoft, Oracle và các công ty phần mềm khác đến đầu tư. Bài học từ thành phố Đại Liên Trung quốc, hay Penang của Malaysia với chính sách ưu đãi cụ thể, hỗ trợ tốt cho các DN CNTT, sự cam kết của chính quyền Trung ương trong việc đầu tư hạ tầng CNTT-TT như Khu Văn phòng cho thuê giá 0,5 USD/m2/tháng; tạo một môi trường và không gian phát triển CNTT ưu đãi ở tầm vóc quy mô công nghiệp -công nghệ thực sự; cấp visa không hạn chế thời gian đến làm việc Đà Nẵng... Với một tầm nhìn chiến lược hơn, cần sớm có chính sách hợp tác đầu tư đa phương mạnh mẽ của các Công ty có tầm ảnh hưởng lớn đến cả quốc gia như Apple, Microsoft, IBM, Cisco, Huawei, ZTE, Lenovo,… và lấy các công ty này làm xương sống để phát triển.

Nhìn sang các quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, Estonia là thế.

Còn với Đà Nẵng chúng ta, lộ trình phát triển phần mềm, nội dung số, đặc biệt là kinh tế số còn gặp nhiều khó khăn, cản ngại. Thị trường sản phẩm chất xám CNTT của Đà Nẵng vẫn đang ở quy mô nhỏ; các chính sách của Trung ương, địa phương cho môi trường đầu tư ở lĩnh vực này chưa đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư, còn có khoảng cách lớn so với các nước xung quanh, nặng về lợi ích trong ngắn hạn. Khâu quy hoạch để hình thành các Khu CNTT tập trung hãy còn theo kiểu phân phối như cấp “tem phiếu” trong thời kỳ  bao cấp. Nguồn vốn dành cho đầu tư CNTT vừa ít, mang tính nhỏ giọt, lại thiếu đầu tư có trọng điểm nên lại tạo ra sự thiếu nhất quán trong các chính sách phát triển, đưa CNTT trở thành mũi nhọn đột phá.

20 năm nhìn lại những gì đã qua và hướng tầm mắt cho hành trình tương lai, ở điểm dừng này… Xa xa là Khu Công viên phần mềm số 2, một dự án thực tế vẫn còn vướng mắc về Hợp tác công tư, Quản lý tài sản công; Khu CNTT tập trung Hòa Liên vừa được Chính phủ ra Quyết định thành lập vào đầu năm 2020 với kỳ vọng của công nghiệp CNTT “có da nhưng chưa thấy thịt”; các cam kết của Lãnh đạo Vietel, VNPT với tòa nhà trên 60 tầng đang là dự án ấn tượng. Chỉ có Khu công viên phần mềm số 1 Quang Trung, FPT Complex, sau nhiều năm hình thành và phát triển dần lộ ra những nét chấm phá của Kinh tế số. Với Nghị quyết 07/NQ-TU ngày 16/4/2019 về phát triển hạ tầng CNTT-TT tiếp cận xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0; Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những Quyết sách như vậy cộng với nguồn nhân lực dồi dào được đào tạo từ các Trường ĐHCĐ và các Trung tâm, cơ sở đào tạo CNTT của khu vực Miền trung và Tây nguyên. Thêm bản tính cần cù, chịu khó của những con người trên dải đất hẹp và dài và cộng đồng chuyên gia là Việt kiều gốc Miền Trung có kinh nghiệm trong lĩnh vực này mà tác giả bài viết này đã gặp, tất cả đều khao khát đóng góp cho quê hương đã tạo ra Hệ sinh thái để các Doanh nghiệp phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng để khẳng định Kinh tế số là sự lựa chọn phù hợp của Đà Nẵng.

Mong muốn và tâm nguyện chẳng có gì hơn là hợp tác và đầu tư tại Đà Nẵng-Việt Nam khi đón nhận những quyết sách táo bạo của Lãnh đạo thành phố. Tôi hy vọng một ngày không xa, dự án khu công viên phần mềm số 2 không chỉ dừng lại ở mức nghiên cứu để xem xét, mà bằng cả sự quyết tâm và nơi này sẽ mọc lên những Tòa nhà dành cho phần mềm, cho nội dung số, cho CNTT, để rồi có những sản phẩm vươn xa ra khỏi đất quê nghèo, hữu dụng cho đời và bớt đi những chuyến xe hối hả trở về quê khi xuân về, tết đến của biết bao lao động trẻ trí thức xứ Quảng ly hương. Các em phải có cơ hội để một mai trào dâng niềm tự hào. Bắt đầu một ngày mới, trên đường đến nơi làm việc với không gian sáng tạo, môi trường kinh tế trí thức; các bạn trẻ căng phồng lồng ngực với nhiều ý tưởng sáng tạo của một địa phương ươm mầm khởi nghiệp; nhiệt huyết đưa các thuật toán thành các sản phẩm cho các Doanh nghiệp CNTT địa phương; nguồn hưng phấn đầu tư cho các tập đoàn CNTT và Truyền thông đa quốc gia tên tuổi, là Ông chủ, hay chí ít cũng là người điều hành các DN CNTT Đà Nẵng.

TS. Nguyễn Quang Thanh