Quảng Ninh có thể gửi, nhận văn bản điện tử với hơn 2.500 đơn vị trong toàn quốc

Thiên Thanh 14:51, 14/07/2020

Theo thông tin của Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, với Đề án Chính quyền điện tử, hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý văn bản của tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành việc kết nối liên thông với hệ thống quản lý văn bản của Chính phủ; các bộ, ban, ngành của Trung ương và 62 địa phương trong toàn quốc qua Trục liên thông văn bản Quốc gia.

Báo Công thương cho biết, Quảng Ninh hiện là một trong 3 địa phương đầu tiên trong toàn quốc tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện tại, Cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến hoạt động tại địa chỉ http://dichvucong.quangninh.gov.vn đang cung cấp 1.500 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đạt tỷ lệ hơn 85% của cả 3 cấp.

Hiện tại, các sở, ngành, địa phương cơ bản đã hoàn thành nâng 517 dịch vụ công trực tuyến mức 4, đạt tỷ lệ 35,5%. Tổng số hồ sơ nộp trực tuyến trong 6 tháng đầu năm 2020 là 112.203 nghìn hồ sơ trực tuyến/247.117 tổng số hồ sơ giải quyết (đạt tỷ lệ 45%) cao gấp 4 lần cùng kỳ 2019.

Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành 19/21 chỉ tiêu được đề ra trong Nghị quyết 17/NQ-CP của Chính phủ.

Việc xây dựng chính quyền điện tử được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện ba khâu đột phá chiến lược, góp phần cải cách hành chính và nâng cao năng lực các chỉ số cạnh tranh.

Trong việc kết nối và thực hiện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, hiện tỉnh Quảng Ninh đã tích hợp được 394/518 dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4. Dự kiến hoàn thành việc tích hợp xong 518 thủ tục vào ngày 25/7/2020. Từ 1/1/2020 đến nay đã có trên 500 hồ sơ được tiếp nhận qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, 100% hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết đúng hạn.

Hệ thống Chính quyền điện tử được quản lý, vận hành và hoạt động ổn định, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác chỉ đạo điều hành từ cấp tỉnh đến cấp xã và phục vụ, hỗ trợ tốt hơn người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Còn với Đề án Thành phố thông minh, trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay đã triển khai 17 dự án thành phần với tổng mức đầu tư 3.144.307 triệu đồng, đã có 8 dự án hoàn thành. Trong đó, về giáo dục - đào tạo đã hoàn thành triển khai các dự án về xây dựng trường thông minh cho các trường với trang thiết bị hiện đại kết hợp với hệ thống phần mềm dùng chung của ngành Giáo dục. 

Về y tế, đã hoàn thành xây dựng 3 bệnh viện thông minh là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Về khoa học - công nghệ, CNTT: Cơ bản hoàn thiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phần mềm nền tảng cho thành phố thông minh, xây dựng hệ thống ứng dụng thông minh trên các lĩnh vực hỗ trợ công tác quản lý, điều hành, đa dạng hóa dịch vụ thông minh, giao thông thông minh, du lịch thông minh, an ninh trật tự.

Về môi trường, tỉnh đã đầu tư bổ sung thêm 6 trạm quan trắc môi trường tự động nâng tổng số trạm lên tới 140 trạm trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện đầu tư 9 dự án, tuy nhiên tiến độ giải ngân các dự án hiện đang chậm so với kế hoạch.

Đối với Đề án chính quyền số, bao gồm 15 dự án, nhiệm vụ, hiện đang xin ý kiến của các cấp để có thể triển khai trong giai đoạn 2020 – 2025.

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng yêu cầu sở, ngành, địa phương hoàn thiện công tác quyết toán những dự án đã hoàn thành. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thuộc Đề án Chính quyền điện tử, Chính quyền số chuyển tiếp từ năm 2019 và khởi công mới năm 2020.

 

Thiên Thanh (T/h)