Quy chuẩn cho tiếng Việt trong thời đại tin học?

16:51, 02/08/2020

Thời gian gần đây, tình trạng sai chuẩn chính tả trong hành văn của không ít người, trên các khẩu hiệu lớn và cả với báo chí đã và đang là câu chuyện phải bàn ở Việt Nam. Đó không còn là câu chuyện của riêng ngành ngôn ngữ học nữa mà là việc của xã hội. Và hơn thế, đây cũng là câu chuyện của thời đại tin học và không thể xem thường, khi mà rất nhiều người vì quen sử dụng máy tính nên đã ngại viết tay.

Môi trường nào cần phải thực hiện chuẩn hoá?

Xung quanh những chuẩn mực của ngôn ngữ tiếng Việt, rõ ràng là không thể đòi hỏi điều đó với blog vì đó là môi trường mang tính riêng tư của cộng đồng người sử dụng Internet. Họ hoàn toàn có quyền viết theo cách thức quy ước mà một cộng đồng cùng chấp nhận và sẽ là vô lý nếu như ai đó cứ tìm cách cố tình can thiệp vào. Điều này cũng giống hệt như những cuốn sổ tay, quyển vở của riêng các cá nhân. Khi đó, việc viết tắt, ghi chép bằng ký hiệu hoàn toàn là quyền của các chủ sở hữu và sẽ là vi phạm nhân quyền nếu giáo viên can thiệp vào. Chỉ có điều là trong các bài làm chính thức thì không được phép viết tắt, ghi chép bằng những ký hiệu như thế.

Vậy thì môi trường nào bắt buộc phải chuẩn? Hẳn rằng đó là trong những bài làm, văn bản chính thức. Khi đó, tác giả không được phép viết tắt, sử dụng ký hiệu riêng. Nếu để tồn tại những lỗi này, bài làm sẽ bị trừ điểm căn cứ vào số lỗi phát hiện được. Thậm chí dưới thời kỳ Thực dân Pháp thì nếu bài văn có quá 5 lỗi thì các bài thi còn lại cũng sẽ không được chấm nữa và điều đó có nghĩa là học sinh đó đành chấp nhận phải lưu ban. Vậy nhưng dường như nền giáo dục của chúng ta trong nhiều năm qua có lẽ đã quá dễ dãi trong chuyện này và lỗi chính tả có thể dễ thấy ngay cả trong luận văn thạc sĩ, tiến sĩ chứ không nói gì tới với học sinh phổ thông hay sinh viên đại học.

 Bìa sách giáo khoa môn Địa lý sử dụng I thay cho Y

Môi trường tin học và chuẩn hoá

Chúng ta đã bước vào thời đại CNTT và trong thời đại đó, rất nhiều người đã không còn thói quen viết tay và thay vào đó là soạn thảo những nội dung cần thiết bằng máy tính. Đương nhiên, khi soạn thảo bằng máy tính thì nhiều thực tế đã nảy sinh về chuẩn như bỏ dấu, vị trí của dấu phẩy, chấm câu… và thậm chí cả “i” ngắn hay “y” dài. Viết tay hay soạn thảo bằng máy chữ thông thường thì chuẩn bỏ dấu, chấm câu, dấy phẩy… là phụ thuộc vào kỹ năng của người viết nhưng một khi là trên môi trường máy tính thì tất cả phải được đưa về chuẩn một cách tự động.

Xung quanh vấn đề này, điểm dễ thấy nhất là dấu huyền phải đánh vào “o” hay “a” cụ thể với “Hoà” hay “Hoà”. Theo quan điểm để tìm kiếm ra được “Hoàn” và “Hoàng” thì rõ ràng phải vào “a” là hợp lý. Tuy nhiên, có nhiều nơi vẫn cố tình đánh dấu vào vị trí nguyên âm đứng trước với lý do để thuận mắt và đẹp hơn. Chính vì thế, một số hệ soạn thảo văn bản mà điển hình là Unikey còn phải đưa ra 2 sự lựa chọn cho người sử dụng về cách thức bỏ dấu và không hiểu sao, chế độ mặc định lại không thiên về sự đúng đắn mang tính logic cho việc ghép vần với những từ có thêm phụ âm đằng cuối. Tiếc thay, sự mặc định của Unikey lại là dấu huyền vào “o” và sẽ rất ít người biết đường khai thác các thủ tục để sửa lại cho vào “a”. Thêm nữa, Unikey lại còn được sự ủng hộ của cơ quan quản lý với một văn bản khuyến cáo hồi năm 2006 dù rằng trong nội dung văn bản đó không hề đề cập chuyện này.

Tiếp đó lại còn chuyện “i ngắn” hay “y dài” và người ta đã biến “y” thành “i” trong một số trường hợp phát âm giống nhau. Theo không ít người, đây là việc nên làm vì đã phát âm giống nhau thì nên quy về một mối. Tuy nhiên, thực tế hẳn rằng các tiến sĩ sẽ chấp nhận chữ “i” nhưng các nghệ sỹ thì sẽ không dễ chấp nhận điều đó vì nghệ thuật phải là bay bổng, ngâm nga chứ không thể cụt lủn. Hẳn rằng, nếu nước Anh, nước Pháp, nước Tây Ban Nha, nước Đức, nước Italia… thay hết “ph” thành “f” vì phát âm giống nhau thì Việt Nam hoàn toàn có thể thay “y” thành “i” với lý do tương tự. Nhưng ngôn ngữ không chỉ là ngôn ngữ mà đó là văn hoá. Bởi thế, tại cả Hàn Quốc và Triều Tiên mặc dù rất muốn chuyển từ chữ tượng hình sang Latinh với đích ngắm là năm 1995 nhưng rốt cục đã không thực hiện được. Vì thế, việc thay “y” bằng “i” trong những trường hợp phát âm giống nhau e là không ổn.

Và rồi là còn chuyện của dấu chấm, dấu phẩy nữa. Cần phải viết liền vào hay cách ra với nguyên âm trước nó? Rồi sau các dấu này thì chữ cái tiếp theo phải như thế nào. Chuyện này thực ra quá đơn giản nhưng quy chuẩn cho nó đến nay dường như cũng chưa có. Hơn nữa trên môi trường tin học mà nếu phải cách ra một khoảng trắng rồi mới đến dấu chấm, dấu phẩy thì coi chừng nếu ở cuối dòng thì nó sẽ nhảy xuống dòng dưới một cách vô lý. Chữ quốc ngữ tiếng Việt là theo hệ Latinh. Vậy thì quy chuẩn của các nước khác như thế nào thì chúng ta cứ làm như vậy. Đương nhiên, quy chuẩn của các nước là dấu chấm, dấu phẩy được viết sát vào chữ cái cuối cùng. Muốn viết câu tiếp theo thì cũng phải cách ra một khoảng trắng.

  Bộ gõ Unikey được Bộ TTTT khuyến cáo sử dụng đặt trạng thái mặc đình cho dấu huyền vào o với vần oa.

Làm thế nào để chuẩn hoá cho chữ quốc ngữ tiếng Việt? Hẳn rằng nếu làm được trên một diện rộng thì sẽ là không dễ bởi điều đó là hết sức phức tạp. Tuy nhiên, môi trường đầu tiên có thể thực hiện được chính là giáo dục. Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm đến vấn đề này một cách nghiêm túc để ít nhất làm được chuẩn cho môi trường sách giáo khoa và sử dụng các hệ soạn thảo văn bản nhằm phục vụ học tập. Làm được điều đó, chuẩn này sẽ có giá trị ít nhất trong môi trường giáo dục và từng bước sẽ được xã hội chấp nhận cho các môi trường như báo chí, xuất bản...

 

Nguyễn Đức Hoàng