Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN

13:47, 14/01/2022

Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo tương đối cao trong hệ thống điện, chiếm 27% tỉ trọng.

Ngày 14/1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Theo ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN, tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, tăng gần 7.500 MW so với năm 2020, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 20.670MW (tăng 3.420MW so với năm 2020) và chiếm tỉ trọng 27 %. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Về sản xuất và cung ứng điện, Tổng giám đốc EVN cho biết điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống là 256,7 tỉ kWh, tăng 3,9% so với năm 2020. Công suất phụ tải cực đại toàn hệ thống là 43.518 MW, tăng 11,3%.

Điện sản xuất và mua của EVN là 246,21 tỉ kWh, tăng 3,25% so với năm 2020. Trong đó, điện sản xuất các nhà máy điện thuộc Công ty mẹ EVN chiếm 18,5%, điện sản xuất của các GENCO chiếm 31,3%, điện mua các nguồn ngoài chiếm 50,2%. Điện thương phẩm toàn tập đoàn đạt 225,3 tỉ kWh, tăng 3,85% so với năm 2020.

Theo đánh giá của EVN, năm 2021 là một năm vận hành đầy biến động của hệ thống điện quốc gia với nhiều khu vực nhu cầu điện giảm thấp do chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Cùng với đó, ông Trần Đình Nhân cho rằng thủy văn diễn biến bất thường và rất khó dự báo, tỉ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo (đặc biệt điện mặt trời, điện gió) tăng cao gây khó khăn trong điều hành hệ thống và dẫn đến tình trạng "thừa nguồn", đặc biệt là vào các ngày lễ và cuối tuần ở khu vực miền Nam nhưng lại thiếu điện cục bộ một số khu vực tại miền Bắc vào một số thời gian cao điểm nắng nóng mùa hè.

Trong bối cảnh đó, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia thực hiện nghiêm túc các quy định về lập lịch, huy động, vận hành và điều độ các nhà máy điện, vận hành tối ưu trong thời gian thực các nguồn điện tái tạo, đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch.

"Mặc dù phụ tải thực tế thấp hơn nhiều so với dự báo, tập đoàn vẫn đảm bảo vận hành thị trường điện bán buôn cạnh tranh liên tục, ổn định. Hiện tại, có 104 nhà máy điện tham gia trực tiếp trong thị trường điện với tổng công suất 27.957MW, chiếm 36,5% tổng công suất đặt toàn hệ thống"- lãnh đạo EVN cho hay.

Về kế hoạch năm 2022, Tổng giám đốc Trần Đình Nhân cho biết EVN đặt mục tiêu sản lượng điện thương phẩm năm 2022 là 242,35 tỉ kWh, tăng trưởng 7,6% so với năm 2021. EVN cũng dự kiến khởi công và hoàn thành phát điện thương mại các dự án điện mặt trời Phước Thái 2 (100 MWp), Phước Thái 3 (50 MWp). Phấn đấu khởi công dự án nhiệt điện Ô Môn IV (1.050 MW).

Trong năm 2022, EVN tập trung thi công các dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng, nhiệt điện Quảng Trạch I. Bên cạnh đó, triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án nguồn điện mới sau khi Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao EVN làm chủ đầu tư.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đề nghị EVN cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp kinh tế, kỹ thuật kết hợp phòng, chống dịch hiệu quả để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị là đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, tiếp tục tổng hợp, báo cáo các bộ, ngành, địa phương những khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, công tác giải phóng mặt bằng,… để được hỗ trợ, hướng dẫn, đồng thời triển khai các giải pháp phù hợp để đẩy nhanh thủ tục đầu tư, thu xếp vốn, đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình nguồn và lưới điện lớn, quan trọng.

Tại hội nghị, lãnh đạo EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch Điện VIII để EVN và các đơn vị có cơ sở triển khai thực hiện.

Chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ EVN và các đơn vị thành viên giải quyết các vướng mắc liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và bồi thường giải phóng mặt bằng, để thúc đẩy tiến độ các công trình nguồn và lưới điện.

Đồng thời chấp thuận và phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu khoa học thuộc EVN, Đề án chuyển A0 thành công ty TNHH MTV hạch toán độc lập trong EVN.

Chân Hoàn (T/h)