Sẵn sàng hoạt động thuần IPv6 vào năm 2025, 100% CQNN phải chuyển đổi

08:37, 16/01/2021

Để hỗ trợ cho việc phát triển hạ tầng số và dịch vụ số, chuyển đổi Internet sang thế hệ địa chỉ mới IPv6 cần diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn và rộng hơn nữa. Do đó, chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng IPv6 là một trong những giải pháp và nhiệm vụ đã được xác định trong Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đối với khối các doanh nghiệp (DN), nhờ triển khai xuất sắc Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 (2011 - 2019), hiện các DN đã cung cấp rộng rãi, ổn định dịch vụ Internet IPv6. Tuy nhiên, việc chuyển đổi IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ công của khối cơ quan nhà nước (CQNN) còn cần các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy.

Tiên phong, đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương trong chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ của CQNN

Trong giai đoạn 05 năm tới, Bộ TT&TT xác định thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi IPv6 Việt Nam sẽ tập trung vào khối CQNN. Với mục tiêu đó, ngày 13/01/2020, Bộ TT&TT đã chính thức ban hành Chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, Bộ TT&TT sẽ tiên phong và đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện công tác chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ của CQNN; xúc tiến, hỗ trợ và đảm bảo cho việc thực hiện thành công toàn bộ quá trình chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ của CQNN.

03 giai đoạn – 10 bước chuyển đổi IPv6 cho hệ thống CNTT, Internet của các CQNN

Đối tượng của Chương trình IPv6 For Gov là toàn bộ các CQNN; các đơn vị chuyên trách CNTT của khối bộ/ngành, các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh/thành phố.

Chương trình IPv6 For Gov định hướng, thúc đẩy, hỗ trợ CQNN chuyển đổi IPv6 thành công trên mạng lưới, dịch vụ, song song với quy hoạch nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống CNTT, kết nối Internet, cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến của CQNN một cách thống nhất, đồng bộ, hiện đại để đảm bảo an toàn thông tin, phát triển hạ tầng số, phục vụ tốt cho người dân, DN về nhu cầu truy cập, sử dụng dịch vụ CQNN qua IPv6.

Chương trình cũng tăng cường tỷ lệ sử dụng IPv6 trong CQNN tương đương với tỷ lệ sử dụng IPv6 chung trên mạng Internet Việt Nam, phù hợp với xu thế chuyển đổi công nghệ IPv6 chung của thế giới.

Chương trình có các mục tiêu trọng tâm:

- 100% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Bộ, ngành) ban hành và thực hiện thành công Kế hoạch chuyển đổi IPv6;

- 100% cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công của CQNN hoạt động tốt với IPv6, sẵn sàng khả năng hoạt động thuần IPv6.

- Chuyển đổi toàn bộ hạ tầng, mạng lưới, dịch vụ kết nối Internet và mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) của khối cơ quan nhà nước sang hoạt động với IPv6; sẵn sàng hoạt động thuần IPv6.

- Tỷ lệ sử dụng IPv6 trong CQNN tương đương tỷ lệ sử dụng IPv6 chung trên mạng Internet Việt Nam (đạt mức 70% - 80%, sẵn sàng hoạt động thuần IPv6 vào năm 2025).

Trên cơ sở những mục tiêu đã được xác định cụ thể bằng những chỉ số đo lườngChương trình IPv6 For Gov sẽ tập trung theo 03 mảng công tác trọng tâm: Truyền thông và phát triển nguồn nhân lựcChính sách, tài nguyên và Công nghệ để thúc đẩy, hỗ trợ khối cơ quan nhà nước hoàn thành mục tiêu chuyển đổi IPv6 và sẵn sàng triển khai công nghệ thuần IPv6.

VNNIC chủ trì triển khai Chương trình IPv6 For Gov

Theo Chương trình, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) được giao là đơn vị chủ trì triển khai Chương trình IPv6 For Gov. Với vai trò chủ trì, VNNIC sẽ phối hợp cùng các đơn vị thuộc Bộ TTTT (Cục Tin học hóa, Cục Bưu điện Trung ương, Cục Viễn thông) để dẫn dắt, tư vấn, hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương trong công tác chuyển đổi IPv6 và tái cấu trúc hạ tầng mạng lưới CQNN theo hướng hiện đại.

Cụ thể, VNNIC sẽ đóng vai trò trung tâm, đầu mối tổng hợp, theo dõi, giám sát thông tin để hỗ trợ các đơn vị bám sát và thực hiện hoàn tất chỉ tiêu của Chương trình IPv6 For Gov; Chủ trì hoạt động hỗ trợ, tư vấn, đào tạo các Bộ, Ngành, Tỉnh, thành phố trong Chương trình.

VNNIC cũng xây dựng dữ liệu thống kê, giám sát dashboard về mức độ ứng dụng IPv6 của bộ, ngành, địa phương; Xây dựng và phát triển tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ Chương trình IPv6 For Gov; Thực hiện đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện hàng năm.

Theo ictvietnam