Sáng chế hữu ích của sinh viên

14:28, 21/10/2020

Việc nghiên cứu và xây dựng thành công robot tự hành thông minh của nhóm sinh viên Viện Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho thấy khát vọng chinh phục lĩnh vực công nghệ đột phá, mũi nhọn của sinh viên Việt Nam. Sáng chế hữu ích này sẽ góp phần giải phóng bớt sức lao động cho con người, hướng tới xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại.

Nhóm nghiên cứu bên robot tự hành thông minh tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2020 của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Robot tự hành thông minh

Từng có thời gian học tập và nghiên cứu tại Đức, nên Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hạ, giảng viên bộ môn Cơ sở thiết kế máy và robot, Viện Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội luôn đau đáu, quyết tâm phải kế thừa những công nghệ đã được học để phát triển thành một sản phẩm robot thông minh với giá thành rẻ, phù hợp với Việt Nam.

Từ quyết tâm đó, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hạ đã tập hợp một nhóm 5 sinh viên có chung đam mê, gồm: Ngô Thanh Tùng (lớp kỹ sư tài năng Cơ điện tử K60), Vương Sỹ Cương (lớp kỹ thuật Cơ điện tử K60), Đào Xuân Hiếu (chương trình tiên tiến Cơ điện tử K60), Nguyễn Duy Anh (lớp kỹ sư tài năng Cơ điện tử K61) và Chu Tấn Cường (lớp kỹ sư tài năng Cơ điện tử K62) để cùng phát triển sản phẩm.

Theo sinh viên Ngô Thanh Tùng, mục tiêu của nhóm là muốn tạo ra một nền tảng robot thông minh, có thể ứng dụng trong nhiều môi trường khác nhau, như thay y tá chăm sóc bệnh nhân; thay thế con người phục vụ trong các môi trường độc hại, nguy hiểm; phục vụ trong các nhà hàng, khách sạn, sân bay; giúp việc nhà và cảnh báo hỏa hoạn...

“Do có sự chuẩn bị kỹ càng, nên nhóm chỉ mất khoảng một tháng để xây dựng thành công robot. Nhóm đã ứng dụng các thuật toán trí tuệ nhân tạo cho robot”, sinh viên Đào Xuân Hiếu cho biết.

Nếu các robot thông thường chỉ có thể đi theo một quỹ đạo cố định, lập trình trước, thì robot tự hành thông minh có thể tự động tìm đường, di chuyển và tránh vật cản linh hoạt trong các không gian chưa biết trước. Ngoài ra, robot còn có thể tương tác với con người bằng các câu lệnh đơn giản, dựa trên công nghệ nhận diện giọng nói bằng tiếng Việt, chứ không phải bằng tiếng Anh như thông thường và có thể điều khiển qua điện thoại thông minh.

“Người dùng chỉ cần chọn điểm đến, robot sẽ tự quét để tìm quỹ đạo đi thuận lợi và có thể hoạt động độc lập suốt cả ngày, không cần sự can thiệp của con người. Nhờ khả năng này, mà robot có thể ứng dụng trong các khu vực có môi trường độc hại hay bị nhiễm phóng xạ”, sinh viên Ngô Thanh Tùng cho biết.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, do được trang bị công nghệ xử lý ảnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nên robot còn có khả năng thu thập thông tin. Người dùng chỉ cần cung cấp một bộ dữ liệu, robot có thể học và nhận diện được đồ vật tương ứng có trong bộ dữ liệu ấy. Khả năng nhận diện đồ vật này có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau...

Hướng tới cuộc sống văn minh, hiện đại

Sau nhiều lần chạy thử và điều chỉnh thiết kế, sản phẩm robot tự hành thông minh của nhóm đã hoàn thành, với tổng chi phí chỉ khoảng 50 triệu đồng. Thành viên của nhóm Nguyễn Duy Anh cho biết, ngay từ đầu, nhóm đã chọn tiêu chí giá thành thấp, nên tập trung phát huy thế mạnh là phần mềm.

Hiện tại, robot tự hành thông minh có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, để phát triển thành sản phẩm thương mại, tùy từng mục đích, nhóm sẽ tích hợp các chức năng riêng để tạo ra phiên bản tối ưu nhất. “Khi đưa vào các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội cũng như trên cả nước, robot có thể thay thế, hỗ trợ nhân viên y tế phục vụ, chăm sóc các bệnh nhân, như vận chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm, thu gom rác thải y tế, hỗ trợ giao tiếp, khám chữa bệnh từ xa giữa bệnh nhân và nhân viên y tế, giúp giảm rủi ro lây nhiễm chéo bệnh tật. Những tính năng này rất phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn khi nhiều loại dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hạ cho biết.

Theo Tiến sĩ Hoàng Hồng Hải, Phó Viện trưởng Viện Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sản phẩm robot tự hành thông minh đã đoạt giải Nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2020 của nhà trường. Sản phẩm có thể nghiên cứu ở hướng chuyên sâu cao hơn để ứng dụng trong thực tế và thương mại hóa.

Điều này là rất đáng quan tâm, nhất là trong bối cảnh Hà Nội đang triển khai “Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025” (theo Quyết định 4889/QĐ-UBND ngày 9-9-2019) cũng như chủ trương xây dựng thành phố thông minh. Nếu được hỗ trợ, định hướng tốt, những sáng chế như trên có thể phát triển thành những dự án, lan tỏa thành xu hướng trong hệ sinh thái khởi nghiệp của tuổi trẻ Thủ đô...

Có thể thấy, sáng chế của nhóm sinh viên Viện Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là hết sức hữu ích và thiết thực, thể hiện khả năng sáng tạo của tuổi trẻ, vận dụng tri thức và công nghệ mới để tạo ra sản phẩm hướng đến phục vụ cộng đồng. Nếu được thương mại hóa thành công, dự án sẽ góp phần giải phóng bớt sức lao động cho con người, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại hơn.

Theo hanoimoi.com.vn