Sẽ tiết kiệm được khoảng 1.686 tỷ đồng/năm khi cung cấp thêm 6 dịch vụ công

Châu Anh 08:28, 02/07/2020

Ước tính, việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến vừa được công bố có thể giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí thực hiện của người dân, doanh nghiệp tối thiểu khoảng 1.686 tỷ đồng/năm.

6 dịch vụ công sẽ tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 1.686 tỷ đồng/năm

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, việc tích hợp, cung cấp 6 dịch vụ công như chứng thực bản sao điện tử, cấp đổi giấy phép lái xe… giúp tiết kiệm khoảng 1.686 tỷ đồng/năm.

Ngày 1/7/2020, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam giới thiệu việc tích hợp thêm 6 dịch vụ công có thể giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 1.686 tỷ đồng/năm. Như vậy, trên Cổng Dịch vụ công quốc gia hiện có 725 dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp.

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, số lượng người tra cứu để nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tương đối lớn, khoảng hơn 16.000 lượt. Lực lượng cảnh sát giao thông đã cung cấp gần 11.000 dữ liệu về các trường hợp vi phạm hành chính để phục vụ tra cứu, nộp phạt trực tuyến. Tuy nhiên, số lượng nộp phạt trực tuyến thành công còn thấp, chủ yếu do phạm vi thực hiện thí điểm còn hẹp, cơ sở hạ tầng của các đơn vị thực hiện dịch vụ còn hạn chế, tâm lý e ngại, thói quen chưa hình thành…

Dịch vụ gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cho phép người dân đóng tiền trực tuyến để gia hạn thẻ bảo hiểm y tế của mình hoặc người thân, giúp cắt giảm thời gian, chi phí đi lại thực hiện thủ tục tại cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc đại lý ủy nhiệm thu. Với hơn 17 triệu người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, nếu chỉ 50% số người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình thực hiện gia hạn trực tuyến thì số tiền tiết kiệm được hàng năm khoảng hơn 724,6 tỷ đồng/năm.

Với chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, bản sao điện tử có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Bản sao chứng thực điện tử được ký số bảo đảm tính nguyên vẹn, chính xác và có thể sử dụng lại nhiều lần.

Ngoài ra, việc này sẽ giúp người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn đối với đa số các thủ tục hành chính đã được cung cấp trên môi trường điện tử, loại bỏ tình trạng phải nộp bản sao chứng thực, xuất trình bản giấy để xác minh lại hồ sơ như hiện nay. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong năm 2019, số lượng bản sao chứng thực được thực hiện trên 102 triệu bản, nếu sử dụng lại được 30% kết quả chứng thực, chi phí xã hội tiết kiệm hơn 428 tỷ đồng/năm.

Với dịch vụ nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ: mở rộng thực hiện trên toàn quốc từ 1/7/2020 việc nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trực tuyến đối với thẩm quyền xử phạt của Thanh tra giao thông; của các đơn vị thuộc cấp phòng trở lên của Cảnh sát giao thông.

Châu Anh